Người dân Iran đứng trước sự lựa chọn quan trọng

Người dân Iran sẽ có cuộc bỏ phiếu bất thường bầu Tổng thống kế nhiệm cố Tổng thống Ebrahim Raisi, người đã thiệt mạng trong vụ tai nạn trực thăng vào tháng trước. Cuộc bầu cử mặc dù dự báo không mang lại những thay đổi trong chính sách đối ngoại của Iran nhưng có ý nghĩa rất lớn trong việc lựa chọn người kế nhiệm nhà lãnh đạo tối cao, nhân vật có ảnh hưởng nhất ở quốc gia Hồi giáo.

Trong số 80 người nộp hồ sơ tranh cử, Hội đồng Giám hộ - một cơ quan gồm các giáo sĩ và luật gia do nhà lãnh đạo tối cao của Iran, Giáo sĩ Ali Khamenei bổ nhiệm - đã phê chuẩn 6 ứng cử viên. Trong đó, 5 người thuộc phe chính trị bảo thủ của Iran và một người thuộc phe cải cách.

Ba gương mặt nổi bật

Trong số 6 gương mặt tham gia cuộc đua ngày 28.6, giới phân tích dự đoán Chủ tịch Quốc hội Mohammad Bagher Ghalibaf và nguyên trưởng đoàn đàm phán hạt nhân Iran Saeed Jalili là hai nhân vật có nhiều cơ hội trúng cử. Gương mặt nổi bật còn lại là ứng cử viên thuộc phe cải cách Masoud Pezeshkian, người được đánh giá là biến số của cuộc đua.

Từng giữ vị trí Chỉ huy Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo (IRGC), ông Mohammad Bagher Ghalibaf là Chủ tịch Quốc hội từ năm 2020. Được coi là đồng minh thân cận của lãnh đạo tối cao Khamenei, ông Ghalibaf đã từng 3 lần tranh cử Tổng thống nhưng không thành công. Ông là nhân vật nổi bật trong giới an ninh và được biết đến với quan điểm cứng rắn đối với những người bất đồng chính kiến.

Nguyên Trưởng đoàn đàm phán hạt nhân của Iran Saeed Jalili cũng là nhân vật có quan điểm bảo thủ và được coi là thân cận với lãnh tụ Khamenei. Nổi tiếng với lập trường cứng rắn, ông cũng là người có ảnh hưởng đối với chính sách đối ngoại của Iran. Đại diện trong các cuộc đàm phán hạt nhân, ông từng bác bỏ mọi khả năng nhượng bộ với phương Tây. Giám đốc CIA Bill Burns, người từng đàm phán với ông Jalili trong quá khứ, mô tả ông là người “khó đoán đến kinh ngạc” trong các cuộc đàm phán.

Ba gương mặt nổi bật nhất trong cuộc đua: Chủ tịch Quốc hội Mohammad Bagher Ghalibaf , ứng cử viên cải cách Masoud Pezeshkian (giữa) và nhà đàm phán hạt nhân Saeed Jalili (phải). Nguồn: AP

Ba gương mặt nổi bật nhất trong cuộc đua: Chủ tịch Quốc hội Mohammad Bagher Ghalibaf , ứng cử viên cải cách Masoud Pezeshkian (giữa) và nhà đàm phán hạt nhân Saeed Jalili (phải). Nguồn: AP

Nhân vật nổi bật thứ ba và là ứng cử viên duy nhất không thuộc phe bảo thủ là Masoud Pezeshkian. Ông là một nhà lập pháp người gốc Azerbaijan, từng giữ chức Bộ trưởng Y tế và thuộc phe cải cách. Chiến dịch tranh cử của ông tập trung mang lại tiếng nói mạnh mẽ hơn cho thanh niên, phụ nữ và người dân tộc thiểu số. Liên quan đến các vấn đề đối nội, ông cho rằng, cuộc khủng hoảng kinh tế có thể được xử lý bằng cách giải quyết những khác biệt giữa các đảng phái trong nước cũng như các nhân tố bên ngoài. Về đối ngoại, ông muốn nối lại đàm phán với phương Tây để khởi động một số phiên bản của thỏa thuận hạt nhân năm 2015.

Ba nhân vật còn lại trong số 6 ứng cử viên đủ điều kiện là ông Mostafa Pourmohammadi, giáo sĩ duy nhất trong cuộc đua; đương kim Thị trưởng Tehran Alireza Zakani và Phó Tổng thống đương nhiệm Amirhossein Ghazizadeh-Hashemi. Ba nhân vật này đều được đánh giá là ít có cơ hội giành chiến thắng.

Biến số của cuộc đua

Cuộc bầu cử lần này được dự đoán là một cuộc đua sít sao, không giống như năm 2021, khi ứng cử viên bảo thủ nổi bật nhất Raisi bỏ xa các ứng cử viên còn lại trong các cuộc thăm dò trước bầu cử, bao gồm cả hai nhà cải cách.

Theo chuyên gia Javad Rostami, một nhà bình luận chính trị, ứng cử viên Pezeshkian có thể là biến số khó lường của cuộc đua. Nếu tình trạng chia phiếu diễn ra, nhiều khả năng Iran sẽ phải tiến hành bầu cử vòng hai.

Còn tờ báo Hammihan theo đường lối cải cách dẫn lời chuyên gia chính trị Abbas Abdi cho biết, nếu giới trẻ và những người có xu hướng cởi mở ở Iran nhìn thấy cơ hội thay đổi, họ sẽ thể hiện trách nhiệm của mình bằng việc tham gia bầu cử và khi đó, ứng cử viên của phe cải cách có nhiều cơ hội giành chiến thắng.

