Vận hành chính quyền 2 cấp ở Quảng Trị: Nỗ lực, thách thức và kỳ vọng

Ngày 1/7/2025, bộ máy hành chính 2 cấp tại Quảng Trị chính thức vận hành, đánh dấu một giai đoạn phát triển mới với mục tiêu tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, gần dân và phục vụ Nhân dân tốt hơn. Đây là bước chuyển mình quan trọng trong công cuộc cải cách hành chính. Qua những ngày đầu, mô hình chính quyền cấp xã mới cho thấy quyết tâm và trách nhiệm lớn của đội ngũ cán bộ, công chức cơ sở. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực, vẫn còn không ít khó khăn, vướng mắc cần được kịp thời tháo gỡ.

Xã Cửa Việt đã nâng cấp tất cả đường truyền để ưu tiên chuyển đổi số, phục vụ công việc hành chính.-Ảnh: TR.T

Xã Cửa Việt đã nâng cấp tất cả đường truyền để ưu tiên chuyển đổi số, phục vụ công việc hành chính.-Ảnh: TR.T

Từ quyết tâm chính trị đến hành động cụ thể

Ngay từ những ngày đầu, các xã trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đã nhanh chóng kiện toàn bộ máy và ổn định hoạt động. Ông Lê Văn Thông, Chủ tịch UBND xã Cửa Việt cho biết: “Bước đầu, xã đã tập trung ổn định bộ máy, sắp xếp phòng ốc, nơi làm việc. Tinh thần cán bộ đoàn kết, chịu khó, cầu thị, sẵn sàng tiếp nhận công việc mới. Xã cũng khẩn trương xây dựng quy chế làm việc của UBND xã. Dự thảo quy chế làm việc dựa trên quy định của trung ương, vừa làm vừa điều chỉnh bổ sung”.

Công tác tổ chức, thành lập các phòng, ban chuyên môn, trung tâm phục vụ hành chính công cũng được các xã triển khai đồng bộ. Quy trình bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, phân công cán bộ, công chức được thực hiện theo đúng quy định. Ông Đỗ Tuấn Phong, Chủ tịch UBND xã Sen Ngư thông tin: “Từ ngày 1/7, UBND xã đã tổ chức bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo; phân công, bố trí cán bộ, viên chức với từng vị trí công tác phù hợp. Đồng thời, xã đã quán triệt cán bộ, viên chức ổn định tư tưởng, bảo đảm công việc thông suốt”.

Một trong những ưu tiên hàng đầu của các xã là nâng cao chất lượng phục vụ hành chính công. Việc thành lập trung tâm phục vụ hành chính công là điểm nhấn quan trọng, giúp giải quyết thủ tục hành chính cho người dân thuận tiện. Xã Cửa Việt đã nâng cấp tất cả đường truyền để ưu tiên chuyển đổi số, với 3 đường truyền phục vụ công việc hành chính, bảo đảm vận hành trơn tru và điều phối hoạt động ổn định.

Tà Rụt là một trong những xã vùng sâu, vùng xa của tỉnh. Ông Nguyễn Sỹ Huấn, Chủ tịch UBND xã Tà Rụt cho hay: “Mặc dù khối lượng công việc từ cấp huyện bàn giao về rất lớn, nhưng xã đã nỗ lực triển khai kịp thời. Các phòng, ban được chỉ đạo xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 6 tháng cuối năm và dự toán ngân sách”.

Hiện nay, công tác nắm tình hình địa bàn, đặc biệt là các hành vi vi phạm pháp luật về đất đai, môi trường, tài nguyên, được các xã tăng cường nhằm hạn chế thấp nhất các vi phạm. Bên cạnh đó, công tác chuẩn bị đại hội cấp xã cũng đang được gấp rút hoàn thành.

