Người dân đã có thẻ căn cước công dân có phải thu thập thêm mống mắt?

Người dân đã có thẻ căn cước công dân có phải bắt buộc thu thập thêm mống mắt khi luật mới có hiệu lực không? Việc thu thập sẽ được thực hiện ra sao?

 Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Ngày 29/11, tại cuộc họp báo công bố kết quả Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, Trung tướng Nguyễn Minh Đức, phó chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội cho biết, thu nhập mống mắt là một trong những nhóm sinh trắc học được quy định trong Luật Căn cước vừa mới được thông qua và là vấn đề mới, cần những thiết bị chuyên dụng của cơ quan quản lý căn cước trong quá trình tiến hành làm căn cước cho công dân.

Trung tướng Nguyễn Minh Đức, phó chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội

Trung tướng Nguyễn Minh Đức, phó chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội

Theo đó, khi người dân đến làm căn cước mới, hoặc đổi lại thẻ căn cước cũ thì cơ quan quản lý căn cước sẽ thu nhập thông tin để làm giàu thêm dữ liệu công dân, cũng như cơ sở dữ liệu dân cư. Trong quá trình đó, máy móc chuyên dụng sẽ thu thập toàn bộ mống mắt.

Đối với việc người dân đã có thẻ căn cước công dân, ông Đức nói tại luật mới được thông qua đã có quy định điều khoản chuyển tiếp.

Trong đó, quy định công dân đang có căn cước công dân có giá trị, hiệu lực còn dài thì không phải cấp đổi thẻ và sử dụng, giá trị như căn cước được cấp theo luật mới.

"Vì vậy, công dân đã có thẻ căn cước và đang còn giá trị thì vẫn tiếp tục sử dụng, không cần phải đến cơ quan quản lý căn cước để tiến hành thu thập thêm mống mắt nữa, trừ trường hợp công dân có nhu cầu cần bổ sung và đổi thẻ "- ông Đức cho hay.

Luật Căn cước vừa được Quốc hội thông qua tại kỳ hợp này. Luật gồm 7 chương, 46 điều. So với Luật Căn cước công dân 2014, thông tin về quê quán, vân tay đã được bỏ không cần thể hiện trên căn cước, chỉ lưu trong cơ sở dữ liệu. Bên cạnh đó, Luật bổ sung quy định thu thập mống mắt trong thông tin căn cước để làm cơ sở đối soát và xác thực thông tin của mỗi cá nhân.

Cũng tại cuộc họp báo, Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, hiện nay các cơ quan đang báo cáo cấp có thẩm quyền để có thể có thêm kỳ họp bất thường vào đầu tháng 1 năm 2024 tới.

Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường

Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường

"Rất cần Quốc hội đồng hành cùng Chính phủ cho ý kiến quyết định những vấn đề thuộc thẩm quyền của Quốc hội. Chính phủ đề xuất những vấn đề cần thiết Quốc hội thấy cần thiết thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội thì Quốc hội sẽ xem xét quyết định. Hiện đang báo cáo cấp có thẩm quyền và xem xét quyết định sau", ông Cường thông tin thêm.

Về việc chưa thông qua dự luật đất đai và tín dụng, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Phạm Thị Hồng Yến cho hay, đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), hiện nay ngoài vấn đề đã thống nhất các phương án chỉnh sửa, vẫn còn tồn tại một số nội dung lớn cần tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện, thiết kế tối ưu bao gồm thực hiện nhà ở thương mại, dự án hỗn hợp nhà ở kinh doanh thương mại dịch vụ…

Mối quan hệ giữa các trường hợp thu hồi đất và thỏa thuận quyền sử dụng thực hiện dự án phát triển kinh tế - xã hội mà không sử dụng vốn ngân sách nhà nước; Vấn đề quản lý khai thác quỹ đất; các trường hợp áp dụng phương pháp định giá đất cũng như sử dụng đất quốc phòng an ninh kết hợp kinh tế; trường hợp tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài nhận chuyển nhượng dự án bất động sản.

Về Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi, bà Yến thông tin Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến 3 lần. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn một số vấn đề còn ý kiến khác nhau. Bà nêu rõ đây là các vấn đề hết sức trọng yếu, ảnh hưởng đến an ninh, an toàn của hệ thống tổ chức tín dụng nói riêng và an toàn tài chính quốc gia nói chung, và liên quan việc sử dụng các nguồn lực nhà nước.

Hải Yến

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/nguoi-dan-da-co-the-can-cuoc-cong-dan-co-phai-thu-thap-them-mong-mat-20231129144839222.htm