Người dân Nga 'miễn cưỡng' phải dùng ô tô Trung Quốc dù giá cao

Các thương hiệu Trung Quốc như Haval, Chery và Geely hiện chiếm gần 40% doanh số bán ô tô mới của Nga, tăng từ mức dưới 10% vào tầm đầu năm 2022.

Sự nghi ngại của người tiêu dùng Nga

Một nhân viên gắn biển cho một chiếc ô tô do nhà sản xuất ô tô Trung Quốc Geely sản xuất tại một đại lý ở Moscow, Nga, ngày 23 tháng 3 năm 2023. Ảnh: Reuters.

Một nhân viên gắn biển cho một chiếc ô tô do nhà sản xuất ô tô Trung Quốc Geely sản xuất tại một đại lý ở Moscow, Nga, ngày 23 tháng 3 năm 2023. Ảnh: Reuters.

Khi cuộc di cư của các nhà sản xuất ô tô phương Tây thu hẹp các lựa chọn cho người tiêu dùng Nga, các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc đang lấp đầy khoảng trống, buộc người Nga phải vượt qua sự miễn cưỡng để đón nhận các thương hiệu Trung Quốc và chấp nhận giá cao hơn.

Tuy nhiên, người tiêu dùng của Nga, từ người mua ô tô Nga là cá nhân hay đại lý, đều cho rằng chất lượng của một số ô tô Trung Quốc thấp hơn so với các đối thủ phương Tây.

Các chuyên gia trong ngành thì nhận định các nhà sản xuất Trung Quốc cần nâng cao danh tiếng ngay cả khi thị phần của họ tăng vọt tại Nga.

Stepan, 28 tuổi, một trong những khách hàng đang sử dụng xe của Trung Quốc nói: "Tôi đã mua được một chiếc Skoda vào năm 2022. Nếu bạn muốn biết ý kiến trung thực của tôi thì tôi có thể nói sự khác biệt với ô tô Trung Quốc là rất lớn".

Nhà sản xuất ô tô Séc Skoda, một phần của Tập đoàn Volkswagen, là một trong số các nhà sản xuất ô tô phương Tây có sản xuất ô tô tại địa phương, đang trong giai đoạn cuối cùng của thỏa thuận bán tài sản ở Nga sau lệnh trừng phạt của phương Tây sau khi Moscow gửi quân tới Ukraine vào tháng 2 năm ngoái.

Khi mua chiếc ô tô Trung Quốc mới của mình, ông Alexander, 74 tuổi, đã tìm kiếm một chiếc có công nghệ Thụy Điển.

"Tôi tin rằng theo thời gian độ tin cậy sẽ được cải thiện", ông Alexander cho biết. "Tôi biết rằng Tugella của Geely có động cơ Volvo. Họ đã bán chiếc xe đó cho tôi”.

Trong khi đó, cựu tổng thống Nga Dmitry Medvedev cho biết hôm thứ Sáu cuối tuần qua sau chuyến thăm Trung Quốc vào tháng 12 rằng hợp tác với các nhà sản xuất Trung Quốc đang rất tốt và nhận thức của người tiêu dùng tại Nga có vẻ như đang lỗi thời.

Hầu hết các nhà sản xuất ô tô phương Tây, những người đã chiến đấu với các công ty trong nước để giành thị phần kể từ khi họ bắt đầu xây dựng nhà máy ở Nga vào đầu những năm 2000, đã ngừng hoạt động vào mùa xuân năm ngoái.

Vladimir Shestak, tổng giám đốc của Altair-Auto tại Vladivostok cho biết: “Chúng tôi đã dành cả đời tập trung vào các thương hiệu châu Âu, Nhật Bản, Mỹ”.

Xe Haval do nhà sản xuất ô tô Trung Quốc Great Wall Motors sản xuất đang được bày bán tại một đại lý ở Artyom gần Vladivostok, Nga. Ảnh: Reuters.

Xe Haval do nhà sản xuất ô tô Trung Quốc Great Wall Motors sản xuất đang được bày bán tại một đại lý ở Artyom gần Vladivostok, Nga. Ảnh: Reuters.

Mặc dù phần lớn các công ty nước ngoài đã rời khỏi Nga hoặc đang trong quá trình rời đi, nhưng lượng hàng tồn đọng và hàng nhập khẩu song song có nghĩa là ô tô của một số công ty vẫn được bán cho đến thời điểm hiện tại.

