Người con Ninh Bình làm nhiệm vụ cứu hộ ở Thổ Nhĩ Kỳ

Chiều tối 19/2, cùng 24 'sứ giả hòa bình' của Bộ Công an làm nhiệm vụ hỗ trợ khắc phục thảm họa động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ, Đại úy Nguyễn Anh Đức, Khoa Ngoại chấn thương, Bệnh viện 19-8 (Bộ Công an) đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, trở về với đất mẹ Việt Nam. Anh Đức là người con quê hương Ninh Bình, ở thôn Đam Khê Trong, xã Ninh Hải, huyện Hoa Lư.

Đại úy Nguyễn Anh Đức (người mặc quân phục) cùng trưởng Đoàn công tác tặng quà cho người dân Thổ Nhĩ Kỳ.

Đại úy Nguyễn Anh Đức (người mặc quân phục) cùng trưởng Đoàn công tác tặng quà cho người dân Thổ Nhĩ Kỳ.

Với Anh Đức những ngày ở Thổ Nhĩ Kỳ là những năm tháng không thể nào quên, vừa tự hào vì làm nhiệm vụ quốc tế cao cả nhưng lại vừa xót xa khi vùng đất của những quả khinh khí cầu bay ra từ truyện cổ tích đã sụp đổ. Nhưng với tôi, khi dõi theo và chứng kiến tất cả những hoạt động của các anh thì tôi tin một chân lý rằng: Khi đất nước cổ tích gặp nguy thì chắc chắn những thiên thần sẽ xuất hiện. Và đại úy công an Nguyễn Anh Đức là một trong những "thiên thần" đó từ khắp nơi trên thế giới đã đồng hành cùng Thổ Nhĩ Kỳ trong những ngày tang thương vừa qua.

Thổ Nhĩ Kỳ đã trải qua thảm kịch gây thiệt hại lớn về người và tài sản do 2 trận động đất và hàng trăm rung chấn vào sáng 6/2 vừa qua. Đây là thảm họa khủng khiếp nhất càn quét vùng đất của những khinh khí cầu trong vòng một thế kỷ qua kể từ năm 1939; số người chết lên đến trên 16.000 người, hàng chục nghìn căn nhà bị phá hủy và gần 15 triệu người trong khu vực bị ảnh hưởng. Thổ Nhĩ Kỳ đã công bố tình trạng khẩn cấp với mục tiêu cao nhất là khẩn trương tìm kiếm và cứu nạn.

Đoàn công tác gồm 24 cán bộ, chiến sỹ được cử đi hỗ trợ tại Thổ Nhĩ Kỳ.

Do đó, ngày 9/2, Bộ Công an đã quyết định cử đoàn công tác gồm 24 cán bộ chiến sỹ sang Thổ Nhĩ Kỳ để hỗ trợ cứu nạn, cứu hộ, hỗ trợ tìm kiếm nạn nhân và hỗ trợ nhân đạo, giúp người dân khắc phục hậu quả và sớm ổn định sau thảm họa động đất.

Anh Đức là một trong 24 chiến sỹ ấy mà theo người phát ngôn Bộ Công an đều là "những chiến sỹ tinh nhuệ, được đào tạo bài bản, có kinh nghiệm từng tham gia nhiều vụ cứu hộ cứu nạn". Với Anh Đức ngoài giỏi ngoại ngữ, được đào tạo chuyên môn bài bản với nhiều năm công tác tại bệnh viện tuyến đầu, anh còn có bề dày kinh nghiệm trong những lần tham gia phòng, chống dịch COVID-19 tại các điểm nóng Đà Nẵng, Bắc Giang những năm 2020, 2021.

Tôi dự định viết bài viết này từ khi anh bắt đầu lên đường làm nhiệm vụ nhưng sang tới miền đất đó, giữa bộn bề công việc, giữa ngổn ngang những mảnh đời thực sự anh không có thời gian.

Anh Đức nhớ lại: Ngày lên đường, gấp gáp và vội vã, kể từ khi nhận lệnh, tôi chỉ có 2 giờ đồng hồ chuẩn bị để lên đường cho kịp chuyến bay. Từ cơ quan phi như bay về nhà, vơ vội quần áo vào chiếc vali đầu tiên vớ được, trong lòng cảm xúc đan xen khó tả, chỉ kịp ôm vợ, con rồi đi. Những ngày tại nơi xứ người xa xôi là những ngày chúng tôi không tắm; ăn uống, vệ sinh vô cùng chật vật; thời gian đảo lộn, ngủ rất ít, làm việc xuyên đêm... Nhưng tất cả những điều ấy không là gì so với những mất mát và đau thương mà người dân nơi đây phải gánh chịu.

Đoàn được phân công tìm kiếm cứu nạn tại 3 điểm ở thành phố Adiyaman, một trong những điểm bị thiệt hại nặng nề nhất trong thảm họa động đất. Khi màn đêm buông xuống, cũng là lúc nhiệt độ tại Adiyaman xuống tới ngưỡng -6 độ C, cái lạnh tê cứng tay ấy có lẽ đã phần nào phản ánh sự khắc nhiệt của thiên nhiên, nơi mà chỉ ít ngày trước thôi, đã xảy ra trận động đất kinh hoàng khiến cả thế giới phải choáng váng.

