Người cựu chiến binh tâm huyết với nghề mây tre đan

Sau khi xuất ngũ trở về địa phương, với tinh thần, ý chí của 'Bộ đội Cụ Hồ', ông Trần Lợi (SN 1962, trú thôn Thủy Lập, xã Quảng Lợi, huyện Quảng Điền) đã đứng ra thành lập cơ sở sản xuất mây tre đan, tạo công ăn việc làm ổn định cho hàng chục lao động nông thôn và giải quyết đầu ra sản phẩm ở một làng nghề đang có nguy cơ thất truyền.

 Ông Trần Lợi bên sản phẩm mới của mình

Ông Trần Lợi bên sản phẩm mới của mình

Sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về địa phương, với phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, ông Lợi đã đứng ra khôi phục làng nghề mây tre đan Thủy Lập đang có nguy cơ thất truyền.

Ông Trần Lợi kể, khi mới bắt tay vào phát triển sản xuất, vốn liếng ít nên ông mới chỉ chú trọng phục hồi các sản phẩm truyền thống một phần vì yêu nghề, tiếp đến là có nguồn lực để đắp đổi qua ngày. Dần dà, thấy sản phẩm được thị trường ưa chuộng, ông mạnh dạn vay mượn mở rộng cơ sở sản xuất, thu hút nhiều thợ lành nghề địa phương cùng chung chí hướng “vực dậy làng nghề mây tre đan Thủy Lập”. Thế là ông quyết tâm đi đến các làng nghề khác trên toàn quốc để học hỏi, áp dụng vào sản xuất.

Nhờ sự quan tâm tích cực của cấp trên, ông Lợi đã phối hợp với các trường nghề, các doanh nghiệp nên giờ đã tìm được hướng đi khá ổn định cho cơ sở của mình. Chỉ trong thời gian ngắn, cơ sở sản xuất mây tre đan của ông Trần Lợi đã phát triển mạnh. Sản phẩm mẫu mã mây tre đan đa dạng, phong phú, đạt chất lượng tốt và đẹp, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng trong và ngoài nước.

Từ cơ sở sản xuất mây tre đan nhỏ lẻ, ông đã mạnh dạn ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất như: Máy chẻ, máy vót, xây dựng lò hấp, sấy nguyên liệu. Hàng năm, cơ sở của ông Lợi đã giải quyết việc làm cho hơn 50 lao động thường xuyên; lao động thời vụ và thu gom sản phẩm của hơn 30 lao động và 20 hộ gia đình. Ngoài ra, để đáp ứng cho nhu cầu của khách hàng, hàng năm ông Lợi đã mở nhiều lớp phổ biến kiến thức, kinh nghiệm sản xuất, nâng cao tay nghề làm các sản phẩm từ mây tre đan thủ công mỹ nghệ, trang trí nội thất mới được ưa chuộng trên thị trường và xuất khẩu.

Cơ sở sản xuất mây tre đan Thủy Lập của ông Trần Lợi không chỉ là một làng nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống nổi tiếng, mà còn là một địa điểm du lịch hấp dẫn bên chân phá Tam Giang thơ mộng. Khi ghé thăm làng nghề này, du khách sẽ được tham quan các mẫu mã sản phẩm độc đáo truyền thống trong đời sống hàng ngày, cũng như hiện đại dùng trang trí nội thất, mỹ thuật trưng bày tại các khu du lịch, nghỉ dưỡng cao cấp; được trải nghiệm nghệ thuật đan mây tre và cảm nhận được “cái hồn” chất chứa trong từng sản phẩm độc đáo và sinh động.

Theo ông Phan Đăng Bảo, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Lợi, ngoài gương cựu chiến binh mẫu mực sản xuất, kinh doanh giỏi, bản thân ông Trần Lợi cùng với chi hội phối hợp với thôn đội trưởng làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ. Gia đình ông luôn gương mẫu chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tích cực tham gia các phong trào thi đua do địa phương phát động, đi đầu trong vận động Nhân dân thực hiện công cuộc xây dựng nông thôn mới.

Cùng với sự hỗ trợ, quan tâm của các ban ngành, chính quyền địa phương, hoạt động sản xuất kinh doanh của cơ sở mây tre đan Thủy Lập ngày càng có hiệu quả, thị trường ngày càng được mở rộng, thương hiệu, uy tín của cơ sở ngày càng được nâng lên, góp phần tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho các hộ dân. Hiện mỗi nhân công có thu nhập từ 4-5 triệu đồng/tháng, tổng doanh thu hàng năm của cơ sở trên dưới 5 tỷ đồng, góp phần giải quyết việc làm cho lao động nông thôn và làm “bà đỡ” cho thường xuyên cho sản phẩm ra thị trường. Làng nghề còn có ưu thế về phát triển du lịch, nhờ có thể kết nối thành các tour du lịch chuyên sâu về làng nghề thông qua hoạt động du lịch Sóng nước Tam Giang.

Bài, ảnh: THÁI BÌNH

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/kinh-te/nguoi-cuu-chien-binh-tam-huyet-voi-nghe-may-tre-dan-142854.html