Người cao tuổi Nhật Bản thích các lớp học trang điểm miễn phí
Các khóa học trang điểm miễn phí cho người già tại Nhật hiện được nhiều cụ bà hưởng ứng, xem như một cách để duy trì lối sống năng động, giữ tinh thần trẻ trung.

Người cao tuổi Nhật Bản tại lớp học trang điểm. (Nguồn: Yahoo)
Cụ bà Yoshiko Abe sắp bước sang tuổi 89, nhưng điều đó không ngăn cản cụ đến phòng tập thể dục mỗi ngày cũng như tham gia khóa học trang điểm miễn phí tại khu phố. "Nó thực sự hữu ích", cụ nói sau khi thoa kem nền và son môi - điều mà cụ đã không làm trong nhiều năm qua.
Theo AP, Nhật Bản là quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới, với hơn 36 triệu người trên 65 tuổi. Trong khoảng một thập niên tới, người già sẽ chiếm 1/3 dân số nước này.
Số liệu trên cho thấy những người "trẻ trong tâm hồn" như cụ bà Abe đang trở thành đối tượng khách hàng tiềm năng mà các doanh nghiệp Nhật Bản hướng đến.
Theo một nghiên cứu của Ngân hàng Mizuho, thị trường dành cho người lớn tuổi ước tính sẽ tăng trưởng lên hơn 100 nghìn tỷ Yen (650 tỷ USD) trong năm 2025.
Thị trường này không chỉ xoay quanh các dịch vụ y tế, viện dưỡng lão mà còn khai thác mạnh vào nhu cầu tiêu dùng. Sự phát triển của trí tuệ nhân tạo và robot cũng đem đến nhiều tiềm năng cho các dịch vụ và thiết bị hỗ trợ người cao tuổi.
Giáo sư lĩnh vực kinh doanh tại Đại học Keio Akira Shimizu gọi đối tượng khách hàng tiềm năng này là "những cụ ông thức thời và cụ bà dễ thương" vì họ khá nhạy bén với các xu hướng, đặc biệt là sản phẩm liên quan đến sức khỏe.
Nhiều công ty tại Nhật Bản nắm bắt được tâm lý người cao tuổi ngày nay vẫn năng động, thích ra ngoài gặp gỡ bạn bè, nên họ cũng chú trọng đến việc ăn mặc sao cho hợp xu hướng, chỉn chu. Giáo sư Akira Shimizu nói: "Họ nghĩ về trang phục và cách trang điểm thể hiện phong cách".
Theo Miwa Hiraku, giảng viên lớp dạy trang điểm, việc chăm chút vẻ ngoài là một cách tập thể dục tốt vì các thao tác như mở tuýp mỹ phẩm, kẻ lông mày, tán phấn, massage mặt... cũng cần sự nhanh nhẹn, linh hoạt của đôi tay.
Hiraku sẽ trang điểm ngay cả khi bước sang 100 tuổi, cho biết: "Trang điểm giống như một công tắc bật nguồn năng lượng bắt đầu ngày mới. Không chỉ là để trông đẹp mà để sống khỏe mạnh lâu dài".
Cụ Yoshihiko Hotta, 85 tuổi, là cụ ông duy nhất trong lớp học gồm khoảng 30 người, không đánh phấn má hồng nhưng vẫn vui vẻ thoa kem dưỡng da tay và thực hiện tất cả bài trang điểm theo hướng dẫn.
Dù thừa nhận, cảm thấy một số tác động của tuổi già như đau chân, ông nói về trải nghiệm học trang điểm: "Tôi không nghĩ tuổi tác là yếu tố liên quan".