Người cộng sản kiên trung
Những ngày tháng Tư lịch sử, nhiều đoàn khách đến tham quan Nhà lưu niệm đồng chí Nguyễn Nghiêm, ở xã Phổ Phong (TX.Đức Phổ) để tìm hiểu về cuộc đời hoạt động cách mạng của người chiến sĩ cộng sản kiên trung, Bí thư Tỉnh ủy đầu tiên của Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi.
Người con ưu tú của quê hương
Xem hiện vật, tài liệu trưng bày tại Nhà lưu niệm đồng chí Nguyễn Nghiêm, đặc biệt là tấm bia mộ vừa được đưa về từ Bảo tàng Tổng hợp tỉnh, nhiều người không khỏi bùi ngùi xúc động. Chị Nguyễn Thị Hoài Tâm - thuyết minh viên tại Nhà lưu niệm đồng chí Nguyễn Nghiêm cho biết, đồng chí Nguyễn Nghiêm bị giặc Pháp bắt khi trên đường đi công tác vào ngày 6/3/1931. Mặc cho thực dân Pháp và Tuần vũ Nguyễn Bá Trác lôi kéo, dụ dỗ, tra tấn, nhưng đồng chí Nguyễn Nghiêm vẫn giữ vững khí tiết của người cộng sản, tìm cách móc nối với phong trào, xây dựng chi bộ Đảng trong tù. Không lay chuyển được ý chí của người cộng sản kiên trung, địch xử trảm đồng chí Nguyễn Nghiêm tại bãi sông Trà Khúc vào 3 giờ sáng ngày 23/4/1931. Trước khi mất, đồng chí Nguyễn Nghiêm đã viết: “Thân dầu thịt nát xương tan/ Giống nòi sống mãi non sông huy hoàng/ Lòng ta chan chứa nhiệt thành/ Dẫu rằng ngã xuống đâu đành nằm im/ Biến thành hồn nước thiêng liêng/ Hòa tan sóng cả dâng lên diệt thù”.
Các cựu chiến binh và học sinh tham quan Nhà lưu niệm đồng chí Nguyễn Nghiêm. Ảnh: PV
Sau khi đồng chí Nguyễn Nghiêm hy sinh, nhân dân đã chôn cất đồng chí tại bờ nam sông Trà Khúc. Trong bài điếu văn của Tỉnh ủy tại lễ truy điệu đồng chí Nguyễn Nghiêm có đoạn: "Xác tuy chết, nhưng hồn không chết/ Chết đi theo Các Mác-Lênin/ Người không còn danh tiếng vẫn còn/Còn mãi với Trà Giang, Bút lĩnh". Đồng chí Nguyễn Nghiêm hy sinh khi mới 27 tuổi đời. "Tôi rất xúc động khi đọc những dòng thơ đầy khí tiết của đồng chí Nguyễn Nghiêm. Mỗi lần giới thiệu đến khách tham quan về cuộc đời và sự nghiệp hoạt động cách mạng của đồng chí Nguyễn Nghiêm tôi đều xúc động và tự hào”, chị Tâm bộc bạch.
Trưởng ban Tuyên giáo TX.Đức Phổ Nguyễn Thanh Hùng cho biết, năm 1985, hài cốt đồng chí Nguyễn Nghiêm được đưa về an táng tại Nghĩa trang Liệt sĩ TP.Quảng Ngãi tại núi Thiên Bút. Tấm bia trên phần mộ ở bên sông Trà Khúc sau đó được đưa về bảo quản tại Bảo tàng Tổng hợp tỉnh. Ngày 23/4/2022, tấm bia này được đưa về trưng bày tại Nhà lưu niệm đồng chí Nguyễn Nghiêm. Đây là một trong những hiện vật quan trọng để giáo dục thế hệ trẻ noi theo tấm gương đạo đức cách mạng, tinh thần yêu nước, ý chí kiên cường của đồng chí Nguyễn Nghiêm.
Giáo dục truyền thống yêu nước
Tháng 6/1930, tại Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi lần thứ nhất, đồng chí Nguyễn Nghiêm được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy. Sau đó, Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi nhanh chóng thành lập các tổ chức Công hội đỏ, Nông hội đỏ, Thanh niên cứu tế đỏ để tuyên truyền đường lối của Đảng, phát động các cuộc đấu tranh chống đế quốc, phong kiến. Đặc biệt, đồng chí Nguyễn Nghiêm đã trực tiếp lãnh đạo thành công cuộc biểu tình chiếm Huyện đường Đức Phổ với sự tham gia của hơn 5.000 người dân vào rạng sáng ngày 8/10/1930.
Phó Bí thư Đoàn phường Phổ Văn (TX.Đức Phổ) Nguyễn Tấn Lực cho biết, đoàn phường thường xuyên tổ chức cho đoàn viên, thanh niên về nguồn tại Nhà lưu niệm đồng chí Nguyễn Nghiêm. Qua đây, giáo dục cho thế hệ trẻ về truyền thống cách mạng, bồi đắp tình yêu quê hương, đất nước. Thế hệ trẻ chúng tôi sẽ phát huy tinh thần xung kích, góp sức xây dựng quê hương ngày một giàu đẹp.
Cụ Nguyễn Ngọc Sang (80 tuổi), cháu họ của đồng chí Nguyễn Nghiêm, hằng ngày tỉ mỉ chăm sóc vườn hoa cây cảnh quanh sân vườn Nhà lưu niệm đồng chí Nguyễn Nghiêm. Chính vì cảm phục sự hy sinh cao cả của đồng chí Nguyễn Nghiêm mà từ năm 1986 đến nay, ông Sang trông nom, bảo vệ nhà lưu niệm như chính ngôi nhà của mình. “Tôi sẽ trông nom Nhà lưu niệm đồng chí Nguyễn Nghiêm đến khi nào sức khỏe không cho phép mới thôi. Tôi đã cùng dòng họ thành lập quỹ khuyến học để hỗ trợ, giáo dục con cháu noi gương đồng chí Nguyễn Nghiêm để sống có ích cho quê hương, đất nước”, cụ Sang bộc bạch.
Để tri ân những cống hiến, hy sinh của đồng chí Nguyễn Nghiêm, tỉnh Nghĩa Bình (cũ) xây dựng Nhà lưu niệm đồng chí Nguyễn Nghiêm trên vị trí nền nhà cũ thuộc khu vườn của gia đình ông. Năm 2015, nhà lưu niệm được tôn tạo, nâng cấp. Nhà lưu niệm hiện trưng bày hơn 200 hiện vật, tài liệu liên quan đến cuộc đời và sự nghiệp hoạt động cách mạng của đồng chí Nguyễn Nghiêm. Di tích Nhà lưu niệm đồng chí Nguyễn Nghiêm được UBND tỉnh xếp hạng di tích cấp tỉnh năm 2012.
Nguồn Quảng Ngãi: http://baoquangngai.vn/channel/2023/202205/nguoi-cong-san-kien-trung-3114232/