Người dân thoát nghèo nhờ chính sách tín dụng

Các chính sách tín dụng được triển khai đồng bộ, hiệu quả tại Thừa Thiên Huế giúp người dân tiếp cận được nguồn vốn, vươn lên thoát nghèo.

Bà con dân tộc thiểu số huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế tươi cười khi mô hình trồng hoa phát triển mạnh khỏe, đạt năng suất tốt.

Bà con dân tộc thiểu số huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế tươi cười khi mô hình trồng hoa phát triển mạnh khỏe, đạt năng suất tốt.

Nguồn vốn tín dụng chuyển đúng và kịp thời đến hộ nghèo

Thời gian qua, Chi nhánh Ngân hàng chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh Thừa Thiên Huế đã phối hợp chặt chẽ với các tổ chức chính trị - xã hội tập trung đẩy mạnh các chương trình tín dụng, góp phần tích cực thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giảm nghèo bền vững.

Nhằm thực hiện có hiệu quả Chương trình giai đoạn 2021-2023, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã chỉ đạo chính quyền địa phương các cấp, các ban ngành liên quan phối hợp với NHCSXH tỉnh thực hiện rà soát nhu cầu vốn vay để đảm bảo 100% hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác có nhu cầu, đủ điều kiện trên toàn tỉnh được tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội để sản xuất kinh doanh và phục vụ nhu cầu thiết yếu của hộ gia đình.

 Người dân đến giao dịch tại Ngân hàng CSXH huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế.

Người dân đến giao dịch tại Ngân hàng CSXH huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế.

Qua đó, hoạt động tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế do NHCSXH thực hiện đã đạt được những kết quả tốt, quy mô tín dụng được mở rộng, chất lượng tín dụng được nâng lên và duy trì bền vững, đáp ứng nhu cầu vay vốn phát triển sản xuất kinh doanh, ổn định cuộc sống cho hộ nghèo.

Theo NHCSXH tỉnh Thừa Thiên Huế, tổng nguồn vốn tín dụng chính sách thông qua NHCSXH tỉnh đến 31/12/2023 là 4.383,4 tỷ đồng. Nguồn vốn tín dụng này đã được đơn vị chuyển tải đúng và kịp thời đến tận tay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác có nhu cầu vốn vay để đầu tư vào hoạt động sản xuất kinh doanh, sinh hoạt, học tập nhằm cải thiện và nâng cao đời sống vật chất và tinh thần, thực hiện tốt công tác giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh.

Cụ thể, tỉnh Thừa Thiên Huế đã và đang thực hiện 20 chương trình tín dụng chính sách với tổng dư nợ trên 4.375,4 tỷ đồng với trên 96.400 khách hàng còn dư nợ, trên 99% dư nợ hiện nay của NHCSXH được ủy thác qua 4 tổ chức chính trị - xã hội: Hội phụ nữ, Hội nông dân, Hội Cựu chiến binh và Đoàn thanh niên.

 Mô hình chăn nuôi gia cầm cho hộ nghèo của chị Hồ Thị Nôn ở huyện A Lưới được hỗ trợ từ nguồn vay tín dụng của NHCSXH.

Mô hình chăn nuôi gia cầm cho hộ nghèo của chị Hồ Thị Nôn ở huyện A Lưới được hỗ trợ từ nguồn vay tín dụng của NHCSXH.

Nguồn vốn tín dụng chính sách đến kịp thời với hộ nghèo thông qua mạng lưới hoạt động điểm giao dịch xã được đặt tại 141 xã, phường, thị trấn, với 2.330 Tổ tiết kiệm và vay vốn, hoạt động theo từng địa bàn thôn (bản), tổ dân phố. Qua đó, giúp người dân được tiếp cận vốn một cách thuận lợi với nhiều ưu đãi về phục vụ và tiếp cận các dịch vụ tiện ích về lãi suất cho vay, không phải thế chấp tài sản, thủ tục vay vốn đơn giản, hồ sơ cho vay được cấp miễn phí,...

