Người dân mong sớm được xây công trình tạm trên đất bãi ven sông Hà Nội

Dự thảo Nghị quyết của HĐND TP Hà Nội về quy định hình thức sử dụng, khai thác quỹ đất nông nghiệp tại bãi sông, bãi nổi ở tuyến sông có đê trên địa bàn đang nhận được sự quan tâm, ủng hộ của đông đảo người dân.

Cần công trình tạm cho nông nghiệp sinh thái

TP Hà Nội đang lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo Nghị quyết của HĐND TP về quy định hình thức sử dụng, khai thác quỹ đất nông nghiệp tại bãi sông, bãi nổi ở tuyến sông có đê trên địa bàn Hà Nội (thực hiện điểm a khoản 3 Điều 32 Luật Thủ đô).

Người dân trồng đào tại phường Nhật Tân mong muốn sớm có những cơ chế mới để phát triển nông nghiệp sinh thái, kết hợp với du lịch.

Dự thảo Nghị quyết quy định về hình thức sử dụng, khai thác quỹ đất nông nghiệp tại bãi sông, bãi nổi ở tuyến sông có đê để sản xuất nông nghiệp, sản xuất nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp kết hợp du lịch, giáo dục trải nghiệm bảo đảm nguyên tắc việc xây dựng trên đất nông nghiệp tại bãi sông, bãi nổi ở tuyến sông có đê phải phù hợp với quy hoạch phòng, chống lũ của tuyến sông có đê; quy hoạch đê điều, quy hoạch xây dựng, quy hoạch khác có liên quan.

Theo ghi nhận của PV Báo Xây dựng, nhiều người rất phấn khởi và bày tỏ sự đồng tình với những nội dung trong dự thảo.

Anh Đỗ Đức Chiến, chủ vườn trồng đào ở đất bãi sông Hồng phường Nhật Tân (quận Tây Hồ) cho biết, người dân trồng đào nơi đây rất mong muốn được phép xây dựng một số công trình nhỏ để nông cụ, máy móc phục vụ cho việc trồng cây.

"Bây giờ làm nông nghiệp dùng máy móc nhiều. Chúng tôi trồng đào cũng kết hợp với làm du lịch, khi khách đến tham quan, chụp ảnh thì không có chỗ để thay đồ, vệ sinh… nên rất bất tiện.

Khi biết tin TP Hà Nội lấy ý kiến về hình thức sử dụng quỹ đất nông nghiệp tại bãi sông, tôi rất ủng hộ", anh Chiến chia sẻ.

Cũng theo bà Lê Thị Hà (phường Phú Thượng, quận Tây Hồ), gia đình bà cũng có một vườn trồng đào trên địa bàn, mỗi dịp cận Tết phải thuê thợ đến chăm sóc, bảo vệ cây và phải có chỗ ngủ qua đêm cho thợ.

Tuy nhiên, vì trong hành lang thoát lũ, không thể xây dựng gì cả, nên không bố trí được chỗ tử tế cho người làm sinh hoạt.

Qua khảo sát của PV Báo Xây dựng, ngoài những hộ dân trồng đào, một số chủ trang trại nông nghiệp trải nghiệm trên địa bàn huyện Đan Phượng, Thanh Trì…cũng rất mong chờ nghị quyết của HĐND TP sớm có hiệu lực, để bà con có thể xây những công trình tạm phục vụ cho việc phát triển nông nghiệp, góp phần tăng thêm thu nhập.

Cách làm hay nhưng cần thận trọng

Theo lãnh đạo UBND phường Lĩnh Nam (quận Hoàng Mai), trên địa bàn phường có hơn 100ha đất bãi ven sông Hồng chủ yếu trồng chuối, cây quất cảnh, các loại rau, hoa màu…

Nguồn lực đất đai để trống rất lãng phí, gây ra nhiều hệ lụy như đổ phế thải, mất vệ sinh môi trường, cũng khó khăn cho công tác quản lý của chính quyền.

"Nếu Nghị quyết này được thông qua, chắc chắn sẽ không còn tình trạng đất bỏ hoang, người dân sẽ làm nông nghiệp kết hợp với du lịch sinh thái, tạo cảnh quan, tăng thêm công việc và thu nhập cho người dân", vị lãnh đạo này cho biết.

Khu vực đất nông nghiệp ven sông Hồng.

Đại diện UBND phường Phú Thượng (quận Tây Hồ) cũng bày tỏ sự ủng hộ về chủ trương này, vì hoàn toàn phù hợp với tình hình thực tế các khu đất nông nghiệp ngoài bãi sông.

Sau khi có văn bản chính thức từ cấp trên, UBND phường Phú Thượng sẽ lập tức triển khai lấy ý kiến nhân dân trên địa bàn.

TS.KTS Trương Văn Quảng, Phó tổng thư ký Hội Quy hoạch và phát triển đô thị Việt Nam cho rằng, TP Hà Nội lấy ý kiến về quy định hình thức sử dụng, khai thác quỹ đất nông nghiệp tại bãi sông, bãi nổi là một việc làm rất tốt.

Đây sẽ là dịp để TP kiểm đếm, nắm được thông tin, có cách ứng xử với quỹ đất bãi ven sông. Bên cạnh đó, dự thảo nghị quyết này cũng phù hợp với các quy hoạch chung đã được phê duyệt và các quy định của hành lang thoát lũ.

Chuyên gia hiến kế quy hoạch phân khu sông Hồng

Hà Nội có nên xây đập thông minh ở sông Hồng?

Tuy nhiên, TS.KTS Trương Văn Quảng nhấn mạnh, việc cho phép xây công trình tạm tại khu vực này là rất hay, nhưng cũng phải thận trọng với an toàn đê điều, không gian thoát lũ.

Ngoài ra, thời gian tới, các đơn vị hành chính cấp xã/phường mới sẽ đi vào hoạt động, địa bàn rộng hơn rất nhiều.

Vì vậy, tránh tình trạng lợi dụng việc xây dựng công trình tạm để biến tướng thành nhà ở và các công trình sai mục đích khác, UBND TP Hà Nội phải có những quy định rõ ràng hơn, tính đến những chế tài xử lý vi phạm đủ mạnh, tăng cường sự quản lý chặt chẽ từ chính quyền các phường và đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân.

Tiến Hào

Khánh Hòa

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.vn/nguoi-dan-mong-som-duoc-xay-cong-trinh-tam-tren-dat-bai-ven-song-ha-noi-192250510105016324.htm