'Vang mãi khúc khải hoàn' - khúc tráng ca tự hào về hòa bình, độc lập, thống nhất đất nước
Nhân kỷ niệm 50 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025), tối 27/4, Đài Truyền hình Việt Nam, dưới sự chỉ đạo của Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương, tổ chức chương trình cầu truyền hình chính luận nghệ thuật với chủ đề 'Vang mãi khúc khải hoàn' tại 3 điểm cầu: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và tỉnh Quảng Trị.

Chủ tịch nước Lương Cường với các đại biểu dự chương trình cầu truyền hình chính luận nghệ thuật với chủ đề “Vang mãi khúc khải hoàn” tại điểm cầu TP Hồ Chí Minh. Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN
Dự điểm cầu TP Hồ Chí Minh có Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Lương Cường; Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trần Cẩm Tú; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Nguyễn Duy Ngọc; Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Đại tướng Phan Văn Giang; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Mai Văn Chính; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh.
Tại điểm cầu Hà Nội có sự tham dự của các Ủy viên Bộ Chính trị: Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng, Bí thư Thành ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài; các Ủy viên T.Ư Đảng: Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải...

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và các đại biểu dự tại điểm cầu Hà Nội. Ảnh: Ngọc Tú

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thăm hỏi các cựu chiến binh, thanh niên xung phong. Ảnh: Ngọc Tú
Dự điểm cầu Quảng Trị có Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến; Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam Thượng tướng Trịnh Văn Quyết; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định.
Tham dự 3 điểm cầu còn có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, các đồng chí lãnh đạo ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương và một số tỉnh, TP trực thuộc Trung ương; các đồng chí lão thành cách mạng, các bà mẹ Việt Nam anh hùng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động, cựu chiến binh, cựu công an nhân dân, cựu thanh niên xung phong, dân quân tự vệ, nhân chứng lịch sử…

Chương trình nghệ thuật rực rỡ cờ đỏ sao vàng tại điểm cầu Hà Nội. Ảnh: Ngọc Tú
Chương trình "Vang mãi khúc khải hoàn" nhằm khắc họa khát vọng hòa bình, ý chí độc lập, tự cường của dân tộc Việt Nam; đồng thời gửi gắm thông điệp về niềm tự hào trước sự phát triển mạnh mẽ, thịnh vượng của đất nước hôm nay.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính lên sân khấu cùng các đại biểu quốc tế biểu diễn tại chương trình. Ảnh: Ngọc Tú
3 điểm cầu được tổ chức tại các địa danh lịch sử ý nghĩa, có sự kết nối giữa quá khứ và hiện tại: Công viên Thống Nhất (Hà Nội), phía Bắc Cột cờ Hiền Lương (Quảng Trị) và Công viên bờ sông Sài Gòn (TP Hồ Chí Minh).

Điểm cầu Hà Nội được tổ chức tại Công viên Thống Nhất. Ảnh: Ngọc Tú
Công viên Thống Nhất khánh thành năm 1961, là biểu tượng lịch sử của khát vọng hòa bình, Bắc Nam sum họp. Di tích quốc gia đặc biệt Khu vực Đôi bờ Hiền Lương- Bến Hải là biểu tượng cho ý chí và khát vọng giành độc lập, tự do của dân tộc Việt Nam thiết tha yêu hòa bình. Công viên Bờ sông Sài Gòn là sự kết nối giữa truyền thống và hiện đại, thể hiện sức sống của một thành phố anh hùng, năng động, sáng tạo.

Đông đảo người dân dự chương trình tại công viên Bờ sông Sài Gòn.
Chương trình gồm 3 phần: “Khát vọng hòa bình”, “Ý chí độc lập thống nhất” và “Ta tự hào đi lên, ôi Việt Nam!”, đan xen giữa các thước phim tư liệu lịch sử, phóng sự chuyên đề, các tiết mục nghệ thuật đặc sắc, ứng dụng công nghệ trình chiếu hiện đại như 3D mapping, thực cảnh, hoạt cảnh sân khấu.