Nguồn vốn tín dụng góp phần giảm nghèo bền vững

Thời gian qua, NHCSXH tỉnh Thừa Thiên Huế phối hợp với các ban ngành liên quan, các tổ chức Hội đoàn thể cấp huyện, xã triển khai thực hiện chính sách vay vốn trồng rừng, phát triển sản xuất, chăn nuôi, cho vay xây dựng công trình nước sạch, công trình vệ sinh môi trường nông thôn,... đến tận thôn, bản; kết hợp tuyên truyền về chính sách tín dụng ưu đãi.

Trong 3 năm (2021-2023), nguồn vốn tín dụng chính sách đã đáp ứng cho 117.241 lượt khách hàng được vay vốn với số tiền trên 5.178 tỷ đồng để đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, xây dựng nhà ở cho người nghèo, nhà ở xã hội, xây dựng các công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, đầu tư cho việc học tập của học sinh sinh viên,...

Nhờ nguồn vốn trên đã giúp cho 55.927 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo được vay vốn; 19.239 lao động được vay vốn tạo việc làm; 546 lao động được vay vốn đi lao động ở nước ngoài; 1.785 học sinh, sinh viên được vay vốn để học tập; 1.066 hộ nghèo được hỗ trợ vốn để xây dựng nhà ở; gần 57.000 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn được xây mới.

Bên cạnh đó, NHCSXH trên địa bàn tỉnh đã chủ động phối hợp với UBND và các tổ chức hội đoàn thể cấp xã trong việc thực hiện cho vay vốn tín dụng chính sách kết hợp với lồng ghép với các chương trình phát triển nông nghiệp nông thôn, ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, giáo dục, dạy nghề và tạo việc làm nhằm giúp cho người vay đầu tư vốn đúng mục đích và có hiệu quả, góp phần nâng cao thu nhập của người dân.

Thông qua nguồn vốn tín dụng chính sách từ NHCSXH và sự nỗ lực của người dân, đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 4,93% (đầu năm 2021) xuống còn 2,27% (cuối năm 2023) theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giai đoạn 2022-2025.

Đồng thời, đơn vị cũng thường xuyên phối hợp với các cơ quan đài, báo địa phương và trung ương tuyên truyền các mô hình sản xuất hiệu quả, điển hình nhằm nhân rộng để mọi người được biết, tham quan học tập nhằm đầu tư vốn vay đạt hiệu quả cao, góp phần giúp người nghèo sớm vươn lên thoát nghèo bền vững và làm giàu chính đáng.

Nhờ vay vốn đầu tư sản xuất kinh doanh, thu nhập của các hộ gia đình ngày càng được cải thiện và không ngừng nâng cao, nhiều hộ có thu nhập bình quân từ 5-10 triệu đồng/tháng, đặc biệt có hộ thu nhập từ 20-30 triệu/tháng, không những thanh toán được nợ vay mà còn có tích lũy để sửa chữa, xây dựng nhà mới và mua sắm các vật dụng thiết yếu gia đình.

Có mặt tại nhà chị Hồ Thị Lan Anh (SN 1993, trú Tổ 4, phường Phú Bài, thị xã Hương Thủy), tiếp chuyện chúng tôi, chị Lan Anh cho biết, trước đây cái nghèo khó cứ dai dẳng bám lấy gia đình chị, làm nhiều việc nhưng vẫn vất vả.

Sau khi được NHCSXH thị xã Hương Thủy hỗ trợ cho vay nguồn vốn 50 triệu đồng của chương trình cho vay hộ nghèo năm 2020, chị cùng chồng tập trung xây dựng kinh doanh buôn bán phụ tùng xe máy, máy móc công – nông nghiệp tại nhà. Chỉ sau 3 năm, công việc rất thuận lợi, chị cũng đã trả đầy đủ số tiền vay và tích lũy được một số vốn để trang trải cuộc sống.

 Quán sửa xe cũ của vợ chồng anh Hải, chị Lan Anh tại Tổ 4, phường Phú Bài.

Quán sửa xe cũ của vợ chồng anh Hải, chị Lan Anh tại Tổ 4, phường Phú Bài.

