Người đàn ông 30 tuổi đột tử khi đang chạy bộ tập thể dục, chuyên gia khuyến cáo những điều cần biết để phòng tránh

Có 3 nhóm người cần tầm soát bệnh lý tim mạch trước khi luyện tập thể dục, thể thao.

Theo thông tin từ VNN, tối 15/10, một người đàn ông khoảng 30 tuổi đang chạy bộ tập thể dục tại Công viên Thanh Xuân (Hà Nội) bất ngờ ngã gục, người xung quanh liền gọi cấp cứu, đưa vào Bệnh viện Đại học Y Hà Nội nhưng không qua khỏi. Anh được xác định đã tử vong ngoại viện.

Theo bác sĩ Lê Nhật Cường, khoa Điều trị tích cực Nội khoa, Bệnh viện Nhi Trung ương, hoạt động thể thao giúp ngăn ngừa béo phì và các bệnh lý tim mạch như nhồi máu cơ tim, đột quỵ… Tuy nhiên quá trình hoạt động có thể xảy ra một số tai nạn, trong đó ngừng tim đột ngột là tai nạn nguy hiểm.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Nguyên nhân đột tử khi chơi thể thao

Theo BSCKII Nguyễn Thế Huy, Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E, đột tử có thể xảy ra ở bất cứ ai nếu không được tầm soát yếu tố nguy cơ, đặc biệt với nhóm ít chơi thể thao nhưng lại gắng sức.

Đột tử được chia thành 2 nhóm: Nhóm thứ nhất là những người đang khỏe mạnh; Nhóm thứ hai là những người mắc bệnh tim mạch.

Ở nhóm người trẻ tuổi, trung niên, đột tử thường liên quan tới bệnh lý tim mạch như cơ tim phì đại, bệnh lý giãn động mạch trong tim, bệnh lý rối loạn dẫn truyền trong tim (brugada) hoặc bệnh lý tim bẩm sinh.

Đột tử cũng xảy ra ở nhóm người có bất thường mạch vành. Nhóm bệnh nhân này có thể xảy ra đột tử bất cứ lúc nào. Đa phần các bệnh nhân đều có diễn biến đột ngột, không có dấu hiệu báo trước.

Bác sĩ Huy khuyến cáo đối với người khỏe mạnh nhưng trong gia đình có người tử vong đột ngột không có nguyên nhân, mọi người nên đi kiểm tra xem bản thân có mắc các bất thường về tim mạch hay không. Nếu tim có bất thường, bác sĩ sẽ tiến hành can thiệp sớm để phòng ngừa đột tử.

3 nhóm người cần tầm soát bệnh lý tim mạch trước khi luyện tập thể thao

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Hầu hết những người trẻ tuổi, hay người có bệnh lý nền như tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu, đái tháo đường đã được điều trị ổn định trước đó, hoàn toàn có thể tham gia luyện tập thể thao ở cường độ nhẹ đến trung bình mà không cần tầm soát các bệnh lý tim mạch tiềm ẩn.

Tuy nhiên, 3 nhóm người này cần tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên khoa tim mạch:

- Người ít vận động hay người có nguy cơ cao các bệnh tim mạch như béo phì, đái tháo đường, hội chứng chuyển hóa,... muốn rèn luyện thể lực cường độ mạnh hay thi đấu các môn đối kháng (bóng rổ, bóng đá, cầu lông...)

- Người đã biết các bệnh tim nền như suy tim, bệnh mạch vành (thiếu máu cơ tim),...

- Người có bất thường thăm khám tim mạch (bất thường điện tâm đồ, siêu âm tim..) hay đang có các triệu chứng bệnh tim mạch (hồi hộp, đau ngực, khó thở bất thường, ngất...).

Cách phòng ngừa đột tử khi chơi thể thao

- Lựa chọn bộ môn phù hợp, khi tập tự lượng sức mình.

- Nếu muốn chinh phục thử thách thì cần phải có thời gian luyện tập, ví dụ như chạy sẽ luyện tập từ cự ly ngắn tới xa.

- Phải vận động thật kỹ trước khi chạy hoặc chơi thể thao để các cơ quan, tim phổi có thời gian để thích nghi.

- Lưu ý chế độ ăn, uống phù hợp, bổ sung nước điện giải. Nếu không tuân thủ có thể ảnh hưởng tới sức khỏe.

M.H (th)

Nguồn GĐ&XH: https://giadinh.suckhoedoisong.vn/nguoi-dan-ong-30-tuoi-dot-tu-khi-dang-chay-bo-tap-the-duc-chuyen-gia-khuyen-cao-nhung-dieu-can-biet-de-phong-tranh-172231018121303226.htm