Người dân TP.HCM nồng nhiệt chào đón các khối diễu binh, diễu hành

Buổi lễ tổng duyệt diễu binh, diễu hành cấp Nhà nước kỷ niệm 50 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước đã kết thúc vào lúc 9h sáng 27/4, tại TP.HCM, sau đó, từng khối diễu hành tỏa ra các hướng trong sự chào đón nồng nhiệt của nhân dân.

Dự tổng duyệt có ông Trần Cẩm Tú - Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương Kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước; ông Nguyễn Trọng Nghĩa - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương; ông Nguyễn Văn Nên - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương; Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; ông Mai Văn Chính, Phó Thủ tướng Chính phủ và lãnh đạo địa phương, ban ngành khác.

Khu vực làm lễ tổng duyệt chương trình kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước

Khu vực làm lễ tổng duyệt chương trình kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước

Điều hành chương trình là ông Nguyễn Văn Hùng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Sau chương trình văn nghệ 30 phút, các đại biểu chào cờ trong tiếng đại bác vang rền trên nền quốc thiều.

Sau đó, ông Nguyễn Văn Hùng giới thiệu các đại biểu trong nước và quốc tế tham dự. Theo kịch bản, sau khi Tổng Bí thư đọc diễn văn (không diễn ra trong buổi tổng duyệt), đại diện cựu chiến binh và thế hệ trẻ có bài phát biểu. Sau khi điều chỉnh để khớp với chương trình trực tiếp vào ngày 30/4, đúng 8h7 phút, tiếng động cơ máy bay trực thăng mang theo cờ Đảng, cờ Tổ quốc cùng tiếng tiêm kích rền vang mở đầu màn được người dân chờ đợi nhất là diễu binh, diễu hành.

Các tiết mục văn nghệ mở màn lễ tổng duyệt

Các tiết mục văn nghệ mở màn lễ tổng duyệt

Từng khối đội hình tiếng qua lễ đài một cách trang nghiêm, trong sự chào đón của các lãnh đạo, tiếng hò reo cổ vũ của người dân và quan khách. Nhiều sự chú ý dành cho 3 đoàn diễu binh đến từ Trung Quốc, Lào và Campuchia.

Buổi lễ tổng duyệt kết thúc vào lúc 9h sáng, sau đó, từng khối diễu binh, diễu hành tỏa ra các hướng trong sự chào đón nồng nhiệt của nhân dân.

Trước đó từ sáng sớm, nhiều người dân đã đi từ 1-2h sáng, thậm chí có người ở lại ngay trung tâm nơi các đoàn diễu binh, diễu hành đi qua để kiếm được chỗ ngồi chờ.

Rất đông người dân đi từ 1-2 giờ sáng để tìm được chỗ thuận tiện nhìn đoàn diễu binh, diễu hành đi qua.

Rất đông người dân đi từ 1-2 giờ sáng để tìm được chỗ thuận tiện nhìn đoàn diễu binh, diễu hành đi qua.

Như Quỳnh, sinh viên Đại học Công nghiệp TP.HCM cho biết, Quỳnh đi từ 1h30 phút sáng để ra gần khu vực bến Bạch Đằng. Đây là lần đầu tiên Quỳnh tham gia vì những ngày trước bạn đều đi làm. Dù phải thức xuyên đêm nhưng khi được tận mắt nhìn thấy các đoàn diễu binh, diễu hành, Như Quỳnh không giấu nổi niềm tự hào: "Em vui lắm vì không khí hôm nay, cảm thấy tự hào, lúc nhìn thấy mấy chú bộ đội, em nổi cả da gà. Khoảnh khắc máy bay bay trên bầu trời, nước mắt của em muốn rơi. Điều này tạo cho em động lực mình phải cố gắng hơn”.

Bà Nguyễn Thị Nhàn từ Đồng Nai cũng đi từ nhà 12h sáng lên TP.HCM để xem lễ tổng duyệt. Hôm nay, bà mặc chiếc áo cờ đỏ, sao vàng, ngồi trên lề đường của trục đường Lê Lợi – Pasteur cùng với rất nhiều bạn trẻ khác: "Chúng tôi rất háo hức, mặc dù cũng có kế hoạch 30/4 tới cũng đi nhưng hôm nay vẫn đi. Lứa tuổi của chúng tôi hiểu được sự hy sinh của những bậc đi trước, mình cũng tuyên truyền giáo dục cho các con cháu của mình cũng có lòng yêu nước, cảm thấy rất vui".

Người dân chờ đoàn diễn binh, diễu hành đi qua.

