Người dân Khmer chung tay xây dựng nông thôn mới
Ðầu năm 2013, xã Phú Cần (huyện Tiểu Cần, Trà Vinh) được công nhận là xã văn hóa và đã đạt được 15/19 tiêu chí trong bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM). Ðể đạt được kết quả này, ngoài sự chỉ đạo tích cực của Ðảng bộ, chính quyền địa phương phải kể đến sự hưởng ứng nhiệt tình của các tầng lớp nhân dân nói chung và đồng bào Khmer nói riêng.
Từ ấp văn hóa
Ấp Ðại Trường là một trong tám ấp của xã Phú Cần. Toàn ấp có 307 hộ với 1.294 nhân khẩu; trong đó dân tộc Khmer có 269 hộ với 1.157 nhân khẩu, chiếm 89,4% tổng số hộ toàn ấp. Ðời sống của bà con nơi đây chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp và độc canh cây lúa. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, nhờ áp dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật trong sản xuất cho nên năng suất lúa không ngừng tăng lên. Ðặc biệt từ khi một phần ấp Ðại Trường cùng với ấp Cầu Tre của xã Phú Cần được chọn làm điểm để thực hiện mô hình "cánh đồng mẫu lớn" đầu tiên ở huyện Tiểu Cần vào vụ hè thu năm 2011, năng suất lúa bình quân từ 5,6 tấn/ha đã tăng lên 7,5 tấn/ha. Theo đó thu nhập và đời sống kinh tế của người dân trên địa bàn, nhất là các hộ Khmer luôn được cải thiện. Nhờ vậy, hộ nghèo của ấp Ðại Trường hằng năm giảm đáng kể. Hiện nay, ấp chỉ còn 24 hộ nghèo, chiếm 7,28% tổng số hộ. Ngoài việc tập trung phát triển lĩnh vực kinh tế, địa phương còn thường xuyên vận động nhân dân đẩy mạnh việc cải thiện cảnh quan môi trường nông thôn.
Bí thư chi bộ, kiêm Trưởng ban Nhân dân ấp Ðại Trường Thạch Ngọc Sang cho biết: Ðến nay, toàn ấp có 274/307 hộ có hố xí hợp vệ sinh, chiếm 89,5% và 298/307 hộ được sử dụng nước hợp vệ sinh, chiếm 97,3%. Ấp có 295/307 hộ gia đình đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa chiếm 96,09%; cho nên ấp liên tục được công nhận Ấp văn hóa từ năm 2008. Bên cạnh việc quan tâm phát triển đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, ấp Ðại Trường còn luôn chú trọng giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội ở địa phương. Ấp được công nhận Ấp an toàn về an ninh trật tự vào năm 2008 và cho đến nay vẫn luôn giữ vững danh hiệu này. Có được kết quả trên là do địa phương biết phát huy lợi thế của nhà chùa Khmer và vai trò, uy tín của Sư cả chùa Ðại Trường để kết hợp lồng ghép tuyên truyền trong bà con phật tử vào các ngày lễ, Tết của đồng bào dân tộc Khmer. Từ đó bà con Khmer ngày càng ý thức hơn trong việc chấp hành các chủ trương, đường lối của Ðảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước, đặc biệt là trong việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc mình để cùng với địa phương xây dựng xã văn hóa và xã nông thôn mới. Thượng tọa Thạch Thưa - Sư cả chùa Ðại Trường phấn khởi nói: Trong những năm qua, ngoài việc chăm lo cho phật tử, chư tăng và bổn đạo tu hành theo đạo pháp; nhà chùa còn luôn phối hợp chặt chẽ với cấp ủy Ðảng, chính quyền địa phương làm tốt công tác tuyên truyền vận động các vị sư sãi, phật tử chấp hành tốt các chủ trương của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tham gia thực hiện tốt Cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư trên tinh thần sống tốt đời đẹp đạo, nhất là phong trào xây dựng xã văn hóa gắn với xã nông thôn mới. Từ đó cơ bản đã giúp cho Ban quản trị chùa và các tín đồ phật tử càng tin tưởng vào sự lãnh đạo của Ðảng, cùng nhau xây dựng cơ sở thờ tự, tôn giáo tín ngưỡng văn minh, xóm, ấp văn hóa tiêu biểu, người dân an tâm sản xuất và phát triển trong môi trường văn hóa lành mạnh.
