Người dân tham gia giao thông ở bất kỳ đâu đều phải có trách nhiệm bảo đảm an toàn

Theo thống kê từ Cục Cảnh sát giao thông, thời gian qua, cả nước đã xảy ra không ít vụ tai nạn giao thông (TNGT) gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Đáng chú ý, tuyến đường xảy ra tai nạn tập trung nhiều trên các quốc lộ (chiếm tới 35%). Thời gian xảy ra tai nạn nhiều nhất trong khung giờ 18h-24h. Giải pháp nào để giảm TNGT trên các tuyến quốc lộ, là vấn đề được dư luận đặc biệt quan tâm. Phóng viên Báo CAND đã có cuộc trao đổi với ông Lê Kim Thành, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông quốc gia.

Ông Lê Kim Thành.

Ông Lê Kim Thành.

PV: Thưa ông, nhìn vào các vụ TNGT gần đây xảy ra trên các tuyến quốc lộ, cộng với thống kê từ phía Cục Cảnh sát giao thông, ông có cho rằng vấn đề trật tự an toàn giao thông (TTATGT) diễn ra trên các tuyến quốc lộ đang là áp lực đối với cơ quan chức năng? Theo ông, đâu là nguyên nhân của tình trạng trên?

Ông Lê Kim Thành: Trong những năm qua, tại Việt Nam, công tác bảo đảm TTATGT tiếp tục đạt được những kết quả quan trọng, TNGT hằng năm liên tục giảm ở cả ba tiêu chí về số vụ, số người chết, số người bị thương. Tình hình TTATGT quý I năm 2024 cơ bản được kiềm chế. Số người chết vì TNGT quý I năm 2024 tiếp tục được kiềm chế và kéo giảm so với cùng kỳ năm 2023 (giảm 484 người chết (-15,1%)), tuy nhiên, số vụ TNGT và số người bị thương vì TNGT lại có xu hướng tăng cao, cụ thể là tăng 1.194 vụ (+22,3%) và tăng 1.847 người bị thương (+54.3%). Theo thống kê TNGT hằng năm, tỷ lệ TNGT xảy ra trên các tuyến quốc lộ chiếm tỷ trọng lớn, tới khoảng 35% tổng số các vụ TNGT và có diễn biến phức tạp. Rõ ràng, đây là điểm trọng tâm cần rà soát, nhận diện để có giải pháp phù hợp. Từ đó, đòi hỏi chúng ta phải thực hiện đồng bộ, nhiều biện pháp để chủ động phòng ngừa, ngăn chặn và giảm thiểu tối đa thiệt hại do TNGT gây ra trên các tuyến quốc lộ.

Nguyên nhân thì có nhiều nhưng, nhưng theo tôi, tập trung vào một số nguyên nhân cơ bản như: Ý thức tự giác chấp hành các quy định về TTATGT của người điều khiển phương tiện khi tham gia giao thông chưa tốt, là nguyên nhân trực tiếp, chiếm tới trên 70% các vụ tai nạn. Các tuyến quốc lộ của chúng ta có một đặc thù là thường đi qua trung tâm dân cư, trên tuyến có rất nhiều điểm, nhiều khu vực tập trung đông người (trường học, khu công nghiệp, chợ…), nhiều đường ngang kết nối, vô hình chung biến các tuyến quốc lộ thành các tuyến phố, phát sinh nhiều nhu cầu đi lại ngang qua đường với tốc độ cao. Giao thông hỗn hợp (phương tiện xe cơ giới, xe gắn máy và xe thô sơ) cùng lưu thông trên đường, trong khi công tác phân làn còn rất hạn chế. Tình trạng lấn chiếm hành lang ATGT đường bộ để sử dụng vào các mục đích khác vẫn diễn ra nhiều cũng là nguyên nhân gây mất ATGT.

Cơ sở hạ tầng quốc lộ mặc dù đã được đầu tư nhiều, duy tu bảo dưỡng thường xuyên nhưng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu, nhiều tuyến quốc lộ trọng điểm còn quá tải lưu lượng phương tiện, đặc biệt vào các khung giờ cao điểm, các ngày nghỉ, ngày lễ; công tác tổ chức giao thông tại một số tuyến, khu vực còn hạn chế; việc khắc phục điểm đen, điểm tiềm ẩn nguy cơ tai nạn đôi khi còn chậm. Cùng đó, hệ thống camera giám sát TTATGT đã được đầu tư nhưng chưa nhiều; công tác giám sát, phát hiện xử lý vi phạm về TTATGT của cơ quan chức năng chưa kiểm soát được trên tất cả các tuyến và toàn bộ thời gian trong ngày do hạn chế về lực lượng, về thiết bị.

