Người chạy thận nhân tạo đối mặt với nguy cơ diễn biến nặng khi mắc COVID-19
Trong đợt dịch COVID-19 tại Đà Nẵng, có đến 50% bệnh nhân chạy thận tử vong do COVID-19. Thời điểm BV Bạch Mai bị phong tỏa, xóm chạy thận bên cạnh bệnh viện vẫn luôn có một lối đi riêng cho các bệnh nhân lọc máu chu kỳ.
Có đến 50% bệnh nhân chạy thận ở Đà Nẵng tử vong do COVID-19
Tổ chức đơn vị lọc máu như thế nào? Thanh toán bảo hiểm y tế, test nhanh, sử dụng quả lọc máu như thế nào đối với bệnh nhân chạy thận nhân tạo… là những nội dung đã được đặt ra tại Hội nghị trực tuyến "Lọc máu trong bối cảnh dịch COVID-19: Thực trạng và thách thức" do Cục Quản lý Khám chữa bệnh phối hợp với Bảo hiểm Xã hội Việt Nam và Hội Lọc máu Việt Nam vừa tổ chức tại Hà Nội.
BSCKII Võ Quang Vinh, Khoa Thận nhân tạo BV Đà Nẵng cho biết trong đợt dịch thứ 2 từ 25/7/2020-27/01/2021, BV Đà Nẵng có 350 bệnh nhân lọc máu chu kỳ, trong đó tỷ lệ bệnh nhân mắc COVID-19 chiếm 13,1% (46 bệnh nhân); tỷ lệ tử vong chiếm 56,6% (26 bệnh nhân); BV Dã chiến Hòa Vang cũng có 38 bệnh nhân lọc máu chu kỳ nhiễm COVID-19, tử vong chiếm 31,6% (12 bệnh nhân).
Trong dịch COVID-19 người bệnh lọc máu nguy cơ mắc COVID-19 và tỷ lệ tử vong cao do tình trạng suy giảm miễn dịch và thường xuyên tiếp xúc với môi trường bệnh viện với chu kỳ lọc máu 3 tuần/lần và tiếp xúc lẫn nhau.
Theo các chuyên gia cần phải có giải pháp phòng chống dịch COVID-19 và bảo đảm lọc máu không bị gián đoạn trong bối cảnh dịch COVID-19. Hiện các đơn vị gặp nhiều khó khăn bởi việc chi trả đối với xét nghiệm COVID-19 (test nhanh kháng nguyên hay RT-PCR) sàng lọc/ định kỳ trên người lọc máu chu kỳ hay việc tái sử dụng quả lọc, dây máu cho các đối tượng là F1.
BSCKII Từ Kim Thanh- Hội Lọc máu Việt Nam cho biết, nếu không được lọc máu đủ 3-4 lần/tuần, tỷ lệ người bệnh nhập viện sẽ tăng gấp 3 lần. Do tính chất và đặc điểm của bệnh nhân thận nhân tạo là ngoại trú, phụ thuộc máy, hệ thống nước RO, nhân lực lọc máu, chi phí điều trị… gặp nhiều khó khăn nên cần phải có sự hỗ trợ vào cuộc của các Bộ, ban, ngành để hỗ trợ giải quyết.
ThS BS Nguyễn Thị Tám- Phó Giám đốc BHXH TP Hà Nội có rất nhiều vướng mắc trong thanh toán lọc máu chu kỳ, trong đó có việc hồ sơ máy chạy thận nhân tạo không đủ điều kiện thanh toán do trong số này không ít máy được cho, tặng không các lập quyền sở hữu của nhà nước theo Nghị định số 29/2018/NĐ-CP; Chưa có hướng dẫn hồ sơ máy có các hồ sơ gì, lưu trong bao nhiêu năm… Một khó khăn nữa là chưa phân định rõ ràng chi phí điều trị COVID-19, chi phí điều trị bệnh nền để thanh toán BHYT….
Phải có giải pháp thích ứng và quản lý bệnh nhân thận nhân tạo mắc COVID-19
Theo TS Nguyễn Trọng Khoa- Phó Cục trưởng Cục quản lý Khám, chữa bệnh, bệnh nhân chạy thận trong thời kỳ giãn cách phòng chống dịch COVID-19 gặp rất nhiều khó khăn, nơi lọc máu xa nơi ở, rào cản chi phí, mạng lưới chạy thận…Trong đợt dịch COVID-19 tại Đà Nẵng, có đến 50% bệnh nhân chạy thận tử vong do COVID-19, xóm chạy thận gần BV Bạch Mai cũng phải được mở một lối đi riêng trong thời gian bệnh viện này bị phong tỏa.
Qua kinh nghiệm từ các vụ dịch nhận thấy phải có giải pháp thích ứng và quản lý bệnh nhân thận nhân tạo mắc COVID-19.
Hiện Bộ Y tế đang xin ý kiến về dự thảo hướng dẫn vấn đề chi phí xét nghiệm đối với người lọc máu chu kỳ, việc sử dụng quả lọc, dây máu cho bệnh nhân thận khi là F0; Tính toán chi phí thay quả lọc, thanh toán chi phí lọc thận trong khu cách ly… nhằm tháo gỡ những khó khăn cho người bệnh lọc máu chu kỳ.
Theo ước tính, hiện cả nước có khoảng 30.000 người bệnh lọc máu, chiếm 0,031% dân số. Trong khi đó tại 28 tỉnh mới có 155 đơn vị thận nhân tạo với 2.800 máy chạy thận nhân tạo, trong đó gần 50% là máy sử dụng từ 1-5 năm và có đến trên 11% số máy đã chạy được trên 10 năm. Do số lượng máy thận nhân tạo ít, số bệnh nhân lại đông nên số đơn vị chạy 3 ca/ngày là 91 đơn vị (57,7%); đơn vị chạy 4 ca là 22 đơn vị (14,2%)…
Tại một hội nghị mới đây cũng về vấn đề này, TS Nguyễn Hữu Dũng, Chủ tịch Hội lọc máu Việt Nam, Phó Giám đốc Trung tâm Thận -Tiết niệu và Lọc máu, BV Bạch Mai, người bệnh lọc máu là một trong những đối tượng chịu ảnh hưởng nghiêm trọng hơn khi mắc COVID-19 do nguy cơ diễn biến nặng trên bệnh lý nền, tình trạng suy giảm miễn dịch và thường xuyên tiếp xúc với môi trường bệnh viện.
Lê Hảo- Thái Bình