Chứng kiến đống đổ nát hoang tàn ấy hiện ra trước mắt, tôi bỗng lắng lại, đứng xa hơn để nhìn rõ mình và mọi vật xung quanh, để thấy một góc nhìn khác về cuộc sống, để sốc lại tinh thần cũng như suy nghĩ về nỗi đau thực sự, về thảm họa và số phận con người. Các bạn nhỏ Thổ Nhĩ Kỳ dưới con mắt của chúng tôi quả thực đều giống như những thiên thần mà Thánh Allah của họ đã ban tặng vậy, bạn nào nhìn cũng rất xinh. Nhưng lần này ở Thổ Nhĩ Kỳ những thiên thần ấy có đôi mắt đượm buồn.

Trên đường chúng tôi đi lấy củi, khi ngang qua thấy cảnh bọn trẻ đứa thì nắm tay cha với dáng đi thất thểu, đứa thì lẽo đẽo chạy theo mẹ để kịp nhận đồ cứu trợ, tim tôi nhói lại. Tôi nhớ đến con mình, nhớ gia đình da diết, nhớ về người bố, người mẹ đã khuất nhiều năm nay. Phải ở trong nỗi đau mới thấu hiểu được nỗi đau. Cầm trên tay chai nước mà chỉ ra ngoài trời 2 phút đã đóng băng, mắt tôi cay xè, nghẹn nghẹn. Và tôi cùng những đồng đội khác trong đoàn đã nỗ lực hết sức mình để góp phần xoa dịu những nỗi đau ấy, giúp cuộc sống nơi đây sớm hồi sinh.

Đoàn công tác trao 2 tấn đồ viện trợ y tế cho Thổ Nhĩ Kỳ.

Nén lại những cảm xúc riêng, Anh Đức cho biết: Đoàn Việt Nam sang trợ giúp Thổ Nhĩ Kỳ mà tôi tham gia ngoài việc hỗ trợ tìm kiếm cứu hộ cứu nạn còn mang theo hàng viện trợ y tế gồm: các loại thuốc cấp cứu, cơ số thuốc thiết yếu, vật tư y tế, lều trại dùng trong dã chiến; các phương tiện, hóa chất phòng, chống dịch và thiết bị y tế sử dụng trong tình huống cấp cứu thảm họa. Tổng số hàng hóa y tế lên tới 2 tấn. Việt Nam đã trao tặng toàn bộ số thiết bị y tế này cho phía Thổ Nhĩ Kỳ thông qua Cơ quan ứng phó Thảm họa và Tình huống khẩn cấp Thổ Nhĩ Kỳ (AFAD). Từ đây họ sẽ điều phối về các bệnh viện và trung tâm hỗ trợ y tế, nơi mà đang rất thiếu thuốc men cũng như các thiết bị y tế cấp cứu.

Nhận được sự viện trợ rất kịp thời của Đoàn, Phó Giám đốc Cơ quan AFAD tại Adiyaman, ông Isamail Sahin đã gặp Trưởng đoàn Việt Nam gửi lời cảm ơn sâu sắc về sự giúp đỡ này của chính phủ và nhân dân Việt Nam. Đoàn Việt Nam đã phối hợp cùng AFAD vận chuyển số hàng hóa về các khu vực được chỉ định. Số trang thiết bị này được chuyển ngay đến bệnh viện lớn nhất của Adiyaman để phục vụ công tác cấp cứu và điều trị, số còn lại được chuyển ra các trại y tế lưu động.

Qua câu chuyện của Anh Đức, chúng tôi được biết, trong khoảng thời gian 10 ngày, Đoàn đã phối hợp với các lực lượng khác đưa ra ngoài một người sống sót bị vùi lấp trong đống đổ nát và 14 thi thể nạn nhân bàn giao cho cơ quan y tế.

Bát cháo nhân đạo của người dân địa phương dành tặng cho đội cứu hộ Việt Nam.

"Niềm vui nhất, sưởi ấm trái tim chúng tôi nhất là lời cảm ơn của những người dân, hộ dân nơi đây, có nhiều tình nguyện viên khi có yêu cầu di chuyển đến thành phố khác còn quyến luyến không muốn rời. Chúng tôi nhớ những giây phút hướng dẫn người dân chế tạo bếp lửa dã chiến để sưởi ấm, nhớ những bát mì tôm ăn vội giữa đổ nát hoang tàn và những ngày làm việc gấp nhiều lần sức mình bình thường khi ai cũng hy vọng tìm thêm lại một sự sống mong manh nào đó. Tất cả sẽ là những ngày tháng không thể nào quên với tôi".

Người dân địa phương đến cảm ơn đoàn cứu hộ Việt Nam.

Ông Nguyễn Hữu Thanh, chú ruột của Nguyễn Anh Đức ở thành phố Ninh Bình cho biết: Cả đại gia đình vô cùng tự hào về Anh Đức, luôn dõi theo, động viên khích lệ cháu hoàn thành xuất sắc nghĩa vụ quốc tế và bình an trở về. Mong rằng sau những chuyến công tác như thế này cháu sẽ ngày càng trưởng thành, bản lĩnh hơn, cống hiến hơn, xứng đáng là người công an nhân dân mẫu mực, nối tiếp truyền thống gia đình, phát huy truyền thống vùng đất Cố đô anh hùng.

Quỳnh Thu - Ảnh: NVCC

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/nguoi-con-ninh-binh-lam-nhiem-vu-cuu-ho-o-tho-nhi-ky/d20230221093636130.htm