Lực lượng CSGT phân luồng đảm bảo trật tự, an toàn trên các tuyến đường.

Lực lượng CSGT phân luồng đảm bảo trật tự, an toàn trên các tuyến đường.

PV: Tai nạn giao thông gây tử vong và thương tích nghiêm trọng tác động tới kinh tế - xã hội. Theo ông vai trò của địa phương trong vấn đề này thế nào?

Ông Lê Kim Thành: TNGT luôn là vấn đề mang tính toàn cầu, không riêng ở nước ta. Theo báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới, mỗi năm, TNGT cướp đi sinh mạng của gần 1,35 triệu người và làm cho hơn 50 triệu người khác lâm vào cảnh thương tật vĩnh viễn suốt đời. Những hậu quả của TNGT vẫn là sự mất mát không gì bù đắp được đối với nhiều cá nhân, gia đình và cả cộng đồng. TNGT hằng năm gây thiệt hại lớn về người và tài sản, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế đất nước, lấy số liệu ước tính do tai nạn gây ra cho nền kinh tế Việt Nam có thể tới 2% GDP. Việc chủ động phòng ngừa, giảm thiểu TNGT là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, từ các cấp tới mọi cơ quan, tổ chức và của mỗi công dân. Ở đây, rõ ràng, vai trò và trách nhiệm của địa phương là rất quan trọng. Kinh nghiệm đã chỉ ra ở đâu cấp ủy, chính quyền quan tâm chỉ đạo sâu sát thì tình hình TTATGT sẽ tốt, từ công tác tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành nghiêm quy định về TTATGT; công tác chỉ huy, chỉ đạo xây dựng các chủ trương chính sách, chương trình kế hoạch và tổ chức triển khai quyết liệt từ cơ sở phù hợp với đặc thù của địa phương là hết sức quan trọng; công tác quản lý hạ tầng giao thông, hoạt động vận tải, cưỡng chế, xử lý vi phạm từ cơ sở sẽ chủ động phòng ngừa, hạn chế thấp nhất TNGT xảy ra.

PV: Mới đây, tại hội nghị công bố báo cáo phân tích dữ liệu về ATGT tại TP Hồ Chí Minh, có thông tin cho rằng, TNGT chết người nhiều nhất thường rơi vào thứ Bảy, Chủ nhật ở QL1, QL50. Qua nghiên cứu, nhiều chuyên gia cho rằng, xác định được từng nhóm lỗi, nguyên nhân chính sẽ có giải pháp thực tế tương ứng nhằm giảm tối đa thiệt hại với người dân. Quan điểm của ông về vấn đề này thế nào, thưa ông?

Ông Lê Kim Thành: Như đã phân tích tình hình TNGT xảy ra nhiều ở tuyến quốc lộ trọng điểm, vào những ngày nghỉ, ngày lễ do lưu lượng phương tiện tăng cao, trên cơ sở thống kê TNGT, điều tra cơ bản tuyến địa bàn, lực lượng CSGT và chức năng địa phương đã xây dựng kế hoạch bố trí lực lượng hết sức cụ thể để chủ động giám sát, hướng dẫn điều hành giao thông, xử lý các trường hợp vi phạm để chủ động phòng ngừa tai nạn. Bên cạnh việc tự giác chấp hành quy định về TTATGT của người dân, trên cơ sở theo dõi phân tích các hành vi vi phạm và lỗi khi xảy ra TNGT thì cơ quan chức năng sẽ có các giải pháp để giải quyết phù hợp. Điển hình như việc thời gian qua lực lượng chức năng của Bộ Công an, liên ngành đã quyết liệt, tập trung xử lý các hành vi là nguyên nhân trực tiếp gây TNGT như vi phạm nồng độ cồn, vi phạm tốc độ, tránh vượt sai quy định, chở quá tải trọng…; cơ quan chức năng Bộ GTVT tăng cường xử lý điểm đen, điểm tiềm ẩn nguy cơ TNGT, siết chặt quản lý vận tải đường bộ đã góp phần hạn chế TNGT, giảm tối đã thiệt hại do TNGT gây ra.

