Người con của hai nền văn hóa Việt Nam – Hungary

Chúng tôi gặp chị Phan Bích Thiện, Phó chủ tịch Hiệp hội người Việt Nam tại Hungary, Chủ tịch Diễn đàn Phụ nữ Việt Nam tại Châu Âu trong một buổi sáng mùa thu Hà Nội và bị ấn tượng bởi phong cách lịch thiệp, giọng nói nhỏ nhẹ và cách nói chuyện dễ gần.

Trải qua hàng thập kỷ sinh sống và gặt hái thành công ở Hungary, chị Phan Bích Thiện luôn có nhiều sáng tạo trong việc phát triển, gìn giữ bản sắc văn hóa Việt nơi xứ người. Vừa qua, chị còn vinh dự được góp mặt trong danh sách 21 nhân vật của cuốn sách “Thế kỷ 21 - Sứ mệnh 21 người phụ nữ” bình chọn những phụ nữ tiêu biểu ở Hungary.

Chị Phan Bích Thiện, Phó chủ tịch Hiệp hội người Việt Nam tại Hungary, Chủ tịch Diễn đàn Phụ nữ Việt Nam tại Châu Âu.

Chị Phan Bích Thiện, Phó chủ tịch Hiệp hội người Việt Nam tại Hungary, Chủ tịch Diễn đàn Phụ nữ Việt Nam tại Châu Âu.

Hà Nội ngày trở về

Về Việt Nam lần này, chị Phan Bích Thiện tới Hà Nội đúng ngày 10/10, trùng với dịp Kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô. “Hạ cánh ở nơi có ngôi nhà của mình bên bờ Hồ Tây lộng gió đúng ngày mà 70 năm trước ba tôi và các đồng đội tiếp quản thủ đô, cảm giác thật khó diễn tả. Tôi rất thích mùa thu Hà Nội bởi tôi sinh ra đúng vào mùa này", chị Thiện tâm sự. Cũng theo lời chia sẻ, do tính chất công việc, được tới rất nhiều thành phố lớn trên thế giới nhưng không đâu khiến chị Thiện có nhiều cảm xúc bằng Hà Nội. Hà Nội luôn có một điều gì đó rất riêng cuốn hút và đong đầy trong trí nhớ của chị.

“Dù qua 40 năm, Hà Nội cũng có nhiều thay đổi song tôi vẫn cảm nhận có chút gì đó rất riêng ở thành phố này. Tôi luôn nhớ khung cảnh buổi sáng mờ sương bên Hồ Tây, rồi hình ảnh đàn sâm cầm, tiếng tàu điện leng keng trên phố...”, chị Thiện kể.

Năm 1986, cô gái Phan Bích Thiện sang Nga học đại học rồi quen chàng du học sinh người Hungary được cử sang xứ sở Bạch dương. Cùng chung nỗi niềm xa xứ nên hai người bạn tuy không cùng quốc tịch nhưng sớm có sự đồng cảm, sẻ chia cùng nhau. Mùa thu năm 1989, chị Phan Bích Thiện xin về nghỉ phép và người bạn đời khi đó là bạn học cũng quyết định tới Việt Nam để khám phá dải đất hình chữ S.

“Hồi đó, khách du lịch rất hiếm. Khi anh ấy xin visa du lịch, Đại sứ quán Việt Nam tại Hungary cho biết, anh là một trong 100 khách du lịch theo diện cá nhân đầu tiên của nước này sang Việt Nam. Chính trong những ngày thu ở Hà Nội năm ấy, anh đã ngỏ lời yêu, rồi chúng tôi kết duyên sau khi tốt nghiệp đại học. "Thuyền theo lái, gái theo chồng” nên Hungary đã trở thành quê hương thứ hai của tôi”, chị Thiện nhớ lại.

Người con của hai nền văn hóa

Kết hôn với một người Hungary, nhưng vì vẫn sinh sống và làm việc ở Nga nên chị Thiện biết rất ít về đất nước này. Cho đến năm 1998, do cuộc khủng hoảng tài chính, hai vợ chồng chị mới quyết định về Hungary. "Khi đó, so với người Việt ở Hungary, tôi thuộc diện "lính mới". Thời gian đầu hoàn toàn không dễ dàng vì tôi chưa biết tiếng Hungary nên không giao thiệp được nhiều. Bạn bè Việt Nam cũng không có. Nhiều lúc tôi khóc thầm vì cảm thấy bất lực. Tôi quyết định phải học bằng được tiếng Hungary dù có khó thế nào. Vừa học vừa có thêm bạn bè và tôi dần hòa nhập được với xã hội Hungary. Nếu bây giờ được chọn lựa lại một quốc gia khác ngoài Việt Nam để sinh sống, tôi vẫn chọn Hungary”, chị Thiện nói về quê hương thứ hai của mình.

