'Người cha' nơi sân trường luôn 'sưởi ấm' trái tim cậu học trò thiệt thòi
Dù đã chia tay mái trường THCS Chương Dương (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), nhưng những ký ức về người thầy chủ nhiệm Nguyễn Ngọc Quân, về những năm tháng được thầy dìu dắt, nâng bước tại trường, vẫn còn vẹn nguyên trong ký ức của cậu học trò đặc biệt, em Nguyễn Minh Kiệt.
Ấm áp tình thầy trò
Những ngày hè năm 2022, Nguyễn Minh Kiệt nhận được một lời đề nghị đặc biệt từ thầy chủ nhiệm và các bạn cùng lớp, đó là cõng em đi tham quan một vòng trường THCS Chương Dương - nơi đã chứng kiến sự trưởng thành của em bốn năm qua.
Ngay khi ấy, Minh Kiệt vô cùng xúc động, bởi đó là điều mong mỏi mà em chưa từng nói ra, nhưng thầy Quân lại cảm nhận được và cùng các bạn của em “biến” nó trở thành hiện thực.
Sinh ra với một đôi chân không lành lặn, Kiệt chỉ có thể ngắm trường từ tầng 1, bởi thấu hiểu tình trạng sức khỏe của em, nhà trường tạo điều kiện để cả bốn năm, Kiệt học tại tầng 1. Vì vậy, được dạo qua những lớp học phía trên, được thăm phòng các thầy cô trong ban giám hiệu, được nhìn THCS Chương Dương từ trên cao, vốn là ước mơ nhỏ nhoi của Kiệt.
Em kể: “Thầy Quân không chỉ là người đem đến cho em tri thức, mà còn là người đồng hành, người anh, người bạn lớn. Thầy hiểu những thiệt thòi mà em phải trải qua trong cuộc sống khi ngồi trên xe lăn, nên luôn cố gắng dành cho em những điều tốt đẹp nhất, cho em được tận hưởng cuộc sống học đường như bao bạn bè khác”.
Cứ thế trong suốt bốn năm học, thày Quân đều đặn mỗi ngày qua lớp nhắc Minh Kiệt uống thuốc, dù hôm đó không có tiết ở trường, chọn cho em chỗ ngồi phù hợp nhất, động viên em mỗi khi bị điểm kém… Không chỉ vậy, thầy Quân còn lan tỏa tình yêu thương đó tới các thành viên khác trong lớp, để lúc nào bên cạnh Minh Kiệt cũng có người quan tâm và giúp đỡ em.
Minh Kiệt nhớ lại những lần cùng thầy và cả lớp tham gia chuyến trải nghiệm, dã ngoại: “Vì em không thể ăn trong khu tập trung cùng các bạn, nên thầy đã đưa em ra chỗ mát mẻ, gọi thêm các bạn cùng ăn với em, cho em vui. Chỉ khi thấy em ăn xong, vệ sinh tinh tươm, thầy mới an tâm đi làm việc khác. Thầy Quân đã cùng cô hiệu trưởng tặng em một chiếc máy tính để em có điều kiện học tập tốt nhất trong những ngày giãn cách vì dịch COVID-19. Những điều thầy làm cho em, lo lắng cho em, đã giúp em càng thêm quyết tâm học thật tốt để thầy vui lòng”.
Khi nói về mình, cậu học sinh đặc biệt này vẫn có chút ngại ngùng. Chỉ khi được hỏi về thầy Quân, ánh mắt em sáng lên, tự tin hơn. Với những tình cảm và kỷ niệm đó, tác phẩm “Người thầy của những ước mơ” mà Kiệt viết về thầy Quân đã giành giải Đặc biệt tại cuộc thi “Thầy cô trong mắt em”, do Công đoàn Giáo dục Việt Nam phát động từ đầu năm 2023.
Hướng học sinh tới những điều “chân - thiện - mỹ”
Ngược lại, thầy Nguyễn Ngọc Quân cũng dành tình cảm rất đặc biệt cho cậu học trò “cưng” này. Nhớ lại ngày đầu nhận lớp, biết được có một học sinh khuyết tật, người thầy giáo trẻ có chút bỡ ngỡ và lo lắng. Thày Quân chia sẻ, thày luôn trăn trở để có thể giúp đỡ và đồng hành cùng Minh Kiệt trên chặng đường phía trước.
Điều khiến thầy Quân hài lòng nhất về Minh Kiệt là sự vui vẻ, lạc quan và niềm tin trong cuộc sống. Dù gặp vấn đề về sức khỏe, khá khó khăn trong giao tiếp, nhưng hoàn cảnh chưa bao giờ là điều mà em ỷ lại và làm ảnh hưởng đến người khác. “Chỉ hôm nào mệt quá, Kiệt mới để tôi đẩy xe lăn giúp, còn con luôn chủ động. Thậm chí, còn “giận” nếu như ai cố tình đi theo, vì vậy tôi luôn tôn trọng mọi quyết định của con, chỉ lặng lẽ dõi theo từ xa mà thôi”, thầy Nguyễn Ngọc Quân tâm sự.
Thầy Quân cho rằng, đồng hành cùng Minh Kiệt, đó là may mắn mình có được trong sự nghiệp trồng người. Thày chia sẻ, bản thân là người dìu dắt học sinh trên con đường học vấn, nhưng vẫn muốn rèn giũa các em, trước hết là trở thành những người tử tế và có ích cho xã hội. Vì vậy, thày cũng muốn các bạn khác trong lớp, sẽ yêu thương và quan tâm đến Kiệt, giúp các con nuôi dưỡng những tình bạn thật đẹp.
“Tôi vẫn nhớ có lần bắt gặp Minh Kiệt một mình trong lớp, lặng lẽ nhìn các bạn học thể dục ngoài sân. Tôi có chút chạnh lòng. Với nhiều học sinh khác, ước mơ là sau này được làm nhiều công việc có ích, được làm kỹ sư, bác sĩ ... nhưng có lẽ với Kiệt, con chỉ ước được một lần chạy nhảy, được đi bằng đôi chân của mình mà thôi”, thầy Quân nhắc lại, đôi mắt thoáng ướt nhòe.
“Tôi nghĩ tình yêu thương chính là gốc rễ, nuôi lớn mọi điều tốt đẹp", thầy Quân tâm sự. Có lẽ, chính lòng trắc ẩn đã giúp người thầy ấy lặng lẽ, miệt mài ươm mầm những trái tim non nớt, nâng bước cho không chỉ Kiệt mà nhiều thế hệ học sinh khác thực hiện ước mơ của mình.
“Có một chi tiết khiến tôi vô cùng xúc động, đó là lần đưa ra đề nghị cõng Kiệt tham quan trường, tất cả học sinh trong lớp bạn nào cũng xung phong được thực hiện “nhiệm vụ”. Nhìn các con “tranh nhau” giúp bạn, tôi hiểu rằng, tình yêu thương đã thực sự được lan tỏa, nhân rộng trong những trái tim ngây thơ và trong ngôi trường thân thương này”, thầy Nguyễn Ngọc Quân chia sẻ.