Người đàn bà nghèo 63 tuổi lấy trai tân vẫn được yêu thương hết mực
'Chúng tôi đã sống với nhau được mười mấy năm. Anh ấy chưa bao giờ đánh hay cáu gắt với tôi, ngược lại luôn yêu thương và ân cần chăm sóc' người đàn bà 63 tuổi nói.
Ở Phú Tân (An Giang) có một cặp đôi "đũa lệch": vợ già - chồng trẻ. Đó là cô Hạnh (63 tuổi) – anh Biết (49 tuổi), vốn không phải dân gốc nhưng được mọi người yêu mến vô cùng. Họ quý cách sống chân chất, mến tình cảm chân thành nên ai cũng hi vọng cuộc sống của họ bớt cực khổ.
“Cậu Biết liệt hai chân từ lâu lắm rồi. Xưa ngày nào cậu ấy cũng chạy xe 3 bánh tự chế ra huyện lỵ để bán vé số. Song đợt này nắng nóng lại thêm bệnh mà không thấy đi thường xuyên nữa. Còn cô Hạnh già yếu nên ở nhà làm nội trợ, nấu cơm, giặt giũ cho chồng trẻ. Cuộc sống cực nhưng luôn ngập tràn tình yêu thương và đùm bọc lẫn nhau”, một người hàng xóm chia sẻ trên kênh YouTube T.T.
Được biết, cuộc sống của vợ chồng cô Hạnh anh Biết đã có sự thay đổi nhiều so với trước. Cô tâm sự: “Thuở trước có mấy chú YouTuber tìm đến đây ngỏ ý quay clip để đăng tải lên mạng xã hội, vợ chồng tôi đồng ý vì chẳng có gì phải giấu giếm cả. Tôi cũng muốn thông qua câu chuyện của mình để giúp xã hội có cái nhìn tích cực về tình yêu đũa lệch, giúp giới trẻ biết yêu thương nhau nhiều hơn vì nghe nói giờ chúng cứ đụng tí là ly hôn".
Sau khi video của cô Hạnh anh Biết xuất hiện, không ít mạnh thường quân đã tìm đến ủng hộ và giúp đỡ nhu yếu phẩm, tiền bạc… Cô rất mừng và trân quý những món quà mà mọi người dành cho chúng tôi. Đó là lần đầu tiên cả hai cảm nhận được sự sung túc trong cuộc sống, không phải lo lắng gì cả.
Suốt một thời gian, cô Hạnh và chồng trẻ không phải nghĩ ngợi xem hôm nay có bán được vé số hay không? Bởi dù không bán được họ về nhà vẫn có cơm để ăn, nước để uống… Nhưng theo thời gian, tiền bạc mà mạnh thường quên giúp đỡ cũng dần hết. Khi ấy họ lại quay trở về cuộc sống bần hàn, lo cái ăn từng bữa.
“Chúng tôi dùng nhu yếu phẩm một thời gian cũng hết, tiền thì dành để chữa trị bệnh tật cho cả hai. Tôi cũng lường trước được cảnh tượng ấy nên không có sốc hay hụt hẫng gì cả. Tôi động viên anh ấy cố gắng làm lụng, không được nản trí vì tin rằng ông trời không chặn đường sống của ai cả", cô nói.
Anh Biết cho biết thêm, dù chân đau nhưng anh vẫn gắng đi bán vé số ở gần nhà. Mỗi ngày anh chỉ bán được vài chục tờ, lãi vài chục nghìn đồng. Số tiền đó chỉ đủ để mua gạo và chút đồ ăn, còn thuốc men phải dùng đến tiền tiết tiệm.
Anh Biết vốn là trai tân nhưng “quá lứa lỡ thì” nên hơn 30 tuổi vẫn chưa tìm được người ngủ chung giường. Anh chấp nhận với số phận hẩm hiu, lại cho rằng bản thân tật nguyền khó lấy được vợ, vì thế cứ sống một mình.
Một ngày người đàn ông tật nguyền tình cờ quen người đàn bà hơn 14 tuổi – một đời chồng, có 2 con gái. Cả hai có chung hoàn cảnh nghèo khó, tình duyên lận đận, cùng bán vé số mưu sinh nên nhanh chóng trở thành bạn tri kỷ.
Sau đó không lâu cả hai quyết định nên nghĩa vợ chồng, lựa chọn vùng đất này làm quê hương thứ 2, dựng căn nhà nhỏ làm chốn dung thân. “Giờ chúng tôi đã sống với nhau được mười mấy năm. Anh ấy chưa bao giờ đánh hay cáu gắt với tôi, ngược lại luôn yêu thương và ân cần chăm sóc.
Tôi từng hỏi anh ấy có bao giờ chán chường hoặc tủi hờn khi có vợ già, trong khi người ta có vợ trẻ đẹp hay không? Anh ấy toàn gạt đi bảo hỏi linh tinh”, cô Hạnh nói.