Người dân được thụ hưởng từ chính quyền số
Hôm nay (7/7), T.Ư Đoàn tổ chức Lễ ra quân đội hình thanh niên tình nguyện hỗ trợ vận hành chính quyền 2 cấp và cung cấp dịch vụ công trực tuyến tại 3.321 xã, phường, đặc khu trên cả nước.
Tạo khí thế lan tỏa
Lễ ra quân không chỉ góp phần triển khai hiệu quả Kế hoạch hỗ trợ người dân chuyển đổi số, mà còn là hoạt động thiết thực hưởng ứng chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã, hướng tới một nền hành chính chuyên nghiệp, hiện đại. Đây là một trong những hoạt động trọng tâm trong Chiến dịch Thanh niên tình nguyện Hè 2025.
Theo T.Ư Đoàn, việc triển khai lực lượng thanh niên tình nguyện hỗ trợ người dân trong quá trình vận hành chính quyền hai cấp đã được thực hiện tại 3.321 xã, phường, đặc khu trên cả nước từ ngày 1/7. Việc tổ chức ra quân đồng loạt ngày 7/7 nhằm tạo khí thế lan tỏa, thể hiện sự vào cuộc mạnh mẽ của đoàn viên, thanh niên trên toàn quốc.

Thanh niên tình nguyện hướng dẫn người dân lấy số thứ tự tại phường Trường Vinh (tỉnh Nghệ An). ẢNH: NGỌC TÚ
Các đội hình được thành lập nhằm phát huy vai trò xung kích của thanh niên, sinh viên trong hỗ trợ chính quyền cơ sở triển khai mô hình hành chính quyền địa phương 2 cấp và chuyển đổi số; hỗ trợ cán bộ, công chức và người dân tiếp cận, sử dụng hiệu quả dịch vụ công trực tuyến và các nền tảng số. T.Ư Đoàn yêu cầu các tỉnh, thành Đoàn triển khai đội hình thanh niên tình nguyện thiết thực, hiệu quả, phù hợp với tình hình từng địa phương, nhất là các xã, phường vùng sâu, vùng xa, vùng đặc thù.
Đối với các doanh nghiệp, cơ sở giáo dục và đơn vị sự nghiệp trên địa bàn, đội hình thanh niên tình nguyện hỗ trợ hướng dẫn thao tác khai báo, nộp báo cáo điện tử định kỳ, sử dụng nền tảng số chuyên ngành (thuế, giáo dục, bảo hiểm, y tế...).
Theo đó, các đội hình thanh niên tình nguyện thực hiện nhiệm vụ: Hỗ trợ cán bộ, công chức chính quyền cấp xã, phường, đặc khu; hỗ trợ người dân, các tổ chức đoàn thể, cơ sở giáo dục, đơn vị sự nghiệp và doanh nghiệp; tuyên truyền, hướng dẫn người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến.
Đối với cán bộ, công chức, thanh niên tình nguyện hỗ trợ thực hiện một số nhiệm vụ hành chính cơ bản như: Chỉnh lý số hóa dữ liệu dân cư, nhập liệu hệ thống, sắp xếp và số hóa hồ sơ hành chính, rà soát danh mục dữ liệu phục vụ triển khai chính quyền số; thao tác phần mềm, ứng dụng phục vụ công tác chuyên môn như: Hệ thống một cửa điện tử, phần mềm quản lý văn bản và điều hành, phần mềm hộ tịch điện tử, cơ sở dữ liệu dân cư, nền tảng số cấp xã…
Các nhiệm vụ giao cho thanh niên tình nguyện đảm bảo nguyên tắc: Không thay thế nhiệm vụ chuyên môn của cán bộ, công chức; không tham gia xử lý thông tin nội bộ, dữ liệu mật; có cán bộ chuyên môn trực tiếp hướng dẫn, giám sát quá trình triển khai.