Cô gái trẻ Việt Nam ngày nào giờ đã trở thành một nữ doanh nhân thành đạt, một nhà hoạt động xã hội tích cực tại Hungary. Vừa qua, chị Thiện còn vinh dự đứng trong danh sách 21 nhân vật của cuốn sách “Thế kỷ 21 - Sứ mệnh 21 người phụ nữ”. Trong cuốn sách này, tác giả là nhà văn, nhà báo Szabó Attila Zoltan đã bình chọn 21 phụ nữ tiêu biểu của Hungary thông qua những câu chuyện về cuộc đời và động lực phấn đấu của họ. Chị Thiện là người phụ nữ nước ngoài duy nhất góp mặt trong danh sách này.

"Người bên ngoài nhìn vào thường nghĩ rằng bất cứ việc gì mà chị Thiện bắt tay vào làm thì đều thành công. Nhưng nếu biết và làm việc với chị Thiện, mới thấy rằng chị là con người của nhóm. Đối với chị, quan trọng là hiệu quả thực tế, bao giờ cũng đặt lợi ích tập thể lên trên lợi ích cá nhân. Chị Thiện là người con của cả hai nền văn hóa, là cầu nối giữa Á và Âu, giữa Hungary và Việt Nam”, tác giả Szabó Attila Zoltan viết trong cuốn sách.

Chia sẻ về điều này, chị Thiện không giấu nổi tự hào vì những đóng góp của bản thân cho quê hương cũng như mối bang giao giữa Việt Nam và Hungary. Đặc biệt hạnh phúc hơn nữa khi lý do chị được bình chọn có phần không nhỏ là các nỗ lực của chị trong việc quảng bá hình ảnh và văn hóa Việt Nam tới người dân Hungary. “Hạnh phúc lắm chứ, còn gì có thể mừng hơn khi việc mình quảng bá cho quê hương Việt Nam lại được xã hội nước bạn vinh danh”, chị Thiện nói.

Có cuộc sống gia đình viên mãn và sự nghiệp thành công tại trời Âu nhưng chị Thiện chưa bao nguôi ngoai tình cảm với mảnh đất hình chữ S. Kể về những ngày đầu theo chồng sang Hungary, chị Thiện cho biết, trong đêm 30 Tết đầu tiên tại quê chồng, chị vẫn giữ tập tục của quê hương là làm một bàn thờ nhỏ, bày cỗ có bánh chưng, xôi, nem...

"Lúc ấy nghĩ về Việt Nam vào giờ này, gia đình đang quây quần cùng mâm cơm tất niên mà nước mắt tôi cứ trào ra. Nhưng sau đó, tôi nghĩ lại rằng, mình đã chọn nơi đây (Hungary) làm quê hương thứ 2 thì mình phải gắn bó, phải đứng trên đôi chân của mình. Với một người phụ nữ, để thành công trong sự nghiệp và vẹn toàn nghĩa vụ với gia đình đã là rất khó khăn. Với một người phụ nữ xa xứ thì nỗ lực bỏ ra có lẽ phải gấp 5, gấp 10 lần bình thường", chị Thiện chia sẻ.

Chị Phan Bích Thiện (mặc áo dài Việt Nam) và một số nhân vật trong cuốn sách về 21 phụ nữ truyền cảm hứng của Hungary.

Chị Phan Bích Thiện (mặc áo dài Việt Nam) và một số nhân vật trong cuốn sách về 21 phụ nữ truyền cảm hứng của Hungary.

Và chị đã làm được. Vừa điều hành công việc kinh doanh vừa chăm lo cho gia đình nhỏ, từ chuyện kinh doanh nước mắm, thành lập công ty xuất nhập khẩu thực phẩm châu Á cho đến việc mua tòa lâu đài Fried để mở rộng dịch vụ du lịch, khách sạn... Ngoài ra, chị Thiện còn đảm nhận vai trò Chủ tịch Hội Phụ nữ Việt Nam tại Hungary, Chủ tịch Quỹ phát triển hữu nghị Hungary - Việt và là người sáng lập, Chủ tịch Diễn đàn Phụ nữ Việt Nam tại châu Âu.

