Người dân vùng biển Bình Thuận vất vả mưu sinh trong đại dịch

Để mưu sinh trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội phòng, chống dịch Covid-19, nhiều người dân vùng biển ở huyện Tuy Phong đã tìm đến các công việc khác như: câu cá đuối, cào chằn chằn, mỗi ngày cho thu nhập từ 300.000 – 400.000 đồng.

Trong những ngày này, dọc bờ biển từ thị trấn Phan Rí Cửa đến xã Bình Thạnh của huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận, thỉnh thoảng lại bắt gặp từng nhóm 4 người đi cào chằn chằn.

Theo người dân vùng biển, chằn chằn xuất hiện vào đầu mùa mưa, kéo dài đến khoảng tháng 11. Chằn chằn tựa như nghêu, con to nhất chỉ bằng đầu ngón tay út. Người vùng biển không phải ai cũng biết chằn chằn bởi nó sống theo con nước. Nước biển rút đến đâu chằn chằn theo đến đó. Vì thế, cào chằn chằn giống như cào nghêu, cứ phải dầm người dưới nước.

Bạch tuộc - mồi để câu cá đuối

Bạch tuộc - mồi để câu cá đuối

Mấy năm gần đây, chằn chằn thường xuất hiện ở vùng biển Hàm Thuận Nam, vùng biển La Gi, còn năm nay, chằn chằn có nhiều ở vùng biển Tuy Phong, nhưng không phải đoạn bờ biển nào cũng có.

Anh Trần Văn Ly, ngụ thị trấn Phan Rí Cửa, huyện Tuy Phong, đang tạm nghỉ trên bờ cho biết, muốn bắt được nhiều chằn chằn thì phải đi lúc rạng sáng. Và để có khoảng 50 kg chằn chằn phải phơi mình, ngâm dưới nước gần 3 tiếng đồng hồ.

“Mình cào tùy theo con nước. Từ lúc 6h tới giờ, khoảng hơn 2 giờ, giá từ 3.000 -3.500 đồng/kg. Bao này tầm 50 - 60kg, mang về cho tôm ăn”, anh Ly nói.

Những chiếc cần câu cá đuối được cắm sâu xuống bãi cát.

Những chiếc cần câu cá đuối được cắm sâu xuống bãi cát.

Do địa phương đang áp dụng Chỉ thị 15 nên nhiều người dân cũng ý thức chia bờ biển để cào theo từng nhóm nhỏ. Trong khi cào vẫn giữ khoảng cách và nhắc nhở nhau đeo khẩu trang suốt quá trình làm việc. Kết thúc chuyến cào sẽ chở thẳng đến các vựa tôm để bán. Mỗi ngày một nhóm đi cào thu hoạch được từ 300.000 – 400.000 đồng.

Cách đó không xa, tại khu vực Gành Rái (xã Chí Công) nằm kề tuyến đường ven biển nối Phan Rí Cửa với Liên Hương, các “cần thủ” câu cá đuối đang tránh nắng trong lều tạm để quan sát những chiếc cần của mình.

Găm mồi chuẩn bị thả câu cá đuối.

Găm mồi chuẩn bị thả câu cá đuối.

Anh Nguyễn Đà Lạt, ngụ xã Chí Công, huyện Tuy Phong cho biết, trước đây, anh chủ yếu câu cá đục, cá hanh… tại bãi đá con ở ngoài chùa Cổ Thạch, nhưng vào đầu mùa cá Nam, khu vực này con nước lớn, sóng to, xuất hiện nhiều cá đuối nên tới đây câu. Gọi là câu nhưng thực chất là găm mồi, cắm xuống một chục cần, khoảng 2 tiếng ra thăm 1 lần, cần nào hết mồi thì găm lại, còn cần nào dính cá là biết ngay.

“Bạn rủ, rồi hai đứa đi chung, cái cần này mua 450.000 đồng/cây. Có bữa câu được 2 -3 con, câu được liên tục 2, 3 ngày rồi ngưng cả tháng. Mùa Nam mình câu trong này, ở Gành Rái này, còn mùa Bắc ở đây êm như hồ vậy, không có cá. Còn mùa Bắc mình về lại Liên Hương câu”, anh Lạt cho hay.

Cào chằn chằn tại vùng biển Tuy Phong

Cào chằn chằn tại vùng biển Tuy Phong

Mỗi con cá đuối cân nặng khoảng 5-6kg/con, anh Đạt bán với giá 110.000 đồng/kg. Thỉnh thoảng cũng dính cá bốp, nhưng có ngày cũng chẳng có con nào. Trước đây ít người câu, nhưng từ khi dịch Covid-19 lần thứ 4 bùng phát, số người tìm đến đây đông hơn.

Những người như anh Đạt, anh Ly là các bạn thuyền của chủ tàu ở La Gi, Phan Thiết. Từ lúc Bình Thuận thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch Covid-19, họ phải tạm dừng vươn khơi, bám biển. Thay vào đó là những công việc kiếm sống hàng ngày tại vùng biển quê nhà.

Mỗi người với chiếc cào rộng bản, nối với một túi bằng lưới dài để cào chằn chằn

Mỗi người với chiếc cào rộng bản, nối với một túi bằng lưới dài để cào chằn chằn

Hình ảnh ngư dân ngâm mình dưới nước để cào chằn chằn, hay oằn mình dưới nắng nóng để câu cá đuối đã tạo nên bức tranh đầy cảm xúc về cuộc sống mưu sinh vất vả của người dân vùng biển Tuy Phong, Bình Thuận trong những ngày địa phương đang thực hiện giãn cách./.

Đoàn Sĩ/VOV-TPHCM

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/nguoi-dan-vung-bien-binh-thuan-vat-va-muu-sinh-trong-dai-dich-887877.vov