Người đàn ông bị đỉa chui vào niệu đạo trong lúc làm việc ngoài đồng
Anh P.V.A. bị một con đỉa chui vào niệu đạo trong lúc làm việc ngoài đồng. Khi phát hiện, bệnh nhân đã kịp thời dùng tay ép chặt niệu đạo để hạn chế đỉa chui sâu hơn.
Các bác sĩ khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất Đồng Nai, vừa tiếp nhận ca bệnh hy hữu. Anh P.V.A. bị một con đỉa chui vào niệu đạo trong lúc làm việc ngoài đồng. Khi phát hiện, bệnh nhân đã kịp thời dùng tay ép chặt niệu đạo để hạn chế đỉa chui sâu hơn.
Ngay sau đó, anh A. được đưa đến bệnh viện để xử trí.

Con đỉa chui ra từ niệu đạo của anh A. Ảnh BVCC
Sau khi thăm khám, các bác sĩ chuyên khoa Ngoại Tiết Niệu xác định dị vật vẫn kẹt ở niệu đạo trước, chưa đi vào bàng quang. Với kinh nghiệm chuyên môn, các bác sĩ đã hướng dẫn bệnh nhân nới lỏng vị trí bị ép, tránh tổn thương thêm và khuyến khích đi tiểu. Chỉ sau khoảng 15 phút, không cần can thiệp xâm lấn, đỉa đã tự chui ra ngoài.
Trường hợp hy hữu này là minh chứng cho năng lực chuyên môn vững vàng của đội ngũ bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất Đồng Nai và cũng là lời nhắc nhở người dân cần chú ý bảo vệ bản thân trước những rủi ro bất ngờ từ môi trường lao động.
Đỉa là sinh vật sống dưới nước ngọt thuộc ngành Giun đốt, có đặc trưng cơ thể phân đốt và hô hấp bằng mang. Thân chúng mềm, nhầy, di chuyển linh hoạt trong nước. Thức ăn chính của đỉa là máu động vật, chúng dùng giác hút để châm và tiết chất chống đông máu, khiến vết chích chảy máu liên tục.
Để phòng tránh đỉa, khi làm việc ở khu vực nước đọng hoặc bùn lầy, cần mặc quần áo bảo hộ dày, che kín cơ thể. Đặc biệt, vào mùa hè khi đi bơi lội ở sông suối, tuyệt đối không uống nước tại các khe, suối để tránh đỉa chui vào ký sinh.
Nếu nghi ngờ bị đỉa chui vào cơ thể, hãy đến cơ sở y tế ngay lập tức. Tránh tự ý dùng vật cứng hoặc hóa chất lấy ra vì có thể gây vỡ đỉa, nhiễm trùng hoặc để lại dị vật.