Người chăn nuôi sợ thua lỗ vì giá thức ăn tăng cao
Từ năm 2023 đến nay, giá thức ăn chăn nuôi gia súc gia cầm và nuôi trồng thủy sản liên tục tăng làm cho nhiều người chăn nuôi ở Kiên Giang không mạnh dạn đầu tư thả nuôi vì lo sợ bị thua lỗ; trong đó, đa số hộ chăn nuôi chọn nuôi cầm chừng, đồng thời áp dụng các giải pháp tiết kiệm thức ăn để giảm chi phí đầu tư.
Là một trong những hộ có quy mô nuôi lớn và gắn bó lâu năm với nghề nuôi lợn ở xã Minh Hòa, huyện Châu Thành, bà Nguyễn Thị Thúy cho biết, khoảng 2 năm trở lại đây số lượng lợn thả nuôi của gia đình liên tục được giảm vì giá thức ăn tăng cao. Cụ thể, từ năm 2021 trở về trước, số lượng lợn trong chuồng của gia đình từ 70 - 100 con, còn những năm gần đây chỉ duy trì từ 30 - 40 con.
Bà Thúy cũng cho biết, giá lợn hơi năm 2020 - 2021 khoảng 5,4 - 5,7 triệu đồng/100 kg và thời điểm đó giá thức ăn loại độ đạm cao khoảng 500.000 đồng/bao 25 kg. Còn từ năm 2022 đến nay, giá cứ tăng dần và hiện tại mỗi bao thức ăn tăng hơn 750.000 đồng khi mua bằng tiền mặt, còn nếu mua nợ đến khi bán lợn thanh toán giá cao hơn khoảng 10%/bao.
“Để nuôi được một con lợn từ tách đàn đến 100 kg phải tốn 5 - 6 bao thức ăn, vậy nên với giá lợn hơi 6 triệu đồng/100 kg như hiện nay người nuôi rất khó có lời nên tôi giảm số lượng nuôi, đồng thời chịu khó nấu cháo, trộn cám cho ăn xen kẽ để tránh bị thua lỗ”, bà Thúy nói.
Cũng trong tình trạng tương tự, bà Huỳnh Thị Diệu, ấp Ngã Con, xã Long Thạnh, huyện Giồng Riềng cho biết, giá thức ăn dạng viên để nuôi lươn từ giữa năm 2023 đến nay tăng 3 lần và hiện có giá từ 600.000 - 770.000 đồng/bao 25 kg (tùy theo độ đạm cao hay thấp). Trong khi đó, giá lươn thịt trong 2 năm qua thường duy trì ở mức khá thấp, từ 100.000 - 110.000 đồng/kg.
“Trước đây khi thức ăn chưa tăng giá, trung bình chi phí con giống và tiền thức ăn, tiền điện nước khoảng 85.000 đồng/kg. Còn gần đây chi phí tăng lên khoảng 95.000 đồng/kg cho nên người nuôi có lời rất thấp nếu như gặp thuận lợi, còn nếu như nuôi bị hao hụt nhiều hoặc lươn bị bệnh tốn thêm tiền thuốc thì coi như lỗ vốn. Thế nên, sau khi thu hoạch đàn lươn thịt năm 2023, vợ chồng tôi thả nuôi giảm 40% số lượng con giống so với trước đây (5.000 con) và khi nào giá lươn thịt tăng lên, đảm bảo có lời mới dám nuôi nhiều như trước”, bà Diệu chia sẻ.
Đến tìm hiểu về mô hình nuôi ba ba thịt của gia đình bà Thị Tuyền, xã Bàn Thạch, huyện Giồng Riềng, bà Tuyền cũng cho biết, chỉ tính từ cuối năm 2023 đến nay giá thức ăn dành cho lươn tăng khoảng 15%, gần 100.000 đồng/bao 25kg. Theo bà Tuyền, gia đình đã gắn bó hơn 7 năm, cũng khấm khá lên từ loài vật nuôi này, tuy nhiên, từ năm 2023 đến nay khi giá thức ăn tăng mạnh, lợi nhuận giảm sâu nên chỉ nuôi cầm chừng.
