Người chăn nuôi lợn không nên tái đàn ồ ạt

Mặc dù dịch tả lợn châu Phi chưa chấm dứt, nhưng người dân ở một số địa phương trong tỉnh đang có ý định tái đàn. Đây là việc làm rất mạo hiểm, bởi tỷ lệ rủi ro cao, người chăn nuôi có thể phải trả giá cho sự chủ quan này. Vậy, thời điểm nào thích hợp nhất để người chăn nuôi tái đàn? Phóng viên Báo Lào Cai đã phỏng vấn ông Nguyễn Xuân Nhẫn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về vấn đề này.

Người dân chăm sóc đàn lợn. Ảnh: Kim Thoa

Người dân chăm sóc đàn lợn. Ảnh: Kim Thoa

Phóng viên: Thưa ông, dịch tả lợn châu Phi tác động thế nào tới ngành chăn nuôi của tỉnh?

Ông Nguyễn Xuân Nhẫn: Từ ngày 17/5/2019, tỉnh Lào Cai xuất hiện dịch tả lợn châu Phi tại xã Bản Lầu, huyện Mường Khương. Đến ngày 23/10/2019, dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra tại 6.386 hộ, chiếm 8,9% số hộ có lợn mắc bệnh; toàn tỉnh đã tiêu hủy 35.755 con lợn, chiếm khoảng 7,44% tổng đàn lợn trên địa bàn, khối lượng tiêu hủy gần 1.600 tấn lợn.

Dịch tả lợn châu Phi đã tác động tiêu cực đến ngành chăn nuôi lợn của cả nước nói chung và ngành chăn nuôi lợn trên địa bàn tỉnh nói riêng.

Tuy nhiên, các hộ bị ảnh hưởng trên địa bàn tỉnh chủ yếu là hộ chăn nuôi nhỏ, lẻ; số lợn phải tiêu hủy chủ yếu là lợn con, lợn nái. Bên cạnh đó, việc tiêu thụ lợn thịt đến tuổi xuất bán không bị ảnh hưởng của dịch bệnh, nhất là thời gian gần đây, giá lợn hơi tăng cao. Do vậy, có thể khẳng định rằng, dịch tả lợn châu Phi có ảnh hưởng đến chăn nuôi của tỉnh, nhưng không lớn.

Phóng viên: Hiện nay, nguồn cung thịt lợn đang khan hiếm, giá lợn hơi tăng cao. Chính vì vậy, người chăn nuôi ở một số địa phương đang có ý định tái đàn. Liệu có phải người chăn nuôi đang quá mạo hiểm, thưa ông?

Ông Nguyễn Xuân Nhẫn: Thời gian gần đây, giá lợn hơi trong nước giao động từ 55.000 đến 65.000 đồng/kg tùy từng loại lợn. Với giá lợn ở thời điểm hiện tại, người chăn nuôi lợn có lãi, tuy nhiên giá lợn tăng chỉ là ngắn hạn (1 - 3 tháng) và tăng giá cục bộ, trong khi đó chu kỳ chăn nuôi lợn thịt từ 4 đến 5 tháng/lứa. Do đó, việc đầu tư tái đàn lợn thịt ồ ạt ở thời điểm này là mạo hiểm, vừa có nguy cơ về dịch bệnh, vừa rủi ro về giá xuất bán trong thời gian tới.

Phóng viên: Với những rủi ro trông thấy, nếu không thận trọng khi tái đàn, chắc chắn người chăn nuôi sẽ phải trả giá đắt cho sự mạo hiểm của mình, thưa ông?

Ông Nguyễn Xuân Nhẫn: Hiện nay chưa xác định được hết các con đường lây truyền dịch tả lợn châu Phi, do đó việc tái đàn trong thời điểm hiện tại là rất nguy hiểm, thậm chí phải trả giá đắt. Bởi lẽ, việc nhập con giống từ các địa phương khác để tái đàn làm tăng nguy cơ bùng phát các ổ dịch mới, gây thiệt hại cho chăn nuôi, ngân sách nhà nước cũng như công tác chống dịch thêm phức tạp.

Tuy nhiên, những nơi đủ điều kiện, đặc biệt là các trang trại chăn nuôi khép kín, sản xuất theo chuỗi thì vẫn có thể tái đàn. Trường hợp tái đàn thì cần tiếp tục thực hiện đồng bộ các biện pháp chống bệnh dịch tả lợn châu Phi, như chăn nuôi an toàn sinh học (ATSH) theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong đó lưu ý các yêu cầu về chuồng trại và trang - thiết bị chăn nuôi; con giống; thức ăn, nước uống; chăm sóc nuôi dưỡng; vệ sinh khử trùng; kiểm soát người, phương tiện ra, vào khu vực chăn nuôi; tiêu diệt động vật gây hại; xử lý chất thải; thực hiện nghiêm quy trình phòng bệnh bằng vắc xin, thuốc thú y; phát hiện sớm, cách ly và xử lý triệt để các trường hợp lợn ốm, lợn mắc bệnh... Thực hiện tái đàn hoặc tái đàn khi đủ 30 ngày kể từ khi tiêu hủy lợn hoặc sản phẩm lợn bị nhiễm bệnh và đã thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định thì phải đăng ký kê khai ban đầu với UBND cấp xã.

Phóng viên: Vậy cơ quan quản lý nhà nước cần làm gì để định hướng cho người chăn nuôi trong lúc này, thưa ông?

Ông Nguyễn Xuân Nhẫn: Trong thời điểm này, chính quyền các cấp thực hiện triệt để Kế hoạch số 257 ngày 30/7/2019 của UBND tỉnh về kế hoạch khẩn cấp phòng, chống dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn tỉnh. Hướng dẫn người chăn nuôi lợn cải tạo cơ sở chăn nuôi, áp dụng triệt để các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học. Tuyên truyền, vận động người chăn nuôi chuyển đổi sang chăn nuôi các vật nuôi khác, như gia cầm, trâu, bò, ngựa, dê, thỏ, chim cút, bồ câu, thủy sản… Quản lý chặt chẽ hoạt động chăn nuôi, vận chuyển lợn ra, vào địa bàn, không hỗ trợ cho các hộ tự ý mua con giống từ nơi khác về tái đàn trong khi trên địa bàn có dịch tả lợn châu Phi.

Phóng viên: Xin cảm ơn ông!

Thanh Nam (Thực hiện)

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/kinh-te/nguoi-chan-nuoi-lon-khong-nen-tai-dan-o-at-z3n20191104163647507.htm