Người dân vùng biển tăng thu nhập từ chế biến cá khô
Là một trong những làng nghề truyền thống có từ lâu đời, làng nghề phơi cá khô ở thị trấn Vàm Láng, huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang thu hút 38% trên tổng số 1.338 hộ dân trong khu vực làm nghề chế biến thủy sản, góp phần giải quyết việc làm thường xuyên cho 500 lao động cùng thu nhập trung bình từ 6-7 triệu đồng/tháng/người.
Với nghề chế biến cá khô Vàm Láng, mỗi năm sử dụng 5.000 tấn cá các loại, trị giá trên 50 tỷ đồng, cung cấp cho thị trường 1.500 tấn khô cá mối, cá lưỡi trâu, cá chỉ vàng, cá đổng, cá lù đù… Ngoài việc chế biến cá khô bán lẻ, nhiều hộ còn làm đầu mối thu gom để cung cấp cho các chủ vựa để bán ở thị trường Tp. Hồ Chí Minh cùng các tỉnh lân cận.
Chị Trần Thị Thu, chủ cơ sở sản xuất, cung ứng hải sản, khô, ruốc nổi tiếng ở khu phố 2, thị trấn Vàm Láng chia sẻ, khu vực sản xuất cá khô của gia đình trung bình mỗi ngày có 26 nhân công tham gia các khâu xẻ cá, phơi khô với bình quân thu nhập từ 6 - 7 triệu đồng/người/tháng. Những lúc tàu đánh bắt được mùa thì thu nhập có thể tăng hơn vì lượng cá xẻ khô nhiều. Sản phẩm khô chủ yếu được tiêu thụ ở Tp. Hồ Chí Minh với lượng thành phẩm trung bình mỗi ngày 1 tấn khô cá mối, cá đổng, cá lưỡi trâu…
Hiện nay, cơ sở của chị Thu cũng như một số cơ sở sản xuất cá khô khác sử dụng gồm phơi nắng, sấy khô bằng hơi nóng từ than đá vào mùa mưa. Hai cách này đều đòi hỏi người thợ phải kiểm tra thường xuyên vì nếu hơi nóng ít thì khô không đạt yêu cầu, còn ngược lại thì thịt khô bị chín.
Theo chị Thu, đầu ra sản phẩm khô của cơ sở đã ổn định. Nhiều lúc, sản phẩm làm ra không đủ bán vì nhu cầu tiêu thụ lớn trong khi nghề làm khô lại phụ thuộc nhiều vào lượng cá đánh bắt của tàu cá, đặc biệt là thời tiết. Vào mùa nắng, nhiệt độ cao, mẻ khô nhìn đẹp, hấp dẫn người ăn và chi phí sản xuất không cao. Trong khi vào mùa mưa, chất lượng con khô giảm cũng như chi phí sản xuất cao vì phải sấy bằng hơi nóng từ than đá để khô đạt yêu cầu
Còn anh Lê Văn Danh, chủ cơ sở sản xuất cá khô khu phố Chợ 2, thị trấn Vàm Láng cho biết, tùy theo con nước, tàu đánh bắt về lúc nào thì đem cá về lúc đó. Cơ sở của anh chủ yếu là người thân trong gia đình. Vào những khi cá nhiều, làm không kịp thì sẽ ướp muối đá cho vào kho trữ lạnh để giữ độ tươi của cá.
Quy trình làm cá khô truyền thống ở vùng biển Gò Công gồm các công đoạn làm sạch vây, vảy, ruột, sau đó ướp muối hoặc tẩm gia vị, đem xếp lên giàn phơi nắng, mỗi ngày cần được trở 2 lần. Nếu nắng tốt, chỉ cần phơi đủ 2 nắng là con khô đạt yêu cầu. Trung bình hàng ngày cơ sở của anh có hơn 10 lao động tham gia các khâu chế biến, phơi, sấy khô.
Làng nghề cá khô Vàm Láng tuy đã góp phần giải quyết việc làm cho nhiều lao động địa phương nhưng vẫn còn gặp một số khó khăn cần được sự quan tâm, hỗ trợ của các ngành chức năng để phát triển bền vững trong tương lai. Ông Huỳnh Thanh Toàn, Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch Ủy ban nhân dân thị trấn Vàm Láng cho biết, mặc dù làng nghề truyền thống phơi cá khô có từ lâu đời, nhưng chưa có quy hoạch cụ thể.
Hoạt động sản xuất, chế biến của các cơ sở còn mang tính chất nhỏ lẻ, tự phát dẫn đến nhiều khó khăn như thiếu thông tin thị trường để tìm đầu ra cho sản phẩm; thiếu vốn đầu tư trang thiết bị công nghệ hiện đại để nâng cao năng suất cùng chất lượng nhằm đáp ứng các đơn hàng lớn, cơ sở hạ tầng cho nghề; chưa đáp ứng tốt vấn đề xử lý ô nhiễm môi trường làng nghề...
Nhằm giữ gìn, phát triển ngành nghề truyền thống của địa phương gắn với nhu cầu phát triển theo hướng bền vững, làng nghề cá khô Vàm Láng cần đầu tư, xây dựng hệ thống hạ tầng các cơ sở trong làng nghề như xây dựng lại mặt bằng sản xuất, cơ sở sơ chế, đầu tư hệ thống sân phơi để chủ động sản xuất trong mọi thời tiết vừa đảm bảo khâu vệ sinh an toàn thực phẩm; xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung nhằm tránh gây ô nhiễm môi trường.
Về hướng phát triển bền vững cho làng nghề cá khô nói riêng cũng như hoạt động chế biến hải sản ở thị trấn Vàm Láng, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Gò Công Đông (tỉnh Tiền Giang) Lê Hồng Tâm, cho biết, Ủy ban nhân dân huyện đã kiến nghị tỉnh sớm có quy hoạch tổng thể làng nghề chế biến thủy sản thị trấn Vàm Láng, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cùng hệ thống xử lý nước thải tập trung. Đồng thời, kêu gọi đầu tư ứng dụng công nghệ, trang bị một số máy móc thiết bị vào một số khâu như chế biến, bảo quản, đóng gói sản phẩm... Về phía Ủy ban nhân dân thị trấn Vàm Láng sớm vận động các cơ sở di dời sang khu vực quy hoạch làng nghề chế biến thủy sản để tạo điều kiện phát triển kinh tế, tập trung xử lý chất thải từ sản xuất, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Nếu được đầu tư, phát triển hợp lý, làng nghề chế biến cá khô Vàm Láng sẽ mở ra cơ hội cho người dân thị trấn cùng các xã lân cận trong việc giải quyết việc làm, nhất là duy trì nghề truyền thống gắn liền với nghề khai thác hải sản của vùng biển Gò Công.