Người dân mong 5 dự án BOT ở TP.HCM sớm triển khai

Người dân mong 5 dự án BOT sớm triển khai, TP.HCM có đơn giá bồi thường, hỗ trợ tái định cư hợp lý để sớm ổn định đời sống sau nhiều năm chờ đợi.

Chiều 20-12, Ủy ban Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam TP.HCM đã tổ chức hội nghị phản biện xã hội đối với 5 dự án đầu tư xây dựng nâng cấp, mở rộng, hiện đại hóa công trình đường bộ hiện hữu áp dụng loại hợp đồng xây dựng - vận hành - chuyển giao (BOT) theo Nghị quyết 98.

5 dự án BOT bao gồm: Nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 13 (từ cầu Bình Triệu đến ranh tỉnh Bình Dương); nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1 (từ đường Kinh Dương Vương đến ranh tỉnh Long An); cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 22 (từ nút giao An Sương đến đường Vành đai 3); nâng cấp đường trục Bắc - Nam (từ đường Nguyễn Văn Linh đến cao tốc Bến Lức - Long Thành) và xây dựng cầu đường Bình Tiên (từ đường Phạm Văn Chí đến đường Nguyễn Văn Linh).

 Quốc lộ 1 thường xuyên ùn ứ.

Quốc lộ 1 thường xuyên ùn ứ.

Nếu thuận lợi, khởi công các dự án vào cuối 2025

Phát biểu tại hội nghị, ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở GTVT TP.HCM cho biết hiện nay Sở GTVT cơ bản đã hoàn thành báo cáo nghiên cứu tiền khả thi 5 dự án và trình Hội đồng thẩm định TP.

"Nếu diễn tiến thuận lợi, dự kiến cuối quý I-2025, tại kỳ họp HĐND TP.HCM sẽ thông qua chủ trương đầu tư, hoàn chỉnh dự án khả thi trong quý II-2025, phấn đấu khởi công dự án cuối năm 2025 hoặc đầu năm 2026, tùy theo tính chất từng dự án".

Ông Lâm cho biết 5 dự án BOT là 5 tuyến đường thuộc cửa ngõ TP.HCM. Đây đều là các trục đường chính đô thị, mang tính chiến lược, kết nối với các tuyến đường vành đai 2, vành đai 3, kết nối trung tâm TP.HCM với các vùng lân cận.

Chính vì vậy, đa số các dự án được đề xuất xây dựng đi trên cao để mang hiệu quả tối ưu. Bên cạnh đó, các dự án đều được nghiên cứu kỹ càng, áp dụng công nghệ tiên tiến nhất để giảm thiểu tối đa tác động đến người dân, cách thức thu phí sẽ được nghiên cứu kỹ càng. Trước mắt, TP.HCM sẽ xin thí điểm BOT đối với 5 dự án, sau đó Sở GTVT sẽ tiếp tục rà soát các tuyến đường khác để trình thêm những dự án khác.

 Ông Trần Quang Lâm - Giám đốc Sở GTVT TP.HCM

Ông Trần Quang Lâm - Giám đốc Sở GTVT TP.HCM

Về nguồn vốn, TP đã chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện để thực hiện các dự án, trong đó, cân đối nguồn vốn trung hạn giai đoạn 2026-2030 cho các dự án này. Có thể thấy, TP.HCM đang tập trung vào lĩnh vực hạ tầng giao thông, đi trước đón đầu, sẵn sàng bước vào kỉ nguyên mới.

Trong khuôn khổ hội nghị, đại diện đơn vị tư vấn cho biết 5 dự án BOT có tổng mức đầu tư khoảng 61.000 tỉ đồng, trong đó có 3 dự án đề xuất làm đường trên cao, 2 dự án làm đường dưới thấp.

Người dân mong đơn giá bồi thường hợp lý

Góp ý tại hội nghị, Luật sư Nguyễn Văn Hậu - Phó Chủ nhiệm Đoàn luật sư TP.HCM cho rằng các đơn vị liên quan cần nắm bắt ý kiến của từng hộ dân để có chính sách hỗ trợ, áp dụng các quy định phù hợp. Đơn giá bồi thường, giải phóng mặt bằng cần bảo đảm hài hòa lợi ích các bên để khuyến khích người dân sớm bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư, hạn chế khiếu nại, vướng mắc làm trì trệ dự án.

Có mặt tại hội nghị để nghe thông tin các dự án, đa phần người dân tại các địa phương có dự án đi qua như quận 7, quận 8, huyện Bình Chánh, Hóc Môn đều đồng thuận, vui mừng khi các dự án đã chuẩn bị triển khai sau nhiều năm. Song người dân mong cơ quan chức năng sớm xác định ranh, có đơn giá bồi thường hợp lý, xứng đáng với sự mong mỏi của người dân sau nhiều năm sống trong vùng dự án, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân ổn định đời sống.

 Toàn cảnh hội nghị.

Toàn cảnh hội nghị.

Ông Tô Hồng Giang (huyện Bình Chánh), người dân ảnh hưởng bởi dự án mong TP áp dụng chính sách bồi thường, hỗ trợ tái định cư hợp lý; quá trình thi công thuận lợi, nhanh chóng, hạn chế ảnh hưởng đến đời sống người dân.

Đồng quan điểm, bà Hà Ngọc Giao (huyện Bình Chánh) mong cơ quan chức năng có chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải quyết việc làm, đảm bảo quyền lợi tốt nhất cho người dân bị ảnh hưởng bởi dự án mở rộng Quốc lộ 1 nói riêng và các dự án khác nói chung.

Bà Trần Thị Hương (quận 8) một trong những hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án cầu đường Bình Tiên mong mỏi TP sớm triển khai dự án vì bà đã sinh sống trong vùng dự án "treo" khá lâu, người dân không được xây dựng, sửa chữa nhà, ảnh hưởng lớn đến cuộc sống.

TS Trần Du Lịch - Chủ tịch Hội đồng tư vấn triển khai thực hiện Nghị quyết 98 nhận định 5 dự án BOT này nên hạn chế thấp nhất vấn đề giải tỏa, chỉ nên giải tỏa đủ quy mô để giảm chi phí, thời gian đền bù cho dự án.

Nói về việc thu phí, ông cho rằng chỉ nên thu phí những dự án làm trên cao, khi người dân muốn đi nhanh, còn dự án mở rộng đường hiện hữu không nên thu tiền. Đối với các tuyến qua cửa ngõ, ông đề xuất làm đường trên cao, với đường song hành sẽ làm đường bên dưới.

NHƯ NGỌC

Nguồn PLO: https://plo.vn/nguoi-dan-mong-5-du-an-bot-o-tphcm-som-trien-khai-post826001.html