Người cha gieo hy vọng
Nghỉ hưu nhưng không chọn nghỉ ngơi, 21 năm qua cựu chiến binh Nguyễn Trung Chắt đã nhận nuôi dưỡng 304 trẻ em mồ côi tại 3 trung tâm Hy Vọng (1 tại Hưng Yên và 2 tại Lạng Sơn) do ông sáng lập
9 giờ tối, khi các gia đình chuẩn bị đi nghỉ thì gia đình ông Chắt lại tất bật chất gạo, rau củ quả, đồ đạc lên chiếc ô tô 7 chỗ để ông Chắt xuất phát từ phố Núi Trúc (quận Ba Đình, TP Hà Nội) lên Lạng Sơn.
Vào trung tâm sẽ có hy vọng
Hành trình lái xe đêm hơn 200 km đối với người đã bước sang tuổi 71 như ông Chắt không hề dễ dàng. Tuy nhiên, ông luôn tranh thủ thời gian để di chuyển giữa 3 trung tâm Hy Vọng. Mỗi tháng ông đi cả ngàn km, ở nhà riêng chỉ 1 - 2 ngày/tháng.
Ông Chắt nói: "Các con thiệt thòi khi không có đầy đủ tình cảm gia đình nên tôi muốn các con mạnh mẽ và có tính kỷ luật, tự lập. Tôi phân công các con học cấp III thay nhau làm trực nhật hằng ngày, duy trì giờ giấc, kiểm tra nội vụ trật tự vệ sinh và đánh kẻng, tăng gia sản xuất, duy trì nếp sinh hoạt như trong quân đội".
Công việc của ông Chắt tại 3 trung tâm giờ đã có sự giúp sức của các cô tình nguyện viên, đặc biệt các bạn thế hệ đầu nay đã trưởng thành quay trở về mái nhà xưa để chăm sóc các em nhỏ. Trong đó, Nông Quốc Hưng - sinh năm 1991, hiện đã tốt nghiệp thạc sĩ Công tác xã hội tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội - là người ông Chắt tự hào nhất. Hưng sinh ra trong gia đình có 8 anh chị em ở xã Tú Đoạn (huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn) mồ côi bố, mẹ ốm đau triền miên được nhận vào trung tâm năm 2003 theo đề nghị của UBND xã Tú Đoạn và gia đình.
Chia sẻ về cái tên Hy Vọng ông đặt cho cả 3 trung tâm, ông Chắt nói: "Trước khi thành lập trung tâm, tôi có đi thăm một số nơi đang nuôi dưỡng trẻ em mồ côi. Tôi thấy hầu hết họ đặt tên là trại trẻ mồ côi hay mái ấm tình thương. Nếu như tôi cũng đặt tên trung tâm là trại trẻ mồ côi thì các cháu sẽ mặc cảm nên tôi chọn hai từ Hy Vọng. Các cháu được nhận vào trung tâm là đã có hy vọng được phát triển bình thường như bao bạn bè đồng trang lứa. Trong những lúc khó khăn nhất về tài chính, thời gian, sức khỏe, tôi đều cố gắng để không làm cháu nào mất hy vọng, con người ta đôi khi cố gắng tồn tại chỉ bằng hy vọng".
Ông bố giỏi quán xuyến
Ông Chắt quê gốc ở huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên. Năm 1972, ông xung phong nhập ngũ và được phân về lực lượng công an vũ trang nay là Bộ đội Biên phòng, đóng quân ở Quảng Ninh. Sau đó ông tiếp tục công tác trong quân đội rồi công an cho đến khi nghỉ hưu.
Trong một lần về thăm quê ở Hưng Yên năm 2002, ông Chắt nhận thấy một số trẻ mồ côi do thiếu thốn tình thương và sự giáo dục của gia đình trở nên hư hỏng. Ông Chắt nghĩ rằng đó không phải lỗi của riêng các cháu mà do chưa có sự quan tâm của xã hội. Gác lại công việc kinh doanh bất động sản đang thuận lợi, ông Chắt quyết định thành lập Trung tâm Hy Vọng Tiên Cầu (huyện Kim Động) để đỡ đầu, nuôi dưỡng các em nhỏ mồ côi.
Sau khi thành lập trung tâm, ông Chắt bắt đầu đi tập hợp các cháu nhỏ mồ côi, trẻ sơ sinh bị bỏ rơi ngay khi lọt lòng về nuôi dưỡng. Năm đầu tiên ông nhận 24 cháu. Vốn từng gắn bó với vùng biên giới và từng tham gia một dự án về trẻ mồ côi của UNESCO nên năm 2007, ông Chắt đã cùng người bạn thành lập thêm Trung tâm Hy Vọng Lộc Bình (huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn) và nhận 48 cháu đầu tiên vào trung tâm. Đến năm 2020, ông Chắt thành lập thêm trung tâm Hy Vọng thứ ba tại huyện Hữu Lũng (Lạng Sơn).
Là ông bố của hơn 300 trẻ mồ côi, việc duy trì cơm ăn áo mặc hằng ngày của ông Chắt không thể dựa vào nguồn lực tài chính của riêng ông cũng như tăng gia sản xuất. Vì vậy, ông Chắt chẳng ngại ngần đi khắp nơi vận động kinh phí để có thể nuôi các con cũng như quản lý, cân đối việc chi tiêu.
