Người cao tuổi là trụ cột tinh thần trong mỗi gia đình

Tục ngữ có câu 'Con người có cố có ông, như cây có cội như sông có nguồn'. Tuy không còn là người chịu trách nhiệm chính như thời còn trẻ về thu nhập, nhưng vai trò của ông bà, cha mẹ là người cao tuổi khi về già trong gia đình vẫn vô cùng quan trọng…

Hai vợ chồng chị P.A (phường Phú Trinh, TP. Phan Thiết) mấy tháng trước lại xảy ra bất hòa. Câu chuyện bắt đầu từ việc chăm sóc con cái và những vấn đề liên quan đến chi tiêu, kinh tế trong gia đình. Lời qua tiếng lại, đã xảy ra bạo lực. Cơn giận không thể nguôi, lại là con một nên chị nhất quyết không bỏ qua, dù đã được các anh chị của chồng khuyên nhủ. Chị đã dắt hai con về gõ cửa nhà ba mẹ mình. Hơn ai hết, ông bà hiểu tính nết của con gái, vì thế bằng tình thương của đấng sinh thành và kinh nghiệm của người lớn tuổi, ông bà đứng ra hòa giải để hai vợ chồng hiểu ra lỗi của mỗi người.

Chương trình tọa đàm “Gia đình hạnh phúc - Quốc gia thịnh vượng” tại Đức Tài, Đức Linh đề cao trách nhiệm, vai trò của ông bà, cha mẹ trong nuôi dạy con cái.

Chương trình tọa đàm “Gia đình hạnh phúc - Quốc gia thịnh vượng” tại Đức Tài, Đức Linh đề cao trách nhiệm, vai trò của ông bà, cha mẹ trong nuôi dạy con cái.

Nhắc lại chuyện này, chị P.A cho biết: Nếu như không có ông bà ngoại, chắc giờ này vợ chồng tôi đã mỗi người mỗi ngả. Ông bà lúc ấy như cái chân phanh, như bánh lái con tàu trên con đường gập ghềnh, khúc khuỷu, giúp con cháu không chệch đường, trượt dốc, nhất là khi mình còn nóng giận, đề cao cái tôi của bản thân quá mức.

Thực tế, người cao tuổi với trải nghiệm dạn dày về cuộc đời, chứng kiến bao khó khăn, gian khổ, thất bại và thành công đã trở thành trụ cột vững trong gia đình. Mặt khác, ông bà, cha mẹ còn có ưu thế hơn về phương pháp và kỹ năng thuyết phục con cháu một cách hài hòa nhằm tạo thêm “sức đề kháng” đối với những tác động từ bên ngoài để hoàn thành nhân cách theo hướng tích cực, điều hòa các mối quan hệ giữa các thành viên, để tạo nên sự hài hòa cho không khí gia đình “trong ấm, ngoài êm”.

Cho dù cuộc sống hiện đại, mô hình gia đình hạt nhân, chỉ có 2 thế hệ đã thay thế dần mô hình gia đình truyền thống, “tam, tứ đại đồng đường”. Nhưng không ít gia đình vẫn giữ nếp nhà bằng cách duy trì một tháng/lần tụ họp con cháu bên mâm cơm ấm cúng. Hay ông bà chủ động kết nối điện thoại khuyên bảo, hỏi han con cháu, cũng là cách hóa giải các mâu thuẫn giữa các thành viên và tăng cường sợi dây gắn kết.

Ông Đào Xuân Nay – Chủ tịch Hội Người cao tuổi tỉnh cho rằng: Dựa trên kiến thức, kinh nghiệm và trải nghiệm, người cao tuổi thường đưa ra những quan điểm sâu sắc và khác biệt, điều này sẽ góp phần định hình tư duy, kiến thức, cũng như phát triển khả năng phản biện vấn đề. Ở trong gia đình, thế hệ người già chính là khâu nối giữa quá khứ và hiện tại, là nhịp cầu cho con cháu bước vào tương lai, là người giữ gìn những di huấn thiêng liêng của các bậc tiền bối. Vì vậy, họ là người truyền thụ, bổ sung cho thế hệ trẻ truyền thống văn hóa gia đình, với những giá trị đặc thù trong nền văn hóa chung của dân tộc.

Mặc dù trước tác động mạnh mẽ của mặt trái nền kinh tế thị trường, rất nhiều quan hệ và giá trị bị đảo lộn, trong đó có gia đình và mối quan hệ giữa ông bà, cha mẹ với con cháu, thì ở gia đình và người Bình Thuận từ miền núi, vùng biển, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc đến đồng bằng vẫn gìn giữ được thuần phong mỹ tục tốt đẹp, truyền thống của gia đình, truyền thống cách mạng của quê hương. Đó là đức tính cần cù, lao động sáng tạo, tôn trọng nghĩa tình, lấy đức làm trọng, tiếp thu có chọn lọc những bản sắc, tinh hoa văn hóa từ bên ngoài. Đây cũng chính là sức mạnh truyền thống văn hóa gia đình của người Bình Thuận được lưu truyền từ đời này sang đời khác.

THỤC ANH

Nguồn Bình Thuận: https://baobinhthuan.com.vn/nguoi-cao-tuoi-la-tru-cot-tinh-than-trong-moi-gia-dinh-122994.html