Người đàn ông 33 tuổi ở Phú Thọ đi khám vì đau đầu âm ỉ, bác sĩ làm ngay điều này để ngăn ngừa đột quỵ

Đặt stent chuyển dòng là phương pháp tối ưu được bác sĩ áp dụng để điều trị các túi phình khó, chưa vỡ, được xem là 'chìa khóa' ngăn ngừa đột quỵ.

Phát hiện nguy cơ đột quỵ từ dấu hiệu đau đầu không rõ nguyên nhân

Vừa qua, các bác sĩ tại Trung tâm Đột quỵ – Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ cho biết đã can thiệp thành công dị dạng mạch máu não chưa vỡ bằng kỹ thuật đặt stent chuyển dòng cho người bệnh N.H.T (33 tuổi, ở Thanh Sơn, Phú Thọ), tránh nguy cơ đột quỵ.

Hình ảnh người bệnh được bác sĩ thăm khám sau can thiệp. Ảnh: BVCC

Hình ảnh người bệnh được bác sĩ thăm khám sau can thiệp. Ảnh: BVCC

Được biết, trước đó người bệnh thỉnh thoảng bị đau đầu không rõ nguyên nhân nên đã đến viện kiểm tra. Qua thăm khám và chụp cộng hưởng từ sọ não, các bác sĩ đã phát hiện người bệnh có túi phình động mạch cảnh trong bên phải đoạn C6 – một vị trí nguy hiểm, nếu vỡ có thể gây đột quỵ nặng hoặc tử vong.

Người bệnh được chỉ định chụp và can thiệp mạch não số hóa xóa nền (DSA), đặt stent chuyển hướng dòng chảy máu khỏi túi phình. Ngay sau can thiệp, sức khỏe người bệnh phục hồi tốt, tỉnh táo, không còn bị đau đầu, sinh hoạt và vận động bình thường.

Ưu điểm của đặt stent chuyển dòng, phòng ngừa nguy cơ đột quỵ

Theo BSCKI Lưu Văn Thìn, Trung tâm Đột quỵ – Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ, đặt stent chuyển dòng là phương pháp tối ưu để điều trị các túi phình khó, chưa vỡ. Stent chuyển dòng làm thay đổi hướng dòng chảy, thay vì dòng chảy mạch máu vào túi phình, stent sẽ che túi phình lại, đảo hướng dòng chảy mạch máu sang mạch máu lành, giúp triệt tiêu túi phình sau một thời gian.

Hình ảnh minh họa stent chuyển dòng chắn ngang túi phình, đảo hướng dòng chảy giúp triệt tiêu túi phình.

Hình ảnh minh họa stent chuyển dòng chắn ngang túi phình, đảo hướng dòng chảy giúp triệt tiêu túi phình.

So với các phương pháp truyền thống, kỹ thuật này có nhiều ưu điểm vượt trội như: ít xâm lấn, thời gian phục hồi nhanh, giảm nguy cơ tai biến, biến chứng trong can thiệp và đặc biệt giúp điều trị hiệu quả các túi phình lớn, phức tạp mà các phương pháp khác khó can thiệp được.

Đáng chú ý, đây là một kỹ thuật khó, phức tạp, chủ yếu được triển khai tại các bệnh viện tuyến trung ương, nhưng đã được Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ làm chủ và ứng dụng hiệu quả trong điều trị từ nhiều năm nay. Việc triển khai thành công các kỹ thuật cao ngay tại địa phương không chỉ giúp người dân được tiếp cận dịch vụ y tế chất lượng cao một cách kịp thời mà còn góp phần giảm tải đáng kể cho các bệnh viện tuyến trên.

Ai có nguy cơ bị đột quỵ?

Đột quỵ do vỡ túi phình có thể xảy ra đột ngột và để lại hậu quả nặng nề. Tuy nhiên, nếu được phát hiện sớm các bất thường của mạch máu não, nguy cơ này hoàn toàn có thể phòng ngừa được.

Qua đây, các bác sĩ khuyến cáo người dân, đặc biệt là nhóm người có nguy cơ cao (trên 40 tuổi, có tiền sử tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn lipid máu, hút thuốc lá, tiền sử gia đình có người bị đột quỵ…) nên khám sức khỏe định kỳ ít nhất 1 lần/năm, bao gồm tầm soát mạch máu não bằng các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh hiện đại.

M.H (th)

Nguồn GĐ&XH: https://giadinh.suckhoedoisong.vn/nguoi-dan-ong-33-tuoi-o-phu-tho-di-kham-vi-dau-dau-am-i-bac-si-lam-ngay-dieu-nay-de-ngan-ngua-dot-quy-172250704100734194.htm