Chương trình nghệ thuật hoành tráng tại điểm cầu TP Hồ Chí Minh.
Chương trình mở đầu với thông điệp về Khát vọng hòa bình. Đó là những thước phim tư liệu quý giá tái hiện bối cảnh lịch sử đau thương nhưng kiên cường, khi cả dân tộc buộc phải cầm súng để bảo vệ độc lập. Các tiết mục nghệ thuật đậm chất sử thi, từ những làn điệu dân ca đến hòa tấu đương đại, khắc họa sâu sắc ý chí bất khuất của dân tộc. Chương 2: "Ý chí độc lập thống nhất" khắc họa những dấu mốc lịch sử quan trọng như Tết Mậu Thân 1968, Hiệp định Paris 1973 và thời khắc lịch sử 30/4/1975 qua các phóng sự và trình diễn nghệ thuật kết hợp công nghệ cao. Chương 3: "Ta tự hào đi lên, ôi Việt Nam!" tôn vinh những thành tựu phát triển đất nước hôm nay, khơi dậy niềm tự hào dân tộc và ý chí vươn lên trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Sân khấu đêm nhạc đầy màu sắc tại điểm cầu TP Hồ Chí Minh
Cầu truyền hình có sự tham gia của hơn 1.200 nghệ sĩ, diễn viên, khách mời, lực lượng vũ trang và nhân dân, với sự góp mặt của nhiều nghệ sĩ nổi tiếng như NSND Tạ Minh Tâm, NSƯT Hồng Liên, NSƯT Quỳnh Hương, NSƯT Hoàng Tùng, NSƯT Phạm Thế Vĩ, Tùng Dương, Phạm Thu Hà, Khánh Linh...
Điểm nhấn của chương trình là MV "Con đường ta chọn" quy tụ 50 gương mặt tiêu biểu của nhiều lĩnh vực; tiết mục "Quê hương Việt Nam" với sự tham gia của các đại sứ, phu nhân, phu quân các nước, sinh viên, học sinh và 20 Hoa hậu, Á hậu trong tà áo dài truyền thống Việt Nam.

Một tiết mục nghệ thuật đậm chất sử thi, từ những làn điệu dân ca đến hòa tấu đương đại, khắc họa sâu sắc ý chí bất khuất của dân tộc.

Tiết mục Imagine (The Beatles) tại đầu cầu TP Hồ Chí Minh.
Đặc biệt, tại điểm cầu TP Hồ Chí Minh diễn ra cuộc gặp gỡ xúc động giữa cựu binh Mỹ Adolph Novello và gia đình liệt sĩ Kha Văn Việt - người hy sinh tại chiến trường Quảng Trị năm 1967. Ông Novello đã lưu giữ các kỷ vật liên quan suốt hơn 50 năm và chính thức trao lại cho thân nhân liệt sĩ, như một cử chỉ biểu tượng cho sự thấu hiểu, hòa giải và hướng tới tương lai.

Trong những năm tháng ác liệt ấy, cả một thế hệ thanh niên, học sinh và sinh viên miền Bắc đã "xếp bút nghiên lên đường ra trận".

Tái hiện khúc khải hoàn mừng 50 năm thống nhất: "Sài Gòn ơi ta đã về đây, ta đã về đây".

Tiết mục "Giải phóng miền Nam" tại đầu cầu TP Hồ Chí Minh.

Những con đường, những hành trình in trong trái tim anh hùng được tái hiện sống động.

Các tiết mục nghệ thuật trong chương trình “Vang mãi khúc khải hoàn” tại TP Hồ Chí Minh khiến người xem xúc động, tự hào.
Chương trình "Vang mãi khúc khải hoàn" đã để lại nhiều cảm xúc sâu sắc trong lòng khán giả, khơi dậy lòng biết ơn đối với những thế hệ cha anh đã hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, đồng thời tiếp thêm động lực để thế hệ hôm nay tiếp nối truyền thống, vững bước xây dựng đất nước Việt Nam giàu mạnh, văn minh.