Tuy nhiên, sức nặng cuối cùng sẽ là sự ủng hộ của nhà lãnh đạo tối cao Khamenei. Mặc dù ông Khamenei chưa công khai ủng hộ bất kỳ ứng cử viên nào nhưng những phát biểu của ông hôm 25.6 cho thấy, ông không ủng hộ ứng cử viên cải cách Pezeshkian. “Một người cho rằng, nếu không có sự ủng hộ của Mỹ, Iran không làm được gì, thì sẽ không thể quản lý tốt đất nước”, nhà lãnh đạo tối cao nói nhưng không nêu tên bất kỳ ứng cử viên nào.

Tỷ lệ cử tri tham gia bầu cử và tính hợp pháp

Phát biểu trên truyền hình 3 ngày trước cuộc bỏ phiếu, ông Khamenei đã “nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đông đảo cử tri tham gia bỏ phiếu vì đó là niềm tự hào của nước Cộng hòa Hồi giáo”.

Tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu được coi là “thước đo tính hợp pháp” của cuộc bầu cử và điều này ngày càng được những người theo đường lối cứng rắn quan tâm. Các cuộc bầu cử gần đây ở Iran chứng kiến tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu thấp kỷ lục, đặc biệt là ở khu vực thành thị, phản ánh thái độ thờ ơ với chính trị của người dân. Trong cuộc bầu cử Quốc hội vào tháng 3, các báo cáo chính thức cho thấy tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu là 41%, một tỷ lệ thấp kỷ lục. Cuộc bầu cử sắp diễn ra vẫn chưa thu hút được sự quan tâm của cử tri với các số liệu thống kê cho thấy tỷ lệ cử tri tham gia các cuộc vận động tranh cử còn thấp.

Theo quy định, mọi công dân Iran trên 18 tuổi đều có thể bỏ phiếu, điều đó có nghĩa là hơn 61 triệu trong số hơn 85 triệu người Iran đủ điều kiện bầu cử. Tất cả các phiếu bầu sẽ được tính thủ công nên kết quả cuối cùng có thể không được công bố trong hai ngày, mặc dù kết quả từng khu vực có thể có sớm hơn.

Nếu không có ứng cử viên nào giành được ít nhất 50% cộng với một phiếu bầu trên tổng số bao gồm cả phiếu trống, thì vòng hai sẽ được tổ chức vào thứ sáu đầu tiên sau ngày công bố kết quả bầu cử chính thức.

Ý nghĩa của cuộc bầu cử

Cuộc bầu cử diễn ra trong bối cảnh Iran đang đối mặt với nhiều thách thức an ninh do cuộc chiến Israel - Hamas ở Gaza, căng thẳng ngoại giao liên quan đến chương trình hạt nhân và tình trạng bất ổn trong nước gia tăng do các cuộc khủng hoảng chính trị, xã hội và kinh tế.

Trong khi Tổng thống quản lý các công việc hàng ngày của Chính phủ thì quyền lực thực sự đối với các vấn đề quan trọng như chương trình hạt nhân và chính sách đối ngoại của Iran lại thuộc về nhà lãnh đạo tối cao. Dù ai trở thành Tổng thống tiếp theo cũng đều phải là người trung thành với lợi ích tối cao của chính thể Hồi giáo và phục vụ lợi ích của quốc gia. Và dù là phe bảo thủ hay cải cách cũng đều muốn tình hình ổn định, vượt qua khó khăn và thách thức hiện nay, dưới sự lãnh đạo của Giáo chủ Ali Khamenei.

Việc Iran có Tổng thống mới được dự báo sẽ không làm thay đổi các chính sách, bao gồm cả các chính sách đối ngoại. Tehran vẫn sẽ tiếp tục ủng hộ sự nghiệp của Palestine, đặc biệt trong cuộc chiến ở Gaza; cứng rắn với phương Tây; thi hành chính sách hướng Đông...

Tuy nhiên, ứng cử viên theo chủ nghĩa cải cách Pezeshkian đã nói về việc khôi phục ngoại giao hạt nhân và ông được cựu Bộ trưởng Ngoại giao Mohammad Javad Zarif, người từng đàm phán thành công thỏa thuận hạt nhân lịch sử của Iran với phương Tây năm 2015, công khai ủng hộ. Ngay cả những ứng cử viên có đường lối cứng rắn như Pourmohammadi và Jalili cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải có chính sách ngoại giao tích cực hơn trên mọi mặt trận.

Kết quả của cuộc bầu cử mặc dù sẽ không ảnh hưởng quá lớn đến chính sách đối ngoại của Iran, nhưng lại rất quan trọng để xác định tương lai của giới lãnh đạo Iran, vì Tổng thống tiếp theo có thể sẽ tham gia vào việc lựa chọn người kế nhiệm lãnh tụ Khamenei. Ông Khamenei, 85 tuổi, đã giữ chức vụ này từ năm 1989 và đang sửa soạn cho người kế nhiệm.

Cố Tổng thống Raisi được nhiều người coi là người kế vị tiềm năng của ông Khamenei, và cái chết đột ngột của ông đã gây ra một cuộc chạy đua giữa những người theo đường lối cứng rắn đang tìm cách gây ảnh hưởng đến việc lựa chọn vị lãnh tụ tiếp theo của Iran.

Quỳnh Vũ

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/viet-nam-va-the-gioi/nguoi-dan-iran-dung-truoc-su-lua-chon-quan-trong-i377053/