Súng cối bắn đạn hạt nhân 2B1 Oka của Liên Xô

Vào những năm 50 của thế kỷ XX, giới diều hâu Mỹ đã cho ra đời 'súng cối nguyên tử' 280mm có khả năng bắn đạn hạt nhân và súng cối 2B1 Oka của Liên Xô trở thành 'món trả đũa'.

“Súng cối nguyên tử” 280mm của người Mỹ

Năm 1953, súng cối T-131 (M65), có biệt danh là “Atomic Annie” được thử nghiệm tại bãi thử hạt nhân ở Nevada. Trong quá trình thử nghiệm, súng cối Mỹ có thể bắn đạn hạt nhân cỡ 280mm với tầm bắn đạt 25-28km. Cối có tốc độ bắn thấp, khả năng cơ động thấp, nhưng hỏa lực rất ấn tượng.

Quả đạn pháo (tương đương 15.000 TNT) được bắn từ khoảng cách 11km, phát nổ trên không ở độ cao 150m đã phá hủy tất cả các mục tiêu phía dưới - toa tàu, đầu máy hơi nước và các thiết bị đặc biệt khác. Đến năm 1954, các đơn vị quân đội Mỹ đã được trang bị hàng chục khẩu T-131. Người Mỹ đã khoe khoang về chúng với các nước NATO.

Cối tự hành bắn đạn hạt nhân Oka 2B1 trong buổi duyệt binh. Ảnh: Russian7.

Cối tự hành bắn đạn hạt nhân Oka 2B1 trong buổi duyệt binh. Ảnh: Russian7.

Câu trả lời của Liên Xô cho người Mỹ

Tháng 11/1955, Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô ban hành một nghị định mật, theo đó các Nhà máy chế tạo máy Kolomna và Kirov có nhiệm vụ chế tạo hai vũ khí mới: pháo tự hành 406mm 2A3 "Kondensator - 2P" và súng cối tự hành 420mm 2B1 "Oka". Cả hai đều có khả năng bắn đạn "hạt nhân".

Nhà thiết kế Boris Shavyrin chịu trách nhiệm phát triển hệ thống cối hạt nhân. Lúc đầu, nó được gọi là "Transformer" và có cỡ nòng 406 mm. Cối được thử nghiệm thành công vào năm 1955 tại Novaya Zemlya (địa điểm thử nghiệm hạt nhân của Liên Xô trên quần đảo cùng tên ở Bắc Băng Dương).

Súng cối có khả năng bắn “đạn hạt nhân” nặng 750kg ở khoảng cách lên tới 45km. Ngoài ra, súng cối phải đủ tin cậy để “duy trì hoạt động sau một số lượng lớn phát bắn”. Tính cơ động của cối, pháo có khả năng bắn đạn hạt nhân là vô cùng quan trọng. Trong thực tế, trong cuộc đụng độ hạt nhân, loại vũ khí này sẽ không cần bắn nhiều hơn một phát.

Các nhà thiết kế đã tạo ra khung gầm tại nhà máy Kirov, nơi có nhiều kinh nghiệm trong việc tạo ra các thiết bị bánh xích độc đáo. Khung cối tự hành 2B1 "Oka" là khung gầm mạnh nhất của xe tăng IS-5 vào thời điểm đó. Khung gầm này cũng được sử dụng để tạo ra xe tăng IS-10 và T-10 với động cơ diesel tăng áp V-12-6B, công suất 750 mã lực, tỷ lệ lực đẩy gần 12 mã lực/tấn.

Phần súng cối được phát triển bởi Nhà máy cơ khí Kolomna SKB, nòng súng được sản xuất bởi nhà máy Barrikady. Tuy nhiên, do trọng lượng quá lớn của phương tiện tự hành (55 tấn), ngay cả động cơ trên cũng chỉ có dự trữ hành trình khoảng 200km. Để tiêu chuẩn hóa và do thiếu động cơ và khung gầm mạnh hơn, người ta nhất trí tạo một khung gầm thống nhất cho cả “Kondensator-2P” và 2B1“Oka”.

Súng cối 2B1 Oka cỡ 420mm, nòng dài 20m, rộng 3m và cao 6m; trông rất ấn tượng. Theo thông số kỹ thuật, tốc độ bắn của cối là 12 phát/giờ, nhưng thực tế là 1 phát/10,5 phút; kíp xe 7 người; tầm bắn 25km, với đạn phản ứng tích cực - 50km; khối lượng đầu đạn 670kg; góc dẫn hướng thẳng đứng dao động từ +50° đến +75°.

Cối Oka được gắn trên bệ xe tăng bánh xích hạng nặng T-10M, có cần cẩu để nâng đạn. Súng cối mang theo một viên đạn và để vận chuyển nó, có phương tiện phụ trợ đặc biệt. Một nhược điểm đáng kể là cối giật lùi 5m sau mỗi lần bắn và không thể di chuyển với tốc độ trên 30km/h. Khi bắn, cấu trúc khung gầm, thiết bị cũng như các bộ phận và cụm lắp ráp khác bị phá hủy.

Lần đầu tiên súng cối được trưng bày cho công chúng ngày 7/11/1957, trong một cuộc duyệt binh trên Quảng trường Đỏ (vào thời điểm đó 4 chiếc như vậy đã được sản xuất). Năm 1959 và sau đó - năm 1961, 4 đơn vị 2B1 lại tham gia duyệt binh trên Quảng trường Đỏ. Nhưng cối 2B1 Oka chưa bao giờ được đưa vào sản xuất hàng loạt do quá khó vận hành và sản xuất quá tốn kém.

Lãnh đạo Liên Xô đã quyết định loại bỏ cối hạt nhân khỏi biên chế sau hơn ba năm tồn tại. Lý do cho điều này không chỉ là vấn đề hiệu suất và bảo trì. Trong thời gian này, các bệ phóng tên lửa chiến thuật 2K6 Luna đã đạt được tiến bộ đáng kể trong quá trình phát triển và có thể có những đặc tính tốt hơn nhiều.

Vào những năm 60 của thế kỷ trước, sau 2B1 Oka, hơn 400 đơn vị hệ thống tên lửa chiến thuật Luna mang đầu đạn hạt nhân đã được sản xuất. Ngoài ra, súng cối tự hành đơn giản là đắt hơn hệ thống tên lửa tự hành. Sự kết hợp của những yếu tố này đã góp phần khiến 2B1 Oka bị chấm dứt hoạt động, loại khỏi biên chế và chỉ còn trong viện bảo tàng.

CTV Lê Ngọc/VOV.VN tổng hợp Nguồn: Rambler, Russian7, 2drive…

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/sung-coi-ban-dan-hat-nhan-2b1-oka-cua-lien-xo-post1137436.vov