Người dân đồng tình chủ trương không tổ chức chính quyền cấp huyện và sáp nhập các xã

Ngay sau khi có thông tin về việc sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính không tổ chức chính quyền cấp huyện và sáp nhập cấp xã, đa số cán bộ, nhân dân Bình Dương đều bày tỏ sự đồng tình, tán thành với chủ trương này.

Lưu giữ giá trị văn hóa, lịch sử khi đặt tên mới

Anh Nguyễn Thanh Liêm, Bí thư Thành đoàn Dĩ An, cho biết việc sáp nhập xã, phường được thực hiện với mục tiêu tạo ra sự hiệu quả trong quản lý và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Theo anh Liêm, việc đặt tên các xã, phường mới sau khi sáp nhập cần giữ lại được các tên gọi truyền thống, đặc trưng tạo nên thương hiệu của địa phương. Đơn cử, như tên gọi Thủ Dầu Một, Bình Dương, Phú Cường, Dĩ An, Lái Thiêu, Bến Cát…

Người dân bày tỏ mong muốn khôi phục tên gọi cũ gắn với lịch sử địa phương để đặt cho các đơn vị hành chính cấp cơ sở mới sau sáp nhập... Ảnh: QUỐC CHIẾN

Sau 28 năm thành lập và phát triển, Bình Dương đi lên từ một tỉnh có nền kinh tế nông nghiệp là chủ yếu thành tỉnh có tốc độ phát triển công nghiệp, thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) trong tốp đầu cả nước, tốc độ đô thị hóa nhanh, thu nhập bình quân đầu người cao nhất nước. Bình Dương cũng được Diễn đàn cộng đồng thông minh thế giới công nhận là Top 1 cộng đồng có chiến lược phát triển thành phố thông minh trên thế giới…

Hiện nay, Bình Dương có 9 đơn vị hành chính cấp huyện (5 thành phố, 4 huyện) và 91 đơn vị hành chính cấp xã (39 xã, 47 phường, 5 thị trấn). Dự kiến phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, sau khi sắp xếp, tỉnh còn lại 27 đơn vị hành chính cấp xã...

Khi nhắc đến tên gọi Dĩ An, mọi người cũng đều biết đến một vùng đất lịch sử anh hùng, năng động sáng tạo và phát triển. Nơi đây có nhà máy toa xe lửa cổ nhất Đông Dương và ghi dấu sự hình thành rất sớm của đội ngũ giai cấp công nhân Việt Nam. Đặc biệt là sự ra đời của một trong những chi bộ đầu tiên của Xứ ủy Nam kỳ và là nơi diễn ra phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân chống sự xâm lược của đế quốc thực dân.

Đồng thời, nhiều người dân cũng bày tỏ mong muốn khôi phục tên gọi cũ gắn với lịch sử địa phương để đặt cho các đơn vị hành chính cấp cơ sở mới sau sáp nhập...

Hoạt động hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả

Về việc không tổ chức chính quyền cấp huyện, ông Hà Văn Hảo, người dân ngụ tại phường Phú Mỹ, TP.Thủ Dầu Một, cho biết việc không tổ chức chính quyền cấp huyện, sáp nhập đơn vị cấp xã có quy mô lớn hơn là chủ trương được nhân dân đồng tình, ủng hộ, mở ra cơ hội mới cho đất nước vươn mình phát triển thịnh vượng. Trong đó, công tác quản lý nhà nước, hành chính Nhà nước bảo đảm tinh gọn, hoạt động hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả; khắc phục triệt để sự chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ, chia cắt về địa bàn, lĩnh vực, tổ chức trung gian cồng kềnh.

Sau sắp xếp, Bình Dương dự kiến còn lại 27 đơn vị hành chính cấp cơ sở

Từ đó, tập trung xây dựng chính quyền địa phương cấp cơ sở vững mạnh, đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới. Đồng thời, cán bộ, công chức Nhà nước sẽ gần dân hơn, hiểu dân hơn, thiết thực nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân, nhất là các thủ tục hành chính sẽ được giải quyết nhanh chóng, thuận lợi, kịp thời hơn.

Ông Thiều Hoàng Phú (phường Hiệp Thành, TP.Thủ Dầu Một):

“Ngay sau khi tìm hiểu thông tin dự thảo đề án về việc sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính không tổ chức chính quyền cấp huyện và sáp nhập cấp xã, tôi rất đồng tình và ủng hộ chủ trương này. Bởi, việc sáp nhập phường giúp tăng cường hiệu quả quản lý, giảm chi phí hoạt động để có thêm nguồn lực đầu tư cho lĩnh vực khác và tạo ra sự đồng đều trong phát triển địa phương, đất nước. Đơn cử như việc Nhà nước vừa mới ban hành quyết định thực hiện miễn toàn bộ học phí cho học sinh từ mầm non đến hết THPT công lập trên phạm vi cả nước từ tháng 9-2025 trở đi. Cùng với đó, việc này sẽ giúp tăng cường tương tác giữa các cấp quản lý và nhanh chóng giải quyết các vấn đề, thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp...

Anh Nguyễn Minh Tiến (phường Tân Đông Hiệp, TP.Dĩ An):

“Tôi rất đồng tình, ủng hộ chủ trương sáp nhập một số đơn vị cấp tỉnh, không tổ chức chính quyền cấp huyện, sáp nhập các đơn vị cấp xã, thực hiện mô hình chính quyền địa phương hai cấp, gồm cấp tỉnh và cấp cơ sở. Việc không tổ chức chính quyền cấp huyện sẽ bỏ được khâu trung gian, giúp môi trường quản lý thông thoáng hơn, thuận lợi hơn cho người dân, vì phân quyền thẳng từ cấp tỉnh xuống cấp xã, phường. Đồng thời, điều này còn tạo không gian rộng hơn để phát triển kinh tế - xã hội, tạo ra môi trường rộng lớn hơn nhằm thu hút tiềm năng, nguồn lực để phát triển, do không bị rào cản bởi ranh giới của huyện, xã, phường...

Anh Nguyễn Đức Hùng (phường Mỹ Phước, TP.Bến Cát):

“Khi tìm hiểu về dự thảo đề án sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính không tổ chức chính quyền cấp huyện và sáp nhập cấp xã, tôi và gia đình đều rất đồng tình ủng hộ chủ trương này và mong muốn vẫn duy trì việc tiếp nhận thủ tục hành chính tại các trung tâm hành chính huyện (cũ). Được như vậy, về cơ bản tổ chức, người dân và doanh nghiệp sẽ không bị ảnh hưởng gì từ việc sáp nhập đơn vị hành chính. Điều này cũng sẽ giải quyết được vấn đề khoảng cách địa lý và tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong thực hiện các thủ tục hành chính khi sáp nhập các đơn vị hành chính cấp xã...”.

KHÁNH PHONG

Nguồn Bình Dương: https://baobinhduong.vn/nguoi-dan-dong-tinh-chu-truong-khong-to-chuc-chinh-quyen-cap-huyen-va-sap-nhap-cac-xa-a344424.html