Mặc dù chủ trương chung là giảm thời gian xử lý thủ tục hành chính, nhưng các quy định liên quan đến pháp luật về đất đai lại có thời hạn nhất định, không thể rút ngắn.-Ảnh: TR.T

Mặc dù chủ trương chung là giảm thời gian xử lý thủ tục hành chính, nhưng các quy định liên quan đến pháp luật về đất đai lại có thời hạn nhất định, không thể rút ngắn.-Ảnh: TR.T

Những vướng mắc cần được tháo gỡ

Mặc dù các địa phương đã có nhiều nỗ lực nhưng những ngày đầu vận hành mô hình mới, không tránh khỏi khó khăn, vướng mắc. Một trong những thách thức lớn nhất là cơ sở vật chất và hạ tầng. Nhiều trụ sở xã, như xã Tà Rụt, phải đóng ở 2 nơi cách xa nhau và có tình trạng 3-4 người làm chung một phòng. Nhiều cán bộ xã phải đi thuê nhà trọ vì thiếu nhà công vụ.

Xã Sen Ngư cũng gặp tình trạng tương tự khi được giao 43 biên chế nhưng trụ sở chỉ có 14 phòng làm việc, điều kiện cơ sở vật chất còn thiếu thốn, khó khăn. Cơ sở vật chất, hạ tầng chưa bảo đảm cũng ảnh hưởng đến hoạt động chung, đặc biệt là hệ thống mạng internet, cấu hình hệ thống dịch vụ công chưa được liên thông. Tình trạng thiếu phôi cấp phép kinh doanh cũng khiến một số nội dung chỉ mới tiếp nhận trên thực tế.

Cùng với đó, việc bàn giao hồ sơ, tài liệu giữa các cơ quan cũng gặp khó khăn, vướng mắc. Các quy định, cơ chế chính sách chưa hoàn chỉnh, đặc biệt trong lĩnh vực đất đai. Mặc dù chủ trương chung là giảm thời gian xử lý thủ tục hành chính, nhưng các quy định liên quan đến pháp luật về đất đai lại có thời hạn nhất định, không thể rút ngắn. Một số xã như Cửa Việt không có người chuyên trách lĩnh vực tài nguyên môi trường từ cấp huyện chuyển về, nên ảnh hưởng đến công tác chuyên môn.

Thách thức về nhân sự và chuyên môn cũng đáng lưu tâm. Tại một số địa phương, số lượng cán bộ nói chung, cán bộ, viên chức công tác tại trung tâm phục vụ hành chính công nói riêng còn quá ít. Đơn cử như xã Tà Rụt chỉ có 3 chuyên viên và 1 Phó Chủ tịch UBND xã kiêm giám đốc trung tâm. Bên cạnh đó, một số cán bộ huyện chuyển về chưa có kinh nghiệm thực tiễn, trong khi cán bộ cấp xã cũ chưa tiếp cận công việc cấp huyện, dẫn đến việc đội ngũ cán bộ được bố trí bước đầu không còn phù hợp với chuyên môn, bỡ ngỡ với công việc mới và đòi hỏi thời gian thích nghi.

Để mô hình chính quyền 2 cấp thực sự phát huy hiệu quả, việc kịp thời rà soát và tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc là hết sức cần thiết. Trong đó, cần sớm có giải pháp tháo gỡ vướng mắc về cơ chế, chính sách, đặc biệt là pháp luật về đất đai. Quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng, đặc biệt là xây dựng trung tâm phục vụ hành chính công hiện đại.

Tăng cường phối hợp giữa các cấp, ngành để bảo đảm liên thông, đồng bộ trong giải quyết thủ tục hành chính. Đồng thời, cần bố trí nhân lực hài hòa, phù hợp; có chương trình đào tạo, bồi dưỡng chuyên sâu để đội ngũ cán bộ cấp xã thích ứng nhanh với môi trường và khối lượng công việc mới, nâng cao năng lực chuyên môn.

Với sự quyết tâm cao của các cấp ủy, chính quyền và sự đồng lòng của Nhân dân, tin rằng mô hình mới sẽ sớm đi vào ổn định, phát huy tối đa hiệu quả, góp phần xây dựng nền hành chính phục vụ, kiến tạo và phát triển, mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân Quảng Trị.

Trần Tuyền

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/van-hanh-chinh-quyen-2-cap-o-quang-tri-no-luc-thach-thuc-va-ky-vong-195599.htm