Người dân Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu kể chuyện khi là công dân TPHCM

Chia sẻ với phóng viên, người dân ở hai tỉnh Bình Dương và Bà Rịa – Vũng Tàu cũ, nói rằng sau hơn 3 tuần kể từ khi trở thành công dân TPHCM, lợi trước mắt là việc giải quyết thủ tục hành chính nhanh, gọn. Đời sống người dân không bị xáo trộn, người hưởng lợi rõ nét nhất là nhà đầu tư bất động sản, khi nâng giá vẫn giải quyết được 'hàng tồn kho'.

Thủ tục nhanh gọn

Vừa ra khỏi cổng Trung tâm phục vụ hành chính phường Thủ Dầu Một (TPHCM), chị Nguyễn Thu Dung với nét mặt hiện rõ sự thoải mái, phấn khởi. Chị vui vẻ nán lại và chia sẻ với phóng viên khi đến phường giải quyết thủ tục hành chính.

“Tôi đến chứng thực một số giấy tờ để bổ sung vào hồ sơ cho công ty. Tôi đã từng đến trụ sở UBND phường để giải quyết công việc tương tự và thường được hẹn vài tiếng đồng hồ, thậm chí làm buổi sáng hẹn buổi chiều trả kết quả. Giờ đây nộp hồ sơ, ngồi chưa ấm chỗ đã có kết quả. Kể từ khi vận hành chính quyền hai cấp, xóm tôi ai cũng khoe, không cần xin nghỉ việc 1 ngày để đi làm thủ tục hành chính như trước đây”- chị Dung chia sẻ.

Ông Phạm Văn, một luật sư có văn phòng trên địa bàn phường Vũng Tàu (TPHCM) cho biết, ngay từ đầu tháng 7, văn phòng của ông đã làm thủ tục để thay đổi con dấu, địa chỉ theo đơn vị hành chính mới. “Mọi thủ tục chúng tôi đều được hướng dẫn làm online, có thời điểm kết nối gặp trục trặc, có chút bất tiện, khó khăn nhưng cuối cùng cũng được hướng dẫn giải quyết xong”- ông Văn nói.

 Người dân đến làm thủ tục hành chính được cán bộ hướng dẫn nhiệt tình, trả kết quả nhanh chóng.

Người dân đến làm thủ tục hành chính được cán bộ hướng dẫn nhiệt tình, trả kết quả nhanh chóng.

 Người dân tại TPHCM cho biết, trừ những thủ tục phức tạp, còn lại được xử lý, trả kết quả rất nhanh.

Người dân tại TPHCM cho biết, trừ những thủ tục phức tạp, còn lại được xử lý, trả kết quả rất nhanh.

Trao đổi với phóng viên, lãnh đạo nhiều phường, xã tại TPHCM cho biết, trong thời gian đầu triển khai mô hình chính quyền địa phương hai cấp cũng không tránh khỏi những khó khăn, vướng mắc.

Dù vậy toàn hệ thống chính trị TPHCM cùng quyết tâm đồng lòng, thống nhất trong vận dụng chỉ đạo, tháo gỡ kịp thời, thích ứng tối đa với thực tiễn.

“Khi gặp vấn đề phát sinh, cán bộ làm việc tại Trung tâm phục vụ hành chính công linh hoạt, chủ động; khâu nào, công đoạn nào gặp vướng mắc sẽ tìm mọi cách tháo gỡ đảm bảo mục tiêu đúng quy định và được việc cho người dân”, một lãnh đạo UBND phường Dĩ An cho biết.

Tại xã Long Hải, bà Phan Thị Thanh Thúy - Phó giám đốc Trung tâm phục vụ hành chính công cho biết, sau sáp nhập, khối lượng hồ sơ mới tăng nhiều lần, bình quân mỗi ngày Trung tâm tiếp nhận khoảng 250 hồ sơ. Nhờ công nghệ hóa cũng như giảm bớt các thủ tục hành chính, các thủ tục như khai sinh, đăng ký kết hôn đã được xử lý trong ngày, các hồ sơ khác cũng giảm thời gian giải quyết từ 1 tới 3 ngày so với trước.

Giá một số dịch vụ tăng

Theo ghi nhận của phóng viên, sau gần 1 tháng vận hành chính quyền hai cấp, hầu hết người dân đều phấn khởi về thời gian giải quyết thủ tục hành chính nhanh. Đối với người dân tại hai tỉnh Bình Dương và Bà Rịa – Vũng Tàu cũ, sau khi trở thành công dân TPHCM, có chút tâm tư giá một số dịch vụ tăng, trong khi đời sống của họ vẫn như cũ.

 Người dân đến giải quyết thủ tục hành chính tại Trung tâm phục vụ hành chính công phường Dĩ An, được ăn sáng nhẹ nếu chưa kịp ăn ở nhà. Từ nguồn xã hội hóa và cân đối ngân sách, phường Dĩ An chuẩn bị vài món ăn nhanh phục vụ người dân mỗi sáng.

Người dân đến giải quyết thủ tục hành chính tại Trung tâm phục vụ hành chính công phường Dĩ An, được ăn sáng nhẹ nếu chưa kịp ăn ở nhà. Từ nguồn xã hội hóa và cân đối ngân sách, phường Dĩ An chuẩn bị vài món ăn nhanh phục vụ người dân mỗi sáng.