PV: Thời gian qua, Bộ GTVT đã tập trung đầu tư cũng như đưa nhiều tuyến cao tốc vào hoạt động nhằm tạo thuận lợi hơn cho người dân trong quá trình lưu thông. Thế nhưng, không ít tài xế để né việc nộp phí đã đi vào quốc lộ, hoặc đường tránh. Điều này cũng đã góp phần gây ra các vụ tai nạn. Theo ông, cơ quan chức năng nên làm gì để ngăn chặn tình trạng này?

Ông Lê Kim Thành: Tôi cho rằng đó không phải là lý do để biện hộ cho TNGT trên quốc lộ. Tham gia giao thông trên cao tốc, trên quốc lộ hay ở đâu thì người tham gia giao thông và cơ quan chức năng cũng đều có trách nhiệm bảo đảm an toàn. Khi nhìn vào các vụ TNGT, có thể thấy nguyên nhân trực tiếp từ hành vi của người điều khiển phương tiện chiếm một tỷ trọng rất lớn. Tuy nhiên, nếu chỉ tiếp cận vấn đề ở mức độ người lái thì không giải quyết được hoàn toàn vấn đề mà phải xem xét các yếu tố sâu xa hơn. Chẳng hạn, ngoài lái xe cá nhân, vai trò của đơn vị kinh doanh vận tải có tác động rất lớn tới hành vi của người lái xe kinh doanh vận tải, đơn giản vì đơn vị kinh doanh vận tải là người quyết định thuê, giám sát, trả lương, khen thưởng, kỷ luật ... với người lao động trong đơn vị. Nếu lái xe vi phạm, lái ẩu gây TNGT thì ngoài việc xử lý trách nhiệm của lái xe, tôi cho rằng cần tiếp tục làm rõ trách nhiệm của đơn vị kinh doanh vận tải.

Chính vì vậy, Chỉ thị 10/CT-TTg ngày 19/4/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác bảo đảm TTATGT đường bộ trong tình hình mới đã yêu cầu rất rõ: Khi có vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng trên địa bàn, Chủ tịch UBND tỉnh trực tiếp chủ trì tổ chức hội nghị với các cơ quan, lực lượng chức năng đánh giá nguyên nhân trực tiếp và gián tiếp, triển khai các giải pháp khắc phục tồn tại, bất cập, đồng thời xem xét xử lý nghiêm trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan. Thực hiện nghiêm Chỉ thị 10 chắc chắn sẽ góp phần kéo giảm sâu TNGT trong thời gian tới.

PV: Bằng kinh nghiệm nhiều năm làm việc trong lĩnh vực đường bộ, theo ông, đâu là những giải pháp hữu hiệu để ngăn chặn tình trạng gia tăng tai nạn trên các tuyến quốc lộ nói chung và đường tỉnh lộ nói chung?

Ông Lê Kim Thành: Trước mắt cần tiếp tục rà soát, hoàn thiện tính năng an toàn của hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, kết hợp tuyên truyền, đồng thời tăng cường ứng dụng công nghệ để phát hiện giám sát, tăng cường xử phạt nguội các hành vi vi phạm. Phương án khả khi và hiệu quả là thêm các camera giám sát tự động và biển cảnh báo, tăng cường phạt nguội, đặc biệt đối với các hành vi vi phạm là nguyên nhân trực tiếp dẫn tới TNGT như: Vi phạm tốc độ; tránh vượt sai quy định; đi không đúng phần đường, làn đường, dừng đỗ, đón trả khách sai quy định... Về lâu dài chúng ta có thể thấy nguyên nhân dẫn tới TNGT trên quốc lộ là những bất cập trong quy hoạch sử dụng đất, đấu nối trực tiếp từ nhà dân, trường học, công trình xây dựng vào quốc lộ đã tạo nên rất nhiều giao cắt, xung đột dẫn tới tiềm ẩn nguy cơ cao dẫn tới TNGT. Bởi vậy về lâu dài phải tiếp tục hoàn thiện các quy định về quy hoạch, phân loại đường theo chức năng, đấu nối và kiểm soát đấu nối trên các quốc lộ, tách làn xe ôtô với làn xe hai bánh, xe thô sơ. Đây là những giải pháp hết sức quan trọng để bảo đảm ATGT trên quốc lộ.

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!

Phạm Huyền (thực hiện)

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/giao-thong/nguoi-dan-tham-gia-giao-thong-o-bat-ky-dau-deu-phai-co-trach-nhiem-bao-dam-an-toan-i730937/