Người dân hiến 'đất vàng' ở TPHCM: Rộng hẻm, đổi đời

Nhiều người dân hẻm nói vẫn tiếc lắm dù tự nguyện tháo dỡ bậc tam cấp, tường nhà…để hiến đất mở rộng hẻm. Nhưng khi nghĩ đến việc 'mất ít mà được nhiều' họ đồng lòng ủng hộ.

"Tháo gỡ" nhiều nỗi lo

Trưa nắng, con hẻm 549 đường Nguyễn Đình Chiểu (quận 3, TPHCM) ồn ào, inh ỏi bởi tiếng máy cưa sắt, cắt gạch, trộn vữa... Tiếng ồn phát ra từ việc sửa chữa những ngôi nhà vừa được chủ đập tường, tháo dỡ hàng rào, cửa, cổng… để mở rộng hẻm.

Người dân nơi đây cho biết, hẻm 549 dài khoảng 300m, nối đường Nguyễn Đình Chiểu với hẻm 16 ra đường Nguyễn Thiện Thuật, quận 3. Trước đây, con hẻm có diện tích nhỏ, chỉ rộng khoảng 2,8-3,5m.

Hẻm nhỏ hẹp, xuống cấp khiến việc lưu thông của người dân gặp nhiều khó khăn. Vào giờ cao điểm, nơi đây thường xuyên xảy ra tình trạng ùn tắc...

Do đó, chính quyền địa phương vận động người dân hiến đất mở rộng đường hẻm ra khoảng 5m, đạt tỉ lệ đồng thuận cao.

Người dân hồ hởi sửa lại mặt tiền nhà sau khi hiến đất mở rộng hẻm. Ảnh: Hà Nguyễn

Người dân hồ hởi sửa lại mặt tiền nhà sau khi hiến đất mở rộng hẻm. Ảnh: Hà Nguyễn

Căn số 459/32 của bà Lê Thị Hồng (60 tuổi) là một trong những nhà hiếm hoi không phải đập tường, tháo dỡ, sửa chữa dù bà đã tình nguyện hiến hơn 4m2 đất. Đã sống 50 năm tại đây, bà Hồng thấu hiểu nỗi khổ khi con hẻm nhỏ, chật chội xuống cấp. Vì thế, khi được vận động hiến đất, bà không chút do dự.

Bà đồng ý hiến toàn bộ phần đất dùng để làm bậc tam cấp căn nhà rộng 4m, dài hơn 10m của gia đình. Đây là căn nhà bà được thừa kế từ cha mẹ.

“Nhà nước chỉ vận động hiến 1m thôi nhưng tôi hiến hết 1,2m, nên tính ra, tôi hiến hơn 4m2 đất. Gia đình tôi không ai phản đối bởi đây là chủ trương đúng đắn, đem lại lợi ích trực tiếp cho người dân. Hẻm trước nhà được mở rộng, thoáng đãng, tôi thấy cuộc sống gia đình thoải mái và an toàn hơn.

Giờ đây, tôi có không gian để xe, quay xe, đi lại thông thoáng. Khi cần thiết, xe cứu thương, phòng cháy chữa cháy có thể vào tận nơi" - bà Hồng lý giải tại sao mình "tự nguyện".

Bà Hồng dọn dẹp vật dụng trên bậc tam cấp, là phần đất bà đã hiến. Ảnh: Hà Nguyễn

Bà Hồng dọn dẹp vật dụng trên bậc tam cấp, là phần đất bà đã hiến. Ảnh: Hà Nguyễn

Cũng theo bà Hồng, sau này con hẻm còn được nâng cấp hệ thống cống thoát nước, đường dây điện. Do đó, đường không chỉ rộng rãi mà sẽ sạch đẹp hơn.

Cùng nhận định, chủ căn nhà đang được xây lại tường, làm cửa mới cách nhà bà Hồng hơn 10m cho biết, giờ không còn sợ cảnh khách đến nhà không có chỗ dựng xe. Sau khi hiến gần 6m2 đất, ông đã phải tháo dỡ toàn bộ cửa chính căn nhà.

Mấy hôm nay, ông cùng những người thợ tất bật xây lại tường, ráp bộ cửa mới.

“Chưa bao giờ việc 'mất đất' lại khiến chúng tôi phấn khích như vậy. Ai cũng mong chờ con hẻm sớm được mở rộng, nâng cấp. Trước đây, mọi người đều ngán ngẩm cảnh đường hẻm chật hẹp, kẹt cứng vào giờ cao điểm. Chiều về, người dân phải dựng xe trước nhà, đến tối đi ngủ mới có chỗ đưa vào.

