Người dân cần chủ động phòng ngừa ngộ độc thực phẩm

Mùa hè, thời tiết nắng nóng là điều kiện thuận lợi để vi khuẩn, vi rút phát triển mạnh mẽ khiến nguy cơ ngộ độc thực phẩm, bệnh truyền qua thực phẩm tăng cao. Do đó, người dân cần chủ động đảm bảo an toàn thực phẩm, phòng tránh ngộ độc thực phẩm và bệnh truyền qua thực phẩm trong mùa hè.

Người dân nên thực hiện theo 10 nguyên tắc vàng chế biến thực phẩm an toàn để phòng tránh ngộ độc thực phẩm và bệnh truyền qua thực phẩm. Ảnh: GIÁNG KIỀU

Theo báo cáo từ Cục An toàn thực phẩm - Bộ Y tế, trong quý I năm 2024, cả nước xảy ra 16 vụ ngộ độc thực phẩm (giảm 1 vụ so với cùng kỳ năm 2023) làm 659 người bị ngộ độc (tăng gần 3 lần so với cùng kỳ năm 2023), trong đó có 3 người tử vong.

Ở một số địa phương trên cả nước đã liên tiếp xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm, gây ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe của một bộ phận người dân, đặc biệt là vụ ngộ độc thực phẩm liên quan đến cơ sở kinh doanh bánh mì tại Long Khánh - Đồng Nai ngày 1/5/2024, tới nay đã có 568 người mắc. Tại tỉnh Sóc Trăng từ đầu năm đến nay đã ghi nhận vụ ngộ độc thực phẩm do ăn bánh mì với 159 người mắc phải nhập viện điều trị và sự cố liên quan đến sử dụng nước ngọt phát miễn phí trước cổng trường, vụ học sinh mua kẹo qua mạng không rõ nguồn gốc bán lại trong khuôn viên trường học.

Nguyên nhân chính là do thời tiết nắng nóng thuận lợi cho sự phát triển của các vi khuẩn gây bệnh, nhất là vi khuẩn gây bệnh đường ruột; ô nhiễm môi trường và thiếu nước sạch để chế biến. Bên cạnh đó, quá trình chế biến, bảo quản chưa đúng cách, cùng với ý thức chấp hành các quy định của pháp luật bảo đảm an toàn thực phẩm của một số cơ sở sản xuất, kinh doanh chưa nghiêm…

Ngộ độc thực phẩm thường do vi khuẩn Salmonella, Botulinum, E.Coli, Campylobacter, Listeria… Cụ thể, vi khuẩn E.coli gây bệnh đường ruột, tiêu chảy; vi khuẩn Salmonella sinh độc tố gây bệnh thương hàn; vi khuẩn Staphylococcus aureus gây bệnh gây mủ ở vết thương. Trong đó, nguy hiểm nhất là ngộ độc thực phẩm do trực khuẩn Clostridium botulinum phát triển ở môi trường kỵ khí (không cần oxy), thường tồn tại ở thực phẩm đóng hộp không được bảo quản đúng tiêu chuẩn có khả năng sinh ra ngoại độc tố cực mạnh, nếu người tiêu dùng sử dụng những sản phẩm này có thể ảnh hưởng xấu đến hệ thần kinh và gây tử vong.

Việc chế biến thức ăn nếu không gia nhiệt kỹ, chế biến xong không sử dụng ngay hoặc không đun lại sau 2 giờ sẽ dễ dẫn đến các nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm, bệnh truyền qua thực phẩm, nhất là thức ăn được chế biến có nguồn gốc động vật và các loại sản phẩm có nhiều dầu, nhiều đạm như: thịt, cá, hải sản, sữa…

Song song với đó, mùa hè cũng làm gia tăng nguy cơ ô nhiễm môi trường, ô nhiễm do rác thải, nước thải và sự phát triển của côn trùng truyền bệnh, ruồi nhặng, chuột… Đây là vấn đề đáng lo ngại về sức khỏe cho người sử dụng thực phẩm.

Đặc biệt, việc thiếu kiểm soát và không tuân thủ các quy định trong việc lựa chọn nguồn nguyên liệu, sơ chế, chế biến, bảo quản sau khi chế biến tại các bữa ăn đông người, đám tiệc… sẽ gia tăng nguy cơ ngộ độc thực phẩm và bệnh truyền qua thực phẩm, ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng.

Để đảm bảo an toàn thực phẩm, phòng tránh ngộ độc thực phẩm và bệnh truyền qua thực phẩm trong mùa hè, người tiêu dùng cần: lựa chọn, mua và sử dụng những thực phẩm còn tươi, có nhãn mác ở cửa hàng cố định; bảo đảm vệ sinh tay, vệ sinh dụng cụ ăn uống, dụng cụ chế biến; sử dụng nguồn nước sạch, bảo quản thực phẩm đảm bảo vệ sinh; đặc biệt lưu ý hạn sử dụng của sản phẩm và thực hiện “ăn chín, uống sôi”.

Người dân nên thực hiện theo 10 nguyên tắc vàng chế biến thực phẩm an toàn: Chọn thực phẩm an toàn; nấu kỹ thức ăn; ăn ngay khi thức ăn vừa được nấu chín; bảo quản cẩn thận thực phẩm đã nấu chín; đun kỹ lại thức ăn trước khi ăn; không để lẫn thực phẩm sống và chín; luôn giữ tay sạch sẽ để chế biến thức ăn; giữ bề mặt chế biến, bếp luôn khô ráo, sạch sẽ; bảo vệ thực phẩm khỏi các loại côn trùng, động vật gây hại; sử dụng nguồn nước sạch.

Khi phát hiện hoặc nghi ngờ bị ngộ độc thực phẩm, người dân ngừng ngay việc sử dụng thực phẩm nghi ngờ và giữ toàn bộ thức ăn đó lại (kể cả dịch chất nôn, phân, nước tiểu) để xác minh và báo ngay cho cơ quan y tế gần nhất để xử lý kịp thời và đưa người bị ngộ độc đến cơ sở y tế để được theo dõi, điều trị.

NGUYỄN PHÚC

Nguồn Sóc Trăng: https://www.baosoctrang.org.vn/suc-khoe-va-doi-song/nguoi-dan-can-chu-dong-phong-ngua-ngo-doc-thuc-pham-73762.html