Đối với người dân, thanh niên tình nguyện luôn có mặt tại Trung tâm Phục vụ hành chính công hoặc điểm tiếp nhận hồ sơ hành chính cấp xã, phường, đặc khu thực hiện nhiệm vụ phân luồng, hướng dẫn thực hiện thủ tục hành chính theo quy trình; hỗ trợ thao tác cơ bản trên các thiết bị công cộng; cài đặt và sử dụng ứng dụng VNeID, tài khoản định danh điện tử.
Cùng đó, hỗ trợ người dân sử dụng Cổng Dịch vụ công quốc gia và địa phương, bao gồm các thao tác như nộp hồ sơ trực tuyến, tra cứu kết quả giải quyết, thanh toán trực tuyến, đăng ký tài khoản công dân điện tử…
Theo kế hoạch, T.Ư Đoàn triển khai đội hình thanh niên tình nguyện hỗ trợ vận hành mô hình chính quyền địa phương 2 cấp tại 3.321 đơn vị hành chính cấp xã, bao gồm 2.636 xã, 672 phường và 13 đặc khu, trong thời gian tháng 7 – 8/2025. Trong đó, tập trung tại các xã, phường, đặc khu có điều kiện đặc thù như: Khu vực đông dân cư; vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng biên giới, biển đảo; khu công nghiệp; khu vực còn thiếu hạ tầng về công nghệ…
Luôn túc trực hỗ trợ người dân
Những ngày qua, các cấp bộ Đoàn, tỉnh, thành Đoàn trên cả nước đã nhanh chóng vào cuộc, thành lập đội hình thanh niên tình nguyện thường xuyên túc trực tại các trung tâm phục vụ hành chính công; chủ động, tích cực hỗ trợ người dân làm quen với quy trình xử lý thủ tục hành chính mới, góp phần giúp bộ máy vận hành thông suốt, hiệu quả từ những ngày đầu tháng 7.
Trước đó, ngay trong buổi sáng 1/7, toàn tỉnh Đồng Nai tổ chức ra quân 96 đội hình thanh niên tình nguyện với hơn 1.400 thành viên, trong đó, phụ trách chính các đội hình trực tiếp là thường trực Đoàn các xã, phường (mới). Các đội hình đã triển khai đồng bộ nhiều nội dung thiết thực như: trực tiếp hướng dẫn người dân đến đúng quầy giao dịch tại bộ phận một cửa, hướng dẫn quy trình chuẩn bị, kê khai hồ sơ giấy và đặc biệt là hướng dẫn sử dụng Cổng dịch vụ công trực tuyến để nộp hồ sơ trực tuyến mức độ 3, 4.
Đặc biệt, tại một số địa phương của Đồng Nai, các đội hình còn đảm nhận nhiệm vụ tiếp nhận phản ánh, kiến nghị của người dân, ghi nhận khó khăn trong quá trình thực hiện thủ tục để kịp thời tổng hợp báo cáo về cơ quan chức năng. Trong 4 ngày đầu ra quân, các đội hình tỉnh Đồng Nai đã hỗ trợ trên 24 nghìn lượt người dân, góp phần nâng cao hiệu quả phục vụ của chính quyền cơ sở.
Hà Tĩnh đã thành lập 69 đội hình với gần 1.900 thanh niên tình nguyện tham gia. Chị Nguyễn Ny Hương, Bí thư Tỉnh Đoàn Hà Tĩnh cho biết, ngay sau khi các Trung tâm Phục vụ hành chính công và bộ phận một cửa cấp xã mới đi vào vận hành, Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn đã chỉ đạo 69/69 Đoàn các xã, phường mới thành lập, tập trung hướng dẫn, hỗ trợ người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4, tạo tài khoản định danh điện tử, quét mã QR, tra cứu và kê khai hồ sơ trực tuyến... Bên cạnh đó, duy trì các hoạt động thường xuyên như tổ chức vệ sinh môi trường, hỗ trợ sắp xếp cơ sở vật chất…
“Đoàn các xã, phường tích cực tuyên truyền trên loa truyền thanh về chủ trương của Đảng, Nhà nước trong xây dựng chính quyền 2 cấp theo hướng gần dân, sát dân, phục vụ nhân dân tốt hơn”, chị Hương chia sẻ.