 Sau khi được hỗ trợ vay vốn, anh Hải chị Lan Anh đã mở rộng và nâng cấp cho cửa hàng để kinh doanh.

Sau khi được hỗ trợ vay vốn, anh Hải chị Lan Anh đã mở rộng và nâng cấp cho cửa hàng để kinh doanh.

“Công việc đang mang lại hiệu quả tốt, năm 2023, tôi tiếp tục đề nghị Tổ tư vấn và tiết kiệm vay thêm 50 triệu từ chương trình cho vay Hộ mới thoát nghèo để mở rộng kinh doanh, mua thêm hàng hóa và thuê công nhân. Đến nay, việc kinh doanh mỗi tháng thu nhập của chúng tôi đều trên 50 triệu đồng, sau khi trừ các chi phí, lợi nhuận thu về khoảng 20 triệu/tháng.

Giờ gia đình tôi cũng đã xây dựng được nhà cửa và đủ kinh phí nuôi 2 con ăn học, dự kiến thời gian tới tôi sẽ tiếp tục đề nghị vay thêm khoảng 100 triệu đồng từ chương trình Hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng để mở rộng mô hình, phát triển thị trường kinh doanh”, chị Lan Anh chia sẻ.

 Không những thoát nghèo, gia đình chị Lan Anh còn tạo công ăn việc làm cho các lao động tự do khác với mức thu nhập khoảng 9 triệu đồng/tháng.

Không những thoát nghèo, gia đình chị Lan Anh còn tạo công ăn việc làm cho các lao động tự do khác với mức thu nhập khoảng 9 triệu đồng/tháng.

Không chỉ có vùng đồng bằng mà ở vùng miền núi, các chính sách hỗ trợ tín dụng cũng luôn được chú trọng nhằm tạo điều kiện cho bà con tiếp cận được nguồn vốn, vươn lên thoát nghèo.

Vui mừng và phấn khởi vì được vay 50 triệu đồng từ nguồn vốn cho vay hỗ trợ đất sản xuất, chuyển đổi nghề của NHCSXH huyện A Lưới, chị Lữ Thị Sum (trú tại xã Phú Vinh, huyện A Lưới) cho biết, gia đình chị thuộc diện hộ nghèo, cuộc sống rất vất vả, làm bao nhiêu cũng không đủ trang trải. Sau khi được tiếp cận nguồn vốn, chị đã đầu tư vào trồng cây phát triển 1ha rừng.

“Vừa trồng rừng phát triển dài hạn nhưng cũng cần tiền để trang trải ngắn hạn, tôi mua thêm 2 cặp dê để chăn nuôi và được Hội nông dân xã cùng các cơ quan, ban ngành tạo điều kiện để học lớp kiến thức về chăn nuôi, giúp đàn dê phát triển mạnh khỏe và đạt được năng suất cao.

 Mô hình chăn nuôi lợn, dê của người dân huyện A Lưới được hỗ trợ từ nguồn tín dụng chính sách của NHCSXH giúp bà con vươn lên thoát nghèo bền vững.

Mô hình chăn nuôi lợn, dê của người dân huyện A Lưới được hỗ trợ từ nguồn tín dụng chính sách của NHCSXH giúp bà con vươn lên thoát nghèo bền vững.

Đến nay, đàn dê của tôi đã có 15 con, vừa tạo ra công việc và tạo ra thu nhập giúp cuộc sống của gia đình tôi được ổn định hơn”, chị Sum chia sẻ.

Có thể thấy rằng, thông qua các chương trình tín dụng chính sách xã hội đã góp phần trong công tác giảm nghèo, tạo việc làm và ổn định xã hội trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế, thực sự là công cụ phục vụ đắc lực của Đảng bộ và chính quyền các cấp trong việc thực hiện có hiệu quả Chương trình MTQG về giảm nghèo bền vững trong giai đoạn hiện nay.

Hoàng Hải

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/nguoi-dan-thoat-ngheo-nho-chinh-sach-tin-dung-post691171.html