Ðến xã nông thôn mới
Ðể xây dựng thành công xã nông thôn mới, cấp ủy, chính quyền xã Phú Cần vận động nhân dân tập trung thực hiện cả 19 tiêu chí, nhất là việc phát triển hạ tầng giao thông nông thôn. Sau khi được vận động, nhiều hộ dân ở ấp Ðại Trường đã tự nguyện hiến đất, hoa màu và cây ăn trái để địa phương thực hiện hai tuyến lộ trên địa bàn. Hai tuyến lộ này có chiều dài hơn 300 m, trong đó có một tuyến nối liền từ khu dân cư ra quốc lộ 54. Ðể thực hiện việc mở rộng và nâng cấp tuyến đường đất, làm nền móng xây dựng tuyến lộ thì trước tiên địa phương phải sử dụng một số diện tích đất; đồng thời tiến hành giải tỏa nhiều hoa màu và cây trái của bà con trong phạm vi tuyến đường đi qua, cho nên ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân. Tuy nhiên, do nhận thức được quyền lợi chung, người dân ở đây đã rất đồng tình và sẵn sàng hiến đất, hoa màu, cây ăn trái để tuyến đường sớm được thi công. Anh Lâm Rinl, một người dân ấp Ðại Trường vui vẻ nói: Làm đường như thế này người dân rất phấn khởi vì không chỉ tạo điều kiện đi lại thuận tiện cho người dân mà còn góp phần cùng địa phương xây dựng nông thôn mới, nên có thiệt hại đôi chút về hoa màu và cây ăn trái người dân ở đây cũng sẵn sàng. Cùng tâm trạng đó, anh Thạch Thane, là một trong những hộ có thiệt hại về một số cây dừa nhưng do nhận thức được về ý nghĩa và tầm quan trọng của công trình, anh chia sẻ: Khi đường này làm xong, bà con ở đây sẽ có điều kiện phát triển kinh tế để nâng cao đời sống. Công trình này của Nhà nước rất có ý nghĩa nên người dân ở đây rất đồng tình ủng hộ. Riêng công trình lộ nhựa nằm trên địa bàn ấp Ðại Trường có chiều dài 1.124 m, mặt đường rộng 3,5 m, tổng vốn đầu tư khoảng một tỷ đồng đang được giải phóng mặt bằng để khởi công xây dựng và dự kiến đưa vào sử dụng cuối năm 2013. Qua vận động của chính quyền địa phương cũng có 45 hộ dân sống ven tuyến lộ này hiến gần 4.000 m2 đất, hơn 200 cây dừa và nhiều cây ăn trái, hoa màu, vật kiến trúc khác để công trình được thi công, nhằm tạo điều kiện đi lại, vận chuyển hàng hóa và tạo nên bộ mặt của xã nông thôn mới.
Hiện nay, xã Phú Cần đang tiếp tục phấn đấu thực hiện bốn tiêu chí còn lại gồm: các tiêu chí về trường học, về cơ sở vật chất văn hóa, thu nhập và tiêu chí 11 về hộ nghèo; đồng thời củng cố và nâng cao chất lượng một số tiêu chí đã đạt được, trong đó đặc biệt chú ý đến tiêu chí về môi trường và an ninh trật tự để đến cuối năm 2013 được công nhận là xã nông thôn mới.
Bài và ảnh: KHẮC PHÚ
Theo
Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.org.vn/kinhte/tin-tuc/item/20790002-.html