Một vấn đề khá nhiều người dân tại hai tỉnh cũ thắc mắc là lệ phí trước bạ của TPHCM. Một người dân chúng tôi gặp tại Trung tâm Phục vụ hành chính công phường Tam Thắng cho biết, anh có kế hoạch mua xe ô tô từ đầu năm. Nhưng do một số khó khăn nên mãi tới tháng 7 này anh mới quyết định mua ô tô. “Khi tôi trao đổi với đại lý bán xe thì họ cho biết so với trước đây, người mua xe ô tô sẽ phải chịu phí trước bạ của TPHCM (20 triệu đồng), không phải 1 triệu đồng như khi còn tỉnh. Mua xe trả góp và việc chi phí phát sinh tăng lên, khiến tôi trăn trở”- một người dân phường Tam Thắng (TP.Vũng Tàu cũ) tâm sự.

Hưởng lợi từ “sốt đất” nhẹ

Ghi nhận của phóng viên, sau khi Bình Dương hợp nhất vào TPHCM, thị trường bất động sản khu vực này có tăng giá. Tại phường Dĩ An, đất nền tăng từ 11–13 triệu đồng/m2 lên 12–14 triệu đồng/m2. Mặt tiền đường lớn tăng từ 66,5–70 triệu lên 68–72 triệu đồng/m2. Các lô đất dự án tăng từ 48–51 triệu lên 49,5–53 triệu đồng/m2; lô trong sâu cũng tăng nhẹ lên khoảng 39,5–41,5 triệu đồng/m2.

Khu vực đất nền phường Bến Cát, cách xa trung tâm hành chính TPHCM, tùy từng vị trí, hướng, diện tích, giá rao bán cũng tăng trung bình 1-2 triệu đồng/m2, ở mức 17-20 triệu đồng/m2. Đất nền khu vực gần trung tâm hành chính tỉnh Bình Dương cũ giá bán cũng tăng từ 27-30 triệu đồng/m2 lên 29-32 triệu đồng/m2.

Anh Dũng, một người chuyên môi giới bất động sản khu vực Bình Dương cho biết, kể từ khi có thông tin sáp nhập với TPHCM, tới những tuần đầu chính thức sáp nhập, sản phẩm nhà ở, đất nền trỗi dậy nhờ vào việc nhà đầu tư săn hàng để bán lại.

“Nhu cầu mua bất động sản tăng thời gian qua do nhà đầu tư lo ngại nguồn cung đất nền có thể bị hạn chế trong giai đoạn đầu sáp nhập. Nhiều người cố gắng mua vào để chờ ổn định rồi bán ra. Bên cạnh đó, tâm lý "chạy theo đám đông", sợ bỏ lỡ cơ hội, từ đó thúc đẩy giá bán và giao dịch tăng”- anh Dũng chia sẻ.

 Tại các Trung tâm phục vụ hành chính công xã, phường ở TPHCM đều bố trí bàn có cán bộ, tình nguyện viên tư vấn, hướng dẫn người dân.

Tại các Trung tâm phục vụ hành chính công xã, phường ở TPHCM đều bố trí bàn có cán bộ, tình nguyện viên tư vấn, hướng dẫn người dân.

 Lãnh đạo phường Chánh Hiệp tổ chức gặp gỡ người dân địa phương để lắng nghe góp ý.

Lãnh đạo phường Chánh Hiệp tổ chức gặp gỡ người dân địa phương để lắng nghe góp ý.

Nhu cầu mua nhà ở, đất nền tăng, trong khi nguồn cung các dự án mới gần như không có, nhờ đó chủ đầu tư dự án cũ được thời xuất hàng tồn kho với giá tăng nhẹ so với trước khi sáp nhập.

Ông Tuấn, ngụ phường An Phú có lô đất gần 100m2, rao bán từ tháng 5 với giá hơn 1,5 tỷ đồng song sau hai tháng vẫn chưa bán được. Sau khi có thông tin Bình Dương sáp nhập với TPHCM, có nhiều người tìm tới ông Tuấn để hỏi mua đất. Hiện tại ông đã bán lô đất với giá 1,7 tỷ đồng.

Đại diện Sở Nông nghiệp và Môi trường TPHCM cho biết, việc một số khu vực giá nhà, đất có tăng nhẹ là do thỏa thuận trong giao dịch chuyển nhượng giữa người mua và người bán. Bảng giá đất hiện hành của TPHCM (cũ), Bình Dương (cũ) và Bà Rịa - Vũng Tàu (cũ) vẫn được giữ nguyên cho tới hết năm 2025. Hiện nay, Sở Nông nghiệp và Môi trường đang xây dựng bảng giá đất mới để áp dụng từ đầu năm 2026.

Sau khi sáp nhập Bình Dương và Bà Rịa – Vũng Tàu, TPHCM có diện tích hơn 6.700 km2 với trên 14 triệu dân, trở thành đô thị lớn nhất nước.

Hương Chi-Trọng Thịnh

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/nguoi-dan-binh-duong-ba-ria-vung-tau-ke-chuyen-khi-la-cong-dan-tphcm-post1762877.tpo