Người dân không hoang mang, không tự ý tiêm vắc xin bạch hầu
Trước thông tin về ca bệnh, ca tử vong do bệnh bạch hầu ở phía Bắc, không ít người dân lo lắng, truyền miệng nhau đi tiêm vắc xin phòng bệnh bạch hầu. Và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh có khuyến cáo đến người dân.
Không tiếp nhận thông tin sai lệch
Theo thông tin giám sát bệnh truyền nhiễm của Bộ Y tế, từ đầu năm 2024 đến nay, cả nước ghi nhận 5 bệnh nhân mắc bệnh bạch hầu; gần đây nhất, bệnh này xuất hiện ở 2 tỉnh Nghệ An và Bắc Giang. Trong có, có ca tử vong và nhiều ca nghi ngờ do tiếp xúc gần với ca bệnh. Nguy cơ bệnh lây lan trong cộng đồng rất cao. Từ khi thực hiện tiêm vắc xin phòng bệnh bạch hầu vào chương trình tiêm chủng mở rộng, bệnh được không chế, không còn phổ biến như thời điểm chưa đưa vào chương trình tiêm mở rộng. Sự xuất hiện ca bệnh trên là do không tiêm vắc xin phòng bệnh và xảy ra ở địa bàn có tỷ lệ tiêm chủng thấp.
Trước thông tin về ca bệnh, ca tử vong do bệnh bạch hầu như trên, không ít người dân ở Phan Thiết lo lắng, truyền miệng nhau đi tiêm vắc xin phòng bệnh bạch hầu, dù Bình Thuận không xảy ra bất cứ ca bệnh bạch hầu nào. Khi người dân đến điểm tiêm dịch vụ, có điểm tiêm yêu cầu người dân phải đăng ký trước, mới hẹn ngày đến tiêm. Có điểm tiêm thì không có vắc xin bạch hầu cho người lớn.
Bác sĩ Võ Văn Hạnh - Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết: Vắc xin phòng bệnh bạch hầu cho trẻ có cả trong chương trình tiêm chủng mở rộng và trong dịch vụ tại tỉnh vẫn có đầy đủ. Còn vắc xin phòng bệnh bạch hầu cho người lớn thì lâu nay không có ai tiêm. Do tỷ lệ tiêm chủng vắc xin các bệnh, trong đó có phòng bệnh bạch hầu trong chương trình tiêm chủng mở rộng hàng năm đạt tỷ lệ cao hơn 95%. Các điểm tiêm không mua vắc xin bạch hầu cho người lớn. Hơn thế nữa, Bộ Y tế không có khuyến cáo người lớn đi tiêm vắc xin bạch hầu. Vì vậy, người dân không hoang mang, không lo lắng. Người dân không tiếp nhận thông tin sai lệch từ các kênh truyền thông không chính thống; không tự ý tiêm vắc xin chứa thành phần bạch hầu khi chưa có hướng dẫn, khuyến cáo cụ thể của của cơ quan y tế.
Đưa trẻ đi tiêm vắc xin đúng lịch
Bạch hầu là bệnh truyền nhiễm lây lan chủ yếu qua giọt bắn từ đường hô hấp, niêm mạc miệng, niêm mạc họng. Để chủ động phòng, chống bệnh, Bộ Y tế khuyến cáo người dân cần thực hiện tốt các biện pháp. Đó là các gia đình đưa trẻ đi tiêm chủng theo lịch tiêm các vắc xin có chứa thành phần bạch hầu (DPT-VGB-Hib, DPT) đầy đủ, đúng lịch để đảm bảo miễn dịch phòng bệnh cho trẻ trong độ tuổi tiêm chủng. Với trường hợp hoãn tiêm ở những trẻ cụ thể, các gia đình chú ý đưa trẻ tham gia tiêm chủng sớm nhất có thể sau khi xong thời gian hoãn tiêm.
Khi nghi ngờ người bị bệnh, đeo khẩu trang, tránh tiếp xúc với mọi người, thông báo cho y tế cơ sở biết và đến ngay cơ sở y tế gần nhất để khám, điều trị kịp thời, không tự ý mua thuốc điều trị tại nhà. Mỗi người dân thường xuyên rửa tay xà phòng, nước sạch. Khi ho, hắt hơi, người dân che miệng, giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng hàng ngày; hạn chế tiếp xúc người mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh bạch hầu. Đảm bảo nhà ở, nhà trẻ sạch sẽ, lớp học thông thoáng và có đủ ánh sáng. Trong trường hợp cần thiết, liên hệ với cơ sở y tế gần nhất để nhận được tư vấn về các biện pháp phòng bệnh bạch hầu.
Theo Bộ Y tế, vắc xin có chứa thành phần bạch hầu hiện đã và đang triển khai tiêm trong chương trình với 3 liều để tạo miễn dịch cơ bản cho trẻ dưới 1 tuổi và 1 liều nhắc lại khi trẻ 18 - 24 tháng tuổi. Bộ Y tế ban hành Thông tư số 10/2024/TT-BYT, trong đó bổ sung thêm một liều vắc xin chứa thành phần bạch hầu cho trẻ 7 tuổi. Thông tư này có hiệu lực từ ngày 1/8/2024.