Tại Nghệ An có 130 đội hình tình nguyện, được bố trí theo hình thức luân phiên hoặc thường trực tại bộ phận một cửa cấp xã, góp phần hỗ trợ người dân tiếp cận dịch vụ công trực tuyến, đặc biệt là nhóm người cao tuổi, người ít sử dụng công nghệ.
Tập trung hỗ trợ 286 xã, phường, đặc khu, vùng biên giới
T.Ư Đoàn cho biết, ghi nhận sự nỗ lực và chủ động của các cấp bộ Đoàn trong việc huy động lực lượng, triển khai hỗ trợ người dân tiếp cận dịch vụ công trực tuyến, đặc biệt là nhóm yếu thế, người cao tuổi, người chưa quen với công nghệ.
Trong thời gian tới, định hướng của T.Ư Đoàn là không chỉ mở rộng về quy mô, mà sẽ đi vào chiều sâu. Cụ thể, Đoàn sẽ tập trung nguồn lực hỗ trợ cho 286 xã, phường, đặc khu là các địa phương nằm ở khu vực biên giới. Đây được xem là những nơi cần sự hỗ trợ lâu dài hơn, để đảm bảo mọi người dân đều được tiếp cận và thụ hưởng các tiện ích từ chính quyền số.
Để triển khai hiệu quả mục tiêu này, thường trực các tỉnh, thành ủy, UBND các tỉnh phối hợp với T.Ư Đoàn và các đơn vị liên quan trong việc điều phối lực lượng thanh niên, sinh viên tình nguyện có chuyên môn về công nghệ thông tin về các xã, phường, đặc khu, biên giới, vùng sâu, vùng xa. Đây là lực lượng nòng cốt, có khả năng hỗ trợ trực tiếp người dân trong việc tiếp cận và sử dụng dịch vụ công trực tuyến, đồng thời phối hợp với chính quyền cơ sở để giải quyết các tình huống phát sinh trong những ngày đầu vận hành mô hình chính quyền 2 cấp.
Việc bố trí lực lượng thanh niên về với cơ sở không chỉ mang ý nghĩa hỗ trợ kỹ thuật mà còn là một hoạt động giàu tính nhân văn, thể hiện vai trò xung kích của tuổi trẻ trong việc đưa chuyển đổi số đến gần hơn với người dân ở vùng khó khăn.
Sát cánh cùng xã đảo
Trong bối cảnh chính quyền hai cấp bắt đầu vận hành từ ngày 1/7, Đoàn xã Minh Châu (TP Hà Nội) - xã đảo duy nhất của Thủ đô đã tiên phong triển khai đội hình thanh niên tình nguyện hỗ trợ người dân thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường số.
Với đặc thù địa lý, hạ tầng công nghệ thông tin còn hạn chế, xã Minh Châu đối mặt với không ít khó khăn trong công tác tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính. Thế nhưng, vượt lên trên mọi trở ngại, lực lượng thanh niên tình nguyện tại đây đã trở thành điểm tựa vững chắc, đồng hành cùng chính quyền và nhân dân.
Thanh niên tình nguyện đến từng nhà dân ở xã đảo Minh Châu (TP Hà Nội) hỗ trợ người dân
Sáng 1/7, chị Nguyễn Hoàng Lưu (khu 1, thôn Chu Chàng) đưa con gái đến trụ sở UBND xã Minh Châu làm thủ tục công chứng căn cước. Lần đầu tiếp xúc với mô hình chính quyền hai cấp, chị khá lo lắng vì không biết phải bắt đầu thế nào. Khi bước vào cổng, một bạn thanh niên mặc áo xanh đã nhanh chóng đón tiếp và hướng dẫn chị đến đúng bộ phận.