Thương hiệu Lada của nhà sản xuất trong nước AvtoVAZ là thương hiệu phổ biến nhất ở Nga. Renault, thông qua cổ phần kiểm soát trước đây trong AvtoVAZ, đã có thị phần cao nhất trong số các nhà sản xuất nước ngoài trước khi Nga bắt đầu cái gọi là "hoạt động quân sự đặc biệt" ở Ukraine.

Chuyên gia ngành công nghiệp ô tô Sergey Aslanyan cho biết, trong khi ô tô Trung Quốc đang ngày càng lấp đầy khoảng trống, sự thiếu uy tín vẫn là một vấn đề.

“Họ gần như không còn đối thủ cạnh tranh ở đây nữa. Nhưng điều đó không có nghĩa là người tiêu dùng sẽ thay đổi quan điểm của họ một cách nhanh chóng”, Sergey Aslanyan nhận định.

Thị phần của các thương hiệu Trung Quốc đạt 37,15% trong trong hai tháng đầu năm 2023, tăng từ 9,48% một năm trước đó, theo dữ liệu của Autostat và PPK. Trong khi đó, doanh số của các thương hiệu châu Âu, Nhật Bản và Hàn Quốc đã giảm từ 70% xuống 22,6%.

Tuy nhiên, sự thay đổi đột ngột xảy ra trong bối cảnh doanh số bán ô tô mới giảm mạnh, giảm 59% vào năm 2022 do mức sống thấp hơn và mong muốn sử dụng phương tiện do phương Tây sản xuất khiến người Nga giảm chi tiêu và mua nhiều ô tô đã qua sử dụng hơn.

Trong một động thái cho thấy sự hợp tác ngày càng tăng, Haval của Trung Quốc hiện đang sản xuất ô tô tại địa phương, trong khi ở Moscow, Moskvich thời Liên Xô hồi sinh đang sử dụng các bộ phận động cơ, thiết kế và kỹ thuật từ JAC của Trung Quốc.

Nhưng một vấn đề khác đối với người tiêu dùng ở Nga chính là giá cả. Ngay cả ông Medvedev cũng nói rằng giá của Moskvich có vẻ “hơi cao”.

Maxim Kadakov, tổng biên tập tạp chí "Behind the Wheel" đánh giá: "Trung Quốc đang mang về rất nhiều ô tô nhưng nếu chúng ta nói về giá cả chứ không phải chất lượng thì không có ô tô nào rẻ cả".

Tranh thủ lấp đầy khoảng trống của phương Tây

Một chiếc ô tô do nhà sản xuất ô tô Trung Quốc Chery sản xuất được bày bán tại một đại lý ở Vladivostok, Nga. Ảnh: Reuters.

Một chiếc ô tô do nhà sản xuất ô tô Trung Quốc Chery sản xuất được bày bán tại một đại lý ở Vladivostok, Nga. Ảnh: Reuters.

Các nhà sản xuất ô tô bao gồm Geely Ô tô Holdings Ltd., nhà sản xuất xe tải nhỏ Chery Automobile Co. và Great Wall Motor Co. nổi tiếng với thương hiệu Haval giá cả phải chăng, đã chiếm 17% thị trường ô tô Nga vào năm 2022 sau hầu hết các nhà sản xuất ô tô lớn nhất thế giới, bao gồm Volkswagen AG và Toyota Motor Corp., đã rời khỏi Nga chỉ hơn một năm trước.

Trong khi các công ty phương Tây từ Apple Inc. đến Sony Corp., BP Plc và McDonald rút khỏi Nga trong những ngày đầu của cuộc chiến sau các lệnh trừng phạt kinh tế nhanh chóng và áp lực của người tiêu dùng, nhiều công ty Trung Quốc vẫn tiếp tục hoạt động ở Nga mà không bị trừng phạt.

Điều đó hoàn toàn trái ngược với Renault SA, công ty đã phải hứng chịu một trong những đòn giáng mạnh nhất trong số các doanh nghiệp đã miễn cưỡng rút khỏi Nga một năm trước. Sau khi Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy chỉ trích nhà sản xuất ô tô và các công ty khác của Pháp. Renault đã nhượng bộ, ngừng hoạt động tại thị trường lớn thứ hai của mình và xóa sổ khối tài sản trị giá 2,4 tỷ USD.

Mặc dù các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc cho đến nay đã tránh được các trở ngại, nhưng việc tiếp tục hiện diện ở Nga có thể khiến mạng lưới các đối tác toàn cầu của họ chú ý và có nguy cơ làm ảnh hưởng tới danh tiếng giống như một số tên tuổi lớn nhất trong lĩnh vực ô tô Trung Quốc đang tìm cách ghi dấu ấn trên toàn cầu, bao gồm ở châu Âu và Mỹ.