Người dân chờ đoàn diễn binh, diễu hành đi qua.

Có những người dân từ rất xa đến TP.HCM để được xem ngày lễ lớn. Bà Vũ Thị Vinh (70 tuổi) – cựu chiến binh một lực lượng hậu cần đến từ Hà Nội chia sẻ, từ hơn một tháng trước, vợ chồng bà đã vào TP.HCM và có kế hoạch xem diễu binh, diễu hành. Tới trước ngày tổng duyệt hai vợ chồng bà dẫn theo cháu nội thuê phòng ở khách sạn Diamond Plaza (đường Lê Duẩn, Quận 1) vì lo ngại người ngoài sẽ không được vào xem. Tới rạng sáng ngày 27/4, vợ chồng bà thức dậy từ 4 giờ sáng để lấy chỗ.

"Tôi háo hức đi xem, bởi lẽ tôi vẫn còn nhớ lại cảm nhận lúc giải phóng Sài Gòn đang là sinh viên. Tôi ở đứng ở dưới cái loa của của trường, tất cả đang học ở hội trường nhà lá. Nghe tin giải phóng Sài Gòn, tất cả đứng dưới quanh loa, phát thanh viên đọc tin chiến thắng, cứ ùa nhau ôm nhau mà vui sướng. Bây giờ vẫn còn nhớ cảm xúc đó, cho nên hôm nay đi xem diễu hành để nhớ lại những cảm xúc đấy, háo hức chứng kiến lại xem cách đây 50 năm thì cảm giác ấy như thế nào".

Bà Thảo (hàng trên cùng, thứ 2 bên trái qua) chụp hình cùng bạn bè và các bạn trẻ trên đường Lê Lợi (Quận 1).

Bà Thảo (hàng trên cùng, thứ 2 bên trái qua) chụp hình cùng bạn bè và các bạn trẻ trên đường Lê Lợi (Quận 1).

Dịp này, nhiều du khách quốc tế có dịp đến Việt Nam cũng không khỏi bất ngờ bởi sự chào đón nồng nhiệt của nhiều người dân. Sam Collins du khách đến từ Anh cho biết, sáng nay anh và bạn đi bộ một quãng đường khá xa để về khách sạn. Dù anh chỉ có một thời gian ngắn ở TP.HCM nhưng đi ngoài đường những ngày này, anh cảm thấy không khí rất tuyệt vời mà người dân mang lại: "Dù chỉ vài tiếng ở đây nhưng tôi biết, tôi biết đây là dịp mọi người kỷ niệm ngày thống nhất đất nước. Chúng tôi đã có khoảng thời gian ý nghĩa ở đây. Và tôi hy vọng đất nước của các bạn sẽ phát triển và tốt đẹp hơn nữa".

Trước tình cảm của nhân dân dành cho lực lượng bộ đội cụ Hồ, các cán bộ chiến sĩ không giấu nổi niềm hạnh phúc, xúc động. Chị Lê Thị Yến - Đại đội Diễu binh 2 - Khối Nữ dân quân miền Bắc cho hay, mặc dù phải dậy sớm từ 1h sáng để di chuyển và tập dượt, nhưng khi đến nơi, chị và đồng đội nhìn thấy người dân đón bộ đội từ trên đường đi xuống điểm tập kết, tất cả mọi người dường như quên hết những mệt mỏi hay buồn ngủ mà chỉ cảm thấy vinh dự, tự hào.

Người dân chụp hình cùng chiến sĩ sau khi hoàn thành nhiệm vụ.

Người dân chụp hình cùng chiến sĩ sau khi hoàn thành nhiệm vụ.

Chị Yến chia sẻ thêm, tình cảm của nhân dân TP.HCM chính là nguồn động lực to lớn để các chiến sĩ vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, nỗ lực hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao: "Sau mỗi lần tập luyện rồi sơ duyệt, tổng duyệt thì cảm xúc ngày càng dâng trào, khi mà mình tiếp xúc với lại bà con, đi giữa một biển người, cảm giác tự hào, vinh dự, hạnh phúc lắm, như vỡ òa, cảm giác không mệt mỏi, quên hết bao nhiêu khó khăn vất vả trong giai đoạn luyện tập. Lúc mình đi hòa giữa lòng dân cảm thấy một tinh thần yêu nước mãnh liệt".

Nhóm PV/VOV-TP.HCM

Nguồn VOV: https://vov.vn/chinh-tri/nguoi-dan-tphcm-nong-nhiet-chao-don-cac-khoi-dieu-binh-dieu-hanh-post1195257.vov