“So với trước, mọi thứ chuyên nghiệp và nhanh hơn hẳn. Tất cả cán bộ mới về đều làm việc rất rõ ràng, hiệu quả. Có bạn thanh niên chỉ đường, có bạn đứng hỗ trợ cài ứng dụng, điền biểu mẫu. Trong chưa đầy 10 phút, tôi đã hoàn thành thủ tục. Thực sự thấy rất yên tâm và cảm động vì sự tận tình, chu đáo của các bạn thanh niên tình nguyện cũng như đội ngũ cán bộ nơi đây”, chị Lưu nói.
“Nhiều khi đang đi chợ, đi học, đi làm mà gặp người dân cần hỗ trợ là các bạn thanh niên tình nguyện sẵn sàng dừng lại để giúp ngay. Sự linh hoạt và gần dân là thế mạnh của thanh niên xã đảo chúng tôi”.
Anh Nguyễn Tuyển Tùng, Bí thư Đoàn xã Minh Châu, TP Hà Nội
Một trong những người dân đến làm thủ tục hành chính trong những ngày đầu vận hành chính quyền địa phương hai cấp tại xã đảo Minh Châu là ông Nguyễn Tuyển Bảy, 65 tuổi. Ông ít khi sử dụng điện thoại thông minh, vì thế không quen thao tác và cũng không nhớ số điện thoại của mình, không biết các mật khẩu… Ông đến UBND xã để làm thủ tục định danh điện tử mức độ 2.
Gặp trường hợp của ông Bảy, sinh viên tình nguyện Nguyễn Phương Anh nhanh chóng tìm cách gọi điện thoại về cho con gái của ông hỏi được các thông tin liên quan và hỗ trợ hoàn thành định danh điện tử mức độ 2.
Phương Anh hiện là sinh viên năm 3, Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương, được xem là “chị cả” của đội hình thanh niên tình nguyện tại xã đảo Minh Châu.
Trong tuần đầu, cô luôn có mặt tại Trung tâm Phục vụ hành chính công của xã để hỗ trợ người dân và hướng dẫn các bạn tình nguyện viên khác. Theo Phương Anh, không chỉ ông Bảy mà hầu hết những người lớn tuổi đều gặp khó khăn trong thực hiện thủ tục hành chính vì không quen dùng thiết bị điện tử và không nhớ các thông tin. Điều đó, đòi hỏi các tình nguyện viên phải kiên nhẫn, linh hoạt hỗ trợ.
Anh Nguyễn Tuyển Tùng, Bí thư Đoàn xã Minh Châu, cho biết, với đặc thù ban ngày người dân thường đi làm, xã Minh Châu tiến hành triển khai mô hình 2 phục vụ, gồm: Phục vụ tại cơ quan, phục vụ tại gia đình. Các bạn đoàn viên, thanh niên đã linh hoạt chia ca làm việc, trưa, tối, cuối tuần đều có mặt tại trụ sở hoặc xuống tận nhà dân để hỗ trợ. Nhiều trường hợp, các bạn phải mang theo laptop, điện thoại dự phòng, kiên nhẫn hỏi từng thông tin để giúp người lớn tuổi hoàn thiện hồ sơ trực tuyến.
“Chúng tôi lập nhóm Zalo cho từng đơn vị dân cư. Khi có thông báo từ chính quyền, đoàn viên sẽ gửi ngay để người dân nắm được và phản hồi nhanh chóng. Mỗi đoàn viên không chỉ là một tình nguyện viên, mà còn là một “cầu nối” công nghệ giúp bà con tiếp cận dịch vụ công”, anh Tùng nói.
Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/nguoi-dan-duoc-thu-huong-tu-chinh-quyen-so-post1757967.tpo