Người dân TP HCM không nên lo lắng nhưng cũng không chủ quan trước cúm mùa
Trước dịch bệnh cúm mùa, Sở Y tế TP HCM khuyến cáo người dân không nên hoang mang, lo lắng, nhưng không lơ là, chủ quan. Hiện tại, thành phố chưa ghi nhận bất thường trong tiếp nhận và điều trị bệnh nhân cúm.
Tình hình bệnh cúm mùa trên thế giới và Việt Nam
Tại Nhật Bản, theo phân tích mới nhất của Bộ Y tế về dữ liệu thu thập được từ 5.000 phòng khám cho thấy từ ngày 23 đến 29/12, đã có 317.812 người được chẩn đoán mắc bệnh cúm, cao nhất trong lịch sử theo dõi từ năm 1999. Từ ngày 2/9/2024 – 26/1/2025, Nhật Bản báo cáo khoảng 9,5 triệu ca cúm mùa, chủ yếu do cúm A gây ra, nhưng nguy cơ cúm B bùng phát vẫn tồn tại. Các thành phố Tokyo, Hokkaido, Osaka và Fukuoka là các khu vực bị ảnh hưởng nhất của đợt bùng phát dịch cúm mùa hiện tại.
Ngày 7/1/2025, WHO cũng thông báo rằng tỷ lệ mắc bệnh viêm hô hấp cấp đang tăng cao, tuy nhiên chưa phát hiện tác nhân gây bệnh mới và chưa ban hành cảnh báo quốc tế. Theo đó, các tác nhân gây bệnh hô hấp được đề cập gồm vi rút cúm mùa, RSV và các vi rút phổ biến khác như hMPV, mycoplasma pneumoniae.
Theo Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ (CDC Hoa Kỳ) cho biết hoạt động của bệnh cúm theo mùa vẫn ở mức cao và tiếp tục gia tăng trên khắp cả nước. Phần lớn các trường hợp ở Hoa Kỳ là do cúm A, chủ yếu là các chủng H3N2 và H1N1. Cúm A có xu hướng nghiêm trọng hơn ở người lớn và tấn công sớm hơn cúm B, nhưng cúm B có thể bùng phát vào cuối mùa.
Cúm theo mùa là một bệnh đường hô hấp phổ biến và dễ lây lan. Tại Hoa Kỳ, hoạt động của cúm có xu hướng đạt đỉnh vào khoảng tháng 12 đến tháng 2. Tuy nhiên, các chuyên gia cho biết mùa cúm 2024-2025 bắt đầu muộn và vẫn chưa đạt đỉnh.
Nhìn chung, bệnh viêm hô hấp cấp trên thế giới tăng theo mùa, chưa phát hiện tác nhân gây bệnh mới và WHO chưa có cảnh báo gì về tình hình này.
Năm 2024, theo thống kê của Bộ Y tế, Việt Nam ghi nhận 289.876 ca cúm mùa, 8 ca tử vong. Số ca nhiễm giảm 17,9% so với năm 2023 (353.108 ca), nhưng số tử vong tăng 5 trường hợp. Chuyên gia khuyến cáo, những người có bệnh nền, cao tuổi, người có hệ miễn dịch suy giảm cần đặc biệt cẩn trọng khi nhiễm cúm.
Tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (Hà Nội) đang điều trị cho 8 bệnh nhân mắc cúm. Một trong số 8 bệnh nhân đang phải đặt ECMO.
Người dân không hoang mang nhưng cũng không chủ quan trước dịch cúm
Tại TP HCM, theo thống kê, báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP (HCDC) và các bệnh viện chuyên khoa nhi, nhiễm, đến thời điểm hiện tại thành phố chưa phát hiện bất thường trong công tác tiếp nhận, điều trị bệnh nhân cúm.
Số ca viêm hô hấp ghi nhận quanh năm, có xu hướng tăng vào các tháng cuối năm, nhưng đã giảm trong 5 tuần đầu năm.
Trước diễn biến của dịch bệnh cúm mùa và thời tiết thuận lợi để các tác nhân gây bệnh qua đường hô hấp lây lan, Sở Y tế TP HCM đã đề nghị các cơ sở khám chữa bệnh tiếp tục khuyến cáo người dân đến khám, điều trị, liên hệ công tác tại cơ sở y tế phải thực hiện nghiêm việc đeo khẩu trang trong khuôn viên cơ sở y tế. Đồng thời tiếp tục tăng cường công tác phòng, chống cúm gia cầm lây sang người.
Bên cạnh đó, Sở Y tế đã chỉ đạo các đơn vị y tế phối hợp chặt chẽ trong công tác giám sát các trường hợp cúm, nghi ngờ viêm phổi nặng do vi rút (SVP) trên địa bàn. Báo cáo kịp thời ca bệnh hoặc nghi bệnh và tăng cường các hoạt động thông tin, truyền thông, thông điệp để người dân chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh hiệu quả.
Để chủ động phòng chống cúm mùa, người dân thực hiện tốt các nội dung sau: Che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi, tốt nhất che bằng khăn vải hoặc khăn tay hoặc khăn giấy dùng một lần hoặc ống tay áo để làm giảm phát tán các dịch tiết đường hô hấp; Đeo khẩu trang tại nơi tập trung đông người, trên các phương tiện giao thông công cộng; thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn tay (nhất là sau khi ho, hắt hơi);
Không khạc nhổ bừa bãi nơi công cộng; Hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh cúm hoặc các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh khi không cần thiết; Tiêm vaccine cúm mùa phòng bệnh; Thực hiện lối sống lành mạnh; ăn thức ăn đủ chất dinh dưỡng để ngăn ngừa nhiễm virus cúm; tăng cường vận động thể lực, nâng cao sức khỏe.
Người dân cần lưu ý khi có triệu chứng ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi, không tự ý làm xét nghiệm và mua thuốc điều trị tại nhà mà cần liên hệ với cơ sở y tế để được tư vấn, khám và xử trí kịp thời.