Bà Tuyền bày tỏ trăn trở, trước tình hình vật giá leo thang như hiện nay, nhất là thức ăn chăn nuôi, trong khi giá các loài vật nuôi nhiều năm qua “đứng yên một chỗ” nên người nông dân rất khó chọn được mô hình sản xuất phù hợp. Một khó khăn nữa là thiếu vốn sản xuất, nông dân thường mua thiếu tiền con giống, thức ăn nên giá được các đại lý kê lên để bán cao hơn từ 10-15% so với giá mua tiền mặt.
“Nông dân ở đây một là trồng lúa nếu có đất ruộng, còn không có hoặc ít đất ruộng thì chăn nuôi gà, vịt, lợn hay nuôi cá lóc, nuôi lươn, ba ba. Thế nhưng, gần đây giá các loại thức ăn tăng cao bà con rất khó có lời nên không mạnh dạn đầu tư chăn nuôi và cứ thế thì khó có thể tăng thu nhập, nâng cao đời sống. Tôi đề xuất, địa phương nên thành lập hợp tác xã hoặc tổ hợp tác để cung ứng giá thức ăn, con giống ban đầu để giảm phần chi phí, giúp nông dân yên tâm chăn nuôi”, bà Tuyền cho biết thêm.
Theo Liên minh Hợp tác xã Kiên Giang, tỉnh hiện có hơn 450 hợp tác xã nông nghiệp, gần 1.600 tổ hợp tác nông nghiệp đang hoạt động với số lượng thành viên hơn 70.000 người tham gia; trong đó, chủ yếu là đại diện hộ gia đình ở khu vực nông thôn. Mô hình kinh tế tập thể đã mang lại hiệu quả tích cực trong sản xuất, kinh doanh của thành viên, đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững của địa phương.
Ông Phạm Thành Trăm, Phó chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Kiên Giang đánh giá, những năm gần đây, các hợp tác xã nông nghiệp, dịch vụ nông nghiệp trên địa bàn tỉnh hoạt động hiệu quả. Qua đó, góp phần nâng cao thu nhập, ổn định sản xuất, kinh doanh của thành viên và nông dân, đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững. Tuy nhiên, việc phát triển, thành lập mới các hợp tác xã gặp nhiều khó khăn do quy mô, năng lực sản xuất còn hạn chế; lĩnh vực sản xuất kinh doanh nông nghiệp lợi nhuận thấp, chịu nhiều rủi ro nhất là trong điều kiện biến đổi khí hậu.
Để nâng cao hiệu quả sản xuất, hướng đến sản xuất bền vững nông nghiệp của tỉnh trong thời gian tới, theo ông Trăm, Liên minh Hợp tác xã tỉnh phối hợp với các địa phương, ngành liên quan tăng cường công tác rà soát, tư vấn, định hướng và vận động thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã khi đủ điều kiện. Tỉnh cần hỗ trợ các hợp tác xã thực hiện hài hòa lợi ích của thành viên, lợi ích tập thể, cộng đồng nông thôn, coi trọng lợi ích chính trị, văn hóa, xã hội trên địa bàn; cần có quy định hỗ trợ về mặt kỹ thuật, khuyến khích và hỗ trợ tài chính của Nhà nước cho các hợp tác xã, đặc biệt là hợp tác xã quy mô vừa và nhỏ.
Bên cạnh đó, chú trọng phát triển nguồn nhân lực và nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực về quản lý Nhà nước và quản trị sản xuất, kinh doanh cho khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã. Tỉnh đẩy mạnh đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ cho nông nghiệp, nông thôn như đường giao thông nông thôn, thủy lợi, điện; đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ để nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, hợp tác xã.
"Ngoài ra, tỉnh cần tập trung tổ chức sản xuất gắn với quy hoạch và phát triển vùng nguyên liệu đặc trưng tại địa phương, chuẩn hóa quy trình, tiêu chuẩn và phát triển sản phẩm OCOP theo chuỗi giá trị, phù hợp với lợi thế về điều kiện sản xuất và yêu cầu thị trường; tranh thủ nguồn lực, tìm kiếm lựa chọn và giới thiệu doanh nghiệp có uy tín và năng lực tiêu thụ các sản phẩm của hợp tác xã", ông Phạm Thành Trăm nhấn mạnh.