Khách muốn đến chơi cũng không dám, vì không biết để xe ở đâu để không gây phiền hà cho người dân qua lại. Nay hẻm được mở rộng, nỗi lo này không còn - người đàn ông này chia sẻ.

"Mất ít được nhiều: Mở rộng hẻm, đổi đời'

Gần cuối con hẻm, bà Võ Thị Lan (SN 1958) đứng xem những người thợ đang sửa mặt tiền căn nhà của mình. Sau khi hiến gần 1m đất, bà phải thuê người tháo dỡ tường và toàn bộ cửa rào sắt để xây lùi vào.

Chiều sâu căn nhà bà Lan chỉ hơn 7m. Sau khi hiến đất và xây bức tường mới, căn nhà hẹp hẳn lại.

Căn nhà của bà Lan bị thu hẹp lại sau khi bức tường mới được xây. Ảnh: Hà Nguyễn

Căn nhà của bà Lan bị thu hẹp lại sau khi bức tường mới được xây. Ảnh: Hà Nguyễn

Đứng bên trong khoảnh sân vừa bị cắt ngắn, bà Lan trầm ngâm nói: “Ở thành phố, tấc đất là tấc vàng. Mất đi 1m đất, thật lòng tôi cũng tiếc lắm.

Nhà tôi bây giờ hẹp hẳn lại. Ban đầu chưa quen mắt, tôi cũng thấy khó chịu, nhưng nghĩ sau này ở lâu rồi cũng quen thôi.

Điều quan trọng, tôi thấy việc hiến đất mang lại rất nhiều lợi ích, như được không gian trước nhà rộng rãi, thoáng đãng. Trước đây, mỗi lần trong hẻm có người đau ốm cần nhập viện cấp cứu, xe cứu thương khó khăn lắm mới lách vào được. Bây giờ hẻm rộng rãi rồi, không lo chuyện ấy nữa.

Sống trong hẻm nhỏ, chúng tôi sợ nhất cảnh xảy ra hỏa hoạn bởi xe chữa cháy không thể tiếp cận. Bây giờ, chúng tôi yên tâm hơn nhiều”.

Bà Lan thấy việc hiến đất "được nhiều hơn mất". Ảnh: Hà Nguyễn

Bà Lan thấy việc hiến đất "được nhiều hơn mất". Ảnh: Hà Nguyễn

Cùng nhận định, bà Hồng cho biết dù việc hiến đất mở rộng hẻm đã được chính quyền vận động từ nhiều năm trước, nhưng lúc đó, người dân chưa hiểu, chưa thấy được lợi ích nên tỉ lệ đồng thuận không cao.

Nhiều hộ lo ngại khi lùi nhà vào khoảng 1m sẽ mất đi bậc tam cấp, mái hiên, chỗ để đồ, trồng cây cảnh… Trong khi đó, một số hộ khác đã xây dựng cổng, tường rào kiên cố nên thấy tiếc khi phải tháo dỡ để hiến đất.

Một hộ dân cho biết, khi hẻm trước nhà rộng 5 mét, sẽ mở cửa hàng tạp hóa trước nhà để buôn bán, từ đó thêm cơ hội cải thiện cuộc sống.

“Bây giờ, ai cũng thấy rõ lợi ích, tầm quan trọng và lợi ích của việc mở rộng hẻm. Vì vậy, dù rất tiếc nhưng khi được Nhà nước vận động, chúng tôi đều nhiệt thành ủng hộ” - bà Hồng chia sẻ.

TPHCM có chủ trương hiến đất mở rộng hẻm từ năm 2000, nhưng ban đầu chỉ vài quận, huyện thực hiện. Đến cuối năm 2003, việc hiến đất mới lan tỏa tại nhiều địa phương sau khi chính quyền đẩy mạnh vận động.

Theo thống kê của UBND TP, từ năm 2000-2021, toàn thành phố có hơn 168.000 hộ dân hiến 5,3 triệu m2 đất, tương ứng số tiền hơn 10.000 tỷ đồng phục vụ 5.230 công trình, bao gồm: 3.874 công trình mở rộng hẻm, 1.237 công trình mở rộng đường và 119 công trình khác.

Ngoài ra, người dân còn đóng góp kinh phí để mở đường, hẻm và các công trình phục vụ công cộng với số tiền trên 458 tỷ đồng.

Hà Nguyễn

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/do-cua-nha-mo-hem-o-tphcm-chua-bao-gio-mat-dat-lai-phan-khich-den-vay-2289032.html