Người đam mê nghệ thuật hát chầu văn

Ở khu Vai, thị trấn Ba Hàng Đồi (Lạc Thủy) không ai không biết ông Trần Mạnh Hùng, nghệ nhân đam mê với nghệ thuật trình diễn văn hóa dân gian hát chầu văn. Ông Hùng từng biểu diễn ở nhiều sân khấu lớn, nhỏ trong và ngoài tỉnh. Nổi bật, tại Lễ hội chùa Tiên huyện Lạc Thủy năm 2024 được tổ chức quy mô cấp tỉnh, tiết mục hát chầu văn của ông cùng nhóm nghệ nhân đã góp phần quảng bá nét văn hóa độc đáo đến với đông đảo du khách.

Ở khu Vai, thị trấn Ba Hàng Đồi (Lạc Thủy) không ai không biết ông Trần Mạnh Hùng, nghệ nhân đam mê với nghệ thuật trình diễn văn hóa dân gian hát chầu văn. Ông Hùng từng biểu diễn ở nhiều sân khấu lớn, nhỏ trong và ngoài tỉnh. Nổi bật, tại Lễ hội chùa Tiên huyện Lạc Thủy năm 2024 được tổ chức quy mô cấp tỉnh, tiết mục hát chầu văn của ông cùng nhóm nghệ nhân đã góp phần quảng bá nét văn hóa độc đáo đến với đông đảo du khách.

Nghệ nhân Ưu tú Trần Mạnh Hùng,khu Vai, thị trấn Ba Hàng Đồi, huyện Lạc Thủy đam mê với nghệ thuật hát chầu văn.

Nghệ nhân Ưu tú Trần Mạnh Hùng,khu Vai, thị trấn Ba Hàng Đồi, huyện Lạc Thủy đam mê với nghệ thuật hát chầu văn.

Đến thăm gia đình ông Trần Mạnh Hùng chúng tôi gặp hình ảnh ông say mê vừa đàn, vừa hát những điệu hát chầu văn ca ngợi tình yêu, quê hương, đất nước. Ông Hùng chia sẻ: Hát chầu văn là loại hình nghệ thuật dân gian biểu diễn truyền thống đặc sắc của dân tộc, gắn liền với sinh hoạt tín ngưỡng, tâm linh, đặc biệt là tín ngưỡng thờ Mẫu với nghi thức hầu đồng của tín ngưỡng Tứ phủ, tín ngưỡng thờ Đức Thánh Trần, trải qua hàng trăm năm với bao biến cố, thăng trầm, có những lúc tưởng chừng đã mai một. Với tình yêu và đam mê nghệ thuật hát chầu văn, tôi hiểu rõ trách nhiệm cần phải khôi phục, bảo tồn và phát huy những giá trị truyền thống, những nét đặc sắc riêng có của loại hình nghệ thuật này nhằm truyền dạy, lưu giữ cho các thế hệ mai sau.

Theo lãnh đạo Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Lạc Thủy, với vốn kiến thức về nghệ thuật hát văn, ông Trần Mạnh Hùng đã có nhiều bài viết, tác phẩm ca ngợi Đảng, Bác Hồ, quê hương, đất nước để tham gia các chương trình, hội thi, hội diễn các cấp. Năm 2003, ông phát hành cuốn băng có nhan đề "Về thăm Mẫu tổ Âu Cơ”, nội dung ca ngợi công lao của các bậc thánh hiền, cầu cho quốc thái dân an. Ông còn chơi được nhiều loại nhạc cụ dân tộc. Gia đình ông thường xuyên có các bạn trẻ trong và ngoài tỉnh tìm đến học hát và sử dụng các nhạc cụ truyền thống như đàn nguyệt, trống, thanh la, đàn nhị, sáo...

Với những đóng góp của mình, năm 2019, ông Trần Mạnh Hùng được Chủ tịch nước tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú về nghệ thuật trình diễn dân gian tỉnh Hòa Bình. Ông được tặng kỷ niệm chương đã có nhiều đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và phát triển ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch; đoạt giải A Liên hoan Nghệ thuật quần chúng tỉnh Hòa Bình năm 2017; huy chương bạc tại Hội diễn toàn quốc "Đàn, hát dân ca ba miền” năm 2021; đạt thành tích xuất sắc trong Liên hoan Âm sắc nguồn cội năm 2019 và nhiều giải thưởng khác. Đặc biệt, năm 2024, mô hình "Bảo tồn nghệ thuật trình diễn văn hóa dân gian hát chầu văn” của nghệ nhân Trần Mạnh Hùng được Chủ tịch UBND tỉnh công nhận là điển hình tiên tiến cấp tỉnh. Mô hình mang lại giá trị cao về mặt xã hội nhằm giữ gìn và phát huy nghệ thuật trình diễn dân gian; giúp người dân hiểu sâu, hiểu rõ hơn về loại hình nghệ thuật này. Mô hình tạo được hiệu ứng lan tỏa, tác dụng nêu gương, mức độ ảnh hưởng và phạm vi nhân rộng trên toàn tỉnh.

Cả cuộc đời dành cho nghệ thuật hát chầu văn, đam mê hát chầu văn, mong muốn lớn nhất của Nghệ nhân Ưu tú Trần Mạnh Hùng là làm sao để nghệ thuật hát văn phát triển, để xã hội nhìn nhận nghệ thuật hát văn đúng với giá trị đích thực của nó, là một loại hình nghệ thuật đặc sắc. "Tôi vẫn luôn cố gắng hết sức mình để giữ gìn, bảo tồn những làn điệu hát văn, một loại hình nghệ thuật mang đậm giá trị văn hóa tâm linh của người Việt Nam” - Nghệ nhân Ưu tú Trần Mạnh Hùng chia sẻ.

Hương Lan

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/16/197307/nguoi-dam-me-nghe-thuat-hat-chau-van.htm