"Tôi tìm mua thức ăn ở những nơi rẻ nhất, chế biến thành những món ăn dè nhưng phải bảo đảm dinh dưỡng cho các con. Các đồ dùng hằng ngày thì đi xin những nơi quen biết hoặc tái chế từ những đồ bỏ đi" - ông Chắt chia sẻ.
Các em nhỏ bị bệnh bẩm sinh cũng được ông nhận vào rồi đưa đi chữa trị hết lòng như Đào Thị Luyến ở xã Ngọc Thanh (huyện Kim Động). Luyến bị tim bẩm sinh được ông đón vào trung tâm năm 2011 và đưa đi mổ tim tại Bệnh viện Việt Đức, ca mổ thành công, Luyến đã có một cuộc đời bình thường.
Vợ ông Chắt, bà Đào Thị Nghiêm tâm sự: Vợ con ở nhà ốm đau gọi cho ông thì ông bảo cố gắng tự lo, dù sao cũng có mấy người lớn ở nhà. Còn trên trung tâm, các con ốm không có ai chăm sóc nên ông phải thường xuyên ở trung tâm. Ngay cả đêm khi đã 1 giờ sáng, nghe tin có con ốm trên trung tâm, ông liền lái xe lên ngay. Quan điểm dạy con của ông rất rõ ràng, nuôi 3 con trưởng thành thì phải tự lập, không được phép ỷ lại. Của cải để lại cho con cái (con ruột) không được gọi là cho và nếu để lại thì con cái sẽ mất động lực phấn đấu, mất đoàn kết nên ông dùng hết của cải để làm từ thiện.
Những đứa con nên người
Về lý thuyết, ông Chắt nhận nuôi dưỡng các cháu mồ côi đến hết 18 tuổi nhưng trên thực tế, ông đều định hướng các cháu đi học đại học hoặc học một nghề ổn định cuộc sống... Trong thời gian học, ông vẫn chu cấp cho các cháu bình thường. Hơn 200 em trưởng thành từ mái ấm Hy Vọng thì có gần 50 em được học đại học, cao đẳng và học nghề. Đối với ông Chắt, niềm hạnh phúc nhất là thấy các con trưởng thành, xây dựng mái ấm gia đình, giúp đỡ những người khó khăn chứ không phải được nổi tiếng hay muốn ai hàm ơn mình.
Hiện 3 trung tâm Hy Vọng đang nuôi dưỡng gần 100 em và 4 em đang học đại học ở Hà Nội. Có những em đến với ông từ lúc còn đỏ hỏn nay cũng đã trưởng thành và chuẩn bị lập gia đình, ông lại đứng ra tổ chức đám cưới kiêm cả vai làm cha, làm mẹ. Hơn 300 người con nhưng khi nhắc đến ai, ông Chắt đều nhớ rất rõ năm sinh, quê quán, tính cách và hoàn cảnh vào trung tâm của từng con.
Chị Nông Thị Duyên, 33 tuổi, cho biết: "Em vào Trung tâm Hy Vọng Lộc Bình năm 2007, được bác Chắt cho ăn học đầy đủ. Hết lớp 12 bác còn cho em đi học trung cấp nấu ăn rồi học tiếp ngành công tác xã hội (Trường Đại học Lao động - Xã hội). Năm ngoái, bác còn đứng ra tổ chức đám cưới cho em. Không có bác, không biết cuộc đời em sẽ trôi về đâu".
Trung úy Lê Quý Đạt - 29 tuổi, hiện là cảnh sát giao thông, công tác tại Đội CSGT Trật tự huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước - chia sẻ: "Tôi mồ côi cha mẹ từ lúc 10 tuổi, trong thời gian ở trung tâm, tôi đã được bác Chắt cùng các mẹ Với, mẹ Bình, mẹ Hương trực tiếp nuôi dưỡng dạy bảo, lo cho mình bữa ăn giấc ngủ, dạy mình cách cư xử với mọi người, cách vươn lên trong cuộc sống. Những bài học và ân tình của bác Chắt sẽ theo tôi suốt cuộc đời này, con cảm ơn bác rất nhiều".
"Năm 2019, ông Nguyễn Trung Chắt nhận giải thưởng Tình nguyện Quốc gia do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trao tặng; năm 2021, ông nhận danh hiệu Công dân Lạng Sơn ưu tú do UBND tỉnh Lạng Sơn trao tặng.
Anh Nông Quốc Hưng hiện đang làm công tác quản lý tại 2 trung tâm Hy Vọng Lộc Bình và Hữu Lũng, người sẽ thay ông Chắt nuôi dưỡng các em nhỏ mồ côi trong tương lai, nói: “Tôi được bác dạy rằng lớn lên mỗi người sẽ có một công việc riêng, tuy nhiên nếu có thể hãy chọn những công việc có thể giúp đỡ được cho những người khác nên tôi đã chọn trở về trung tâm để giúp bác quản lý, chăm sóc các em. Những lời bác Chắt dạy như: “Việc đầu tiên là học làm người - người tử tế trước khi ước muốn thành người giỏi giang, có quyền hành hoặc siêu phàm” luôn được chúng tôi khắc cốt ghi tâm.
Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/thoi-su/nguoi-cha-gieo-hy-vong-20230818204323701.htm