Ví dụ, Geely và người sáng lập Li Shufu kiểm soát các nhà sản xuất ô tô Thụy Điển bao gồm Volvo Car AB và Polestar Automotive Holding. Thương hiệu Lynk & Co. của Geely và Volvo cung cấp dịch vụ cho thuê ô tô hàng tháng tại các thành phố bao gồm Berlin, Barcelona và Milan, đồng thời thương hiệu Zeekr của Geely đang hợp tác với công ty xe tự lái Waymo của Google.

Tỷ phú Li đã tập hợp một đế chế ô tô rộng lớn để giúp luôn đi đầu trong hai xu hướng lớn nhất của ngành là điện khí hóa và tự động hóa. Ông là một trong những cổ đông hàng đầu của Mercedes-Benz Group AG và Aston Martin Lagonda Global Holdings Plc, trong khi Geely có hai dự án liên doanh với nhà sản xuất ô tô Pháp Renault SA.

Theo Jeffrey Sonnenfeld, giáo sư tại Trường Quản lý của Đại học Yale, Geely và các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc khác có nhiều lợi thế hơn khi hoạt động ở phần còn lại của thế giới và hợp tác với các công ty như Renault hơn là chỉ bán xe ở Nga.

Marina Rudyak, trợ lý giáo sư khoa Nghiên cứu Trung Quốc tại Đại học Heidelberg, Đức, cho biết ba nhà sản xuất ô tô hàng đầu của Trung Quốc tại thị trường Nga - Chery, Great Wall và Geely - đã có thể “lướt qua tầm ngắm” vì họ không nổi tiếng ở châu Âu hoặc Mỹ.

Công nhân lắp các khối động cơ vào chiếc crossover SUV Haval F7 bên trong nhà máy ô tô Haval do Great Wall Motor Co. vận hành ở Nga. Ảnh: Bloomberg.

Công nhân lắp các khối động cơ vào chiếc crossover SUV Haval F7 bên trong nhà máy ô tô Haval do Great Wall Motor Co. vận hành ở Nga. Ảnh: Bloomberg.

Great Wall Motors, nhà sản xuất ô tô Trung Quốc duy nhất có cơ sở sản xuất ở Nga, được đài truyền hình nhà nước Trung Quốc CCTV đưa tin đã bán chiếc SUV Haval của mình cho quân đội Nga vào năm 2021. Trang web của Haval cho hay họ có các công ty con ở Úc, Mỹ và một mạng lưới bán hàng trải rộng trên 60 quốc gia và khu vực. Tuy nhiên, doanh số bán hàng xuất khẩu của công ty là một phần nhỏ của thị trường nội địa.

Trong khi Chery - thương hiệu Trung Quốc bán chạy nhất ở Nga năm ngoái - là nhà xuất khẩu ô tô Trung Quốc lớn thứ hai trên toàn cầu sau SAIC Motor Corp., các thị trường chính của Chery là ở Trung Đông, Nam Mỹ và Châu Phi. Chery có một liên doanh tại Trung Quốc với Jaguar Land Rover.

Giới chuyên gia đánh giá “phần thưởng” mà các công ty Trung Quốc đang gặt hái ở Nga là nhỏ so với những rủi ro địa chính trị mà họ đang gánh chịu.

Vào năm 2022, doanh số bán hàng của Chery tại Nga đạt trung bình 4.475 xe/tháng; Great Wall đạt trung bình 2.940 chiếc mỗi tháng và Geely, công ty bán các mẫu xe của riêng mình như Coolray và Atlas, chỉ đạt trung bình 2.035 chiếc mỗi tháng, theo dữ liệu từ công ty phân tích Autostat của Nga. Mẫu xe bán chạy nhất của Nga năm 2022, Lada Granta, bán được trung bình 7.331 chiếc mỗi tháng.

Doanh số bán xe của Nga đã dao động mạnh trong thập kỷ qua, giảm 36% vào năm 2015 sau khi nước này bị trừng phạt vì sáp nhập Crimea vào Moscow. Theo Hiệp hội Doanh nghiệp Châu Âu, khối lượng vẫn chưa phục hồi đến mức cao nhất khoảng 2,9 triệu vào năm 2008 và 2012. Thị trường ô tô mới của Nga năm ngoái có quy mô nhỏ hơn 5% so với Trung Quốc.

Khôi Nguyên

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/automotive/nguoi-dan-nga-mien-cuong-phai-dung-o-to-trung-quoc-du-gia-cao.htm