Khi đề cập đến hai cô con gái, chị Thiện hào hứng kể rằng, các cháu luôn ý thức về nguồn gốc Việt Nam của mình. “Con gái tôi hiện đang học tại Anh, ở xa nhà nhưng đến Tết cháu vẫn biết nấu mâm cỗ cúng tổ tiên. Tôi tự hào về điều đó”. Đối với chị, dường như việc giữ gìn và phát triển văn hóa Việt Nam trong cộng đồng kiều bào như một nghĩa vụ và niềm hạnh phúc là tổ chức, tham gia các hoạt động chung của cộng đồng người Việt tại Hungary cũng như thúc đẩy, vun đắp mối quan hệ ngày càng phát triển giữa hai đất nước.

Đến với thơ như một lẽ sống

Một điều khá thú vị nữa là, trong doanh nhân Phan Bích Thiện luôn có một nhà thơ song hành. Chị Thiện tâm niệm, muốn người Hungary hiểu được văn hóa Việt Nam thì bản thân mình cũng phải am hiểu văn hóa của họ. Chính vì thế mà chị luôn tìm tòi, dịch các bài thơ của nhà thơ Petofi (Hungary) và Puskin (Nga) ra tiếng Việt. "Tôi vốn là dân chuyên Toán nhưng lại thích thơ. Từ nhỏ, cha tôi - một người chuyên về lịch sử quân sự cũng yêu thơ, vẫn luôn đọc thơ cho tôi nghe. Nhiều lúc ông "lẩy" Kiều và làm thơ", chị Thiện cho hay.

Và con đường đến với thơ của chị Thiện còn được dẫn dắt bởi một sự tình cờ khi chị là nguyên mẫu trong bài thơ “Áo đỏ em đi trong chiều tuyết trắng” của nhà thơ Phạm Tiến Duật. Đó là vào năm 1987, khi đang là sinh viên tại Liên Xô, chị Thiện có dịp gặp, giao lưu với đoàn của Hội Nhà văn Việt Nam sang nước bạn. Giữa cái lạnh mùa đông của nước bạn, nhà thơ Phạm Tiến Duật đã tặng chị bài thơ đó cũng như khích lệ cô sinh viên đủ dũng khí bước vào con đường sáng tác thơ. "Em cứ thử viết đi, viết những gì em cảm thấy, những gì em suy nghĩ. Em sẽ thấy em viết được mà", những câu nói năm đó của nhà thơ Phạm Tiến Duật vẫn in đậm trong trí nhớ chị Thiện.

17 năm sau, gặp lại nhà thơ Phạm Tiến Duật trong một lần về Việt Nam, chị Thiện còn bất ngờ hơn khi nhà thơ Phạm Tiến Duật nhận xét về những bài thơ của chị và khuyên chị tập hợp các bài thơ đó trong một cuốn sách. Và tập thơ đầu tiên mang tên “Tình yêu không đáy” ra đời năm 2004, sau đó một năm là tập thơ “Khoảnh khắc” và tập thơ thứ ba "Cánh chim Lạc Việt" xuất bản năm 2009.

Đối với Phan Bích Thiện, làm thơ không chỉ là đam mê mà còn giúp bản thân giữ cân bằng, để tâm hồn khỏi bị chai sạn trong cuộc sống thương trường. Với nhiều người, kinh doanh và làm thơ là hai lĩnh vực trái ngược nhau, nhưng với chị Thiện, hai công việc đó lại bổ trợ cho nhau. Công việc doanh nhân đòi hỏi chị phải tỉnh táo và lý trí nên không thể quá bay bổng, rời xa hiện thực. Nhưng cũng chính công việc này cho chị cái nhìn thấu đáo hơn về cuộc sống để có thể viết nên những vần thơ mang nhiều trải nghiệm.

"Khi cảm xúc trào dâng thì những vần thơ dường như tự nhiên tuôn ra. Viết lại những vần thơ đó cũng là một cách để lưu giữ được cảm xúc của mình", chị Thiện nói.

Sông Thương - Minh Thư

Nguồn ANTG: https://antgct.cand.com.vn/nhan-vat/nguoi-con-cua-hai-nen-van-hoa-viet-nam--hungary-i749172/