Người đảng viên lão thành sắt son một niềm tin với Đảng

Đến thăm cụ Lưu Văn Quảng, trú tại số nhà 75, đường Chùa Chuông, phường Hiến Nam, thành phố Hưng Yên vào một sáng tháng 7 năm 2022, tôi không khỏi ngạc nhiên khi bên ấm trà buổi sáng, một cụ già quắc thước, mắt sáng tinh anh, nước da hồng hào đang chuyện trò cùng ba, bốn người là bạn hưu với con trai cụ, đang sinh sống cùng khu phố. Chủ đề câu chuyện xoay quanh chuyện thường ngày, cụ nhận xét “Tỉnh ta, từ ngày tái lập đã phát triển vượt bậc, Nhân dân bây giờ sướng nhiều, ví dụ như xã Nguyên Hòa (Phù Cừ) quê tôi, trước kia khi tôi làm lãnh đạo xã, đến dịp giáp hạt, nhiều hộ đứt bữa, phải cứu đói, cả xã mới có một vài xe máy, bây giờ hầu như nhà nào cũng có xe máy, nhiều người có ô tô, đời sống người dân khá giả, đường giao thông được rải nhựa, đổ bê tông phẳng lỳ, trường học, trạm xá khang trang…”. Con trai cụ cho biết, cụ thường xuyên xem thời sự trên truyền hình, đọc hết các trang báo Nhân dân, Hưng Yên hàng ngày, cụ ghi chép cẩn thận, nhất là trong các dịp kỷ niệm lớn: Ngày thành lập Đảng 3.2, Ngày sinh nhật Bác 19.5, Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2.9… để có tư liệu nói chuyện với con cháu và mọi người. Niềm vui, hạnh phúc rất lớn trong tôi khi được tiếp chuyện, tìm hiểu về cụ và được biết tháng 7.2021, cụ được đồng chí Nguyễn Hữu Nghĩa, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên trao tặng Huy hiệu 75 năm tuổi Đảng. Dịp tết Nhâm Dần 2022, cụ được Chủ tịch nước gửi Thiếp mừng thọ và tặng quà nhân dịp cụ tròn 100 tuổi. Trong tôi như có một thước phim quay chậm về cuộc đời người đảng viên lão thành, người đã sống trên một thế kỷ mà tinh thần, trí óc rất minh mẫn. Nhất là ngọn lửa cách mạng, niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng, của Bác Hồ còn chói sáng mãi trong tim.

Đảng viên lão thành Lưu Văn Quảng

Cũng như các vùng quê Việt Nam, thôn Hạ Đồng, xã Nguyên Hòa (Phù Cừ) của người thanh niên Lưu Văn Quảng, sinh ngày 6.1.1922 trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945 chìm trong ách áp bức bóc lột của thực dân Pháp, bọn tay sai và địa chủ phong kiến. Cảnh sống của Nhân dân lầm than cơ hàn bởi sưu cao, thuế nặng, trai tráng bị bắt đi lính, phu phen. Được Tổ Việt Minh xã Nguyên Hòa do đồng chí Đặng Hồng Soang, làm Tổ trưởng giác ngộ cách mạng, tháng 6.1945, Lưu Văn Quảng tham gia Đội Thanh niên cứu quốc tại địa phương.

Đầu tháng 8.1945, được tin giặc Nhật tại huyện lỵ Phù Cừ rút hết về thị xã Hưng Yên, ở huyện đường chỉ còn các lính cơ người Việt; tranh thủ thời cơ, mặc dù lệnh Tổng khởi nghĩa chưa đến, căn cứ Chỉ thị “Nhật – Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta” của Tổng bộ Việt Minh, Chi bộ Đảng huyện đã tổ chức họp vào tối ngày 13.8.1945 bàn kế hoạch đánh úp huyện đường vào sáng hôm sau. Để nắm tình hình di, biến động của bọn địch giữa huyện lỵ Phù Cừ và thị xã Hưng Yên, anh Quảng được đồng chí Đặng Hồng Soang giao nhiệm vụ cùng Nguyễn Văn Quản là du kích, người cùng thôn làm nhiệm vụ canh gác tại điểm gác Khu lưỡi A đoạn đường nối giữa huyện lỵ Phù Cừ về thị xã Hưng Yên từ ngày 10.8.1945 đến khi cuộc khởi nghĩa giành chính quyền thành công tại huyện lỵ Phù Cừ diễn ra sáng sớm ngày 14.8.1945. Để tránh những cặp mắt nhòm ngó của bọn tề, ngụy, các anh giả lúc là người làm ruộng, lúc dọn cỏ ở khu nghĩa địa, lúc bắt ếch, bắt nhái khi đêm tối ven đường khu vực ngã ba để nắm chắc tình hình di biến động của địch, báo về cho Việt Minh. Chính những thông tin kịp thời của chốt gác, cùng thông tin điểm gác phía đê sông Luộc, không phát hiện bọn địch chuyển quân từ thị xã Hưng Yên đến huyện lỵ Phù Cừ, đã giúp Chi bộ Đảng Phù Cừ tổ chức họp, ra quyết định và lãnh đạo Việt Minh lãnh đạo Nhân dân trong huyện đánh úp huyện đường, giành chính quyền sớm nhất trong toàn tỉnh.

Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Lưu Văn Quảng tích cực tham gia hoạt động du kích, vận động đông đảo Nhân dân hăng hái tham gia cuộc bầu cử Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa; thực hiện “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Anh được giao phụ trách tổ du kích thôn Hạ Đồng, là Ủy viên Ban chấp hành Thanh niên, trực tiếp phụ trách Đội Nhi đồng cứu quốc thôn. Với những hoạt đông cách mạng sôi nổi, hiệu quả và sự giác ngộ về Đảng, về chủ nghĩa Mác - Lê Nin, ngày 1.6.1947, anh được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam.

Để giữ vững và phát triển phong trào kháng chiến, thực hiện chỉ đạo của Ban Chỉ huy Xã đội xã Nguyên Hòa, Đồng chí Lưu Văn Quảng đã cùng du kích thôn Hạ Đồng tiến hành đào hầm bí mật trong chùa Hạ Đồng để nuôi giấu cán bộ cách mạng, cất giấu vũ khí. Gia đình đồng chí trực tiếp nuôi giấu đồng chí Đặng Hồng Soang, Bí thư Chi bộ cùng một số đồng chí từ thôn La Tiến xuống tránh địch. Do bến đò La Tiến bị địch giám sát, khủng bố gắt gao, không để đường dây liên lạc bị đứt, đồng chí Quảng cùng du kích thôn bố trí điểm vượt sông cách xa bến đò La Tiến. Dưới tán các cây to sà sát mặt sông, du kích buộc các cây chuối vào bụi cây, đêm đến, cán bộ thay thuyền vượt sông sang Thái Bình, khi trở lại, buộc vào gốc cây cho chuyến vượt sông lần sau, do vậy đã giữ được an toàn cho cán bộ qua lại hai tỉnh.

Từ năm 1950 đến năm 1952, khi là Ủy viên Ủy ban kháng chiến xã Nguyên Hòa và là Chính tri viên Thôn đội Hạ Đồng, đồng chí chỉ đạo lực lượng du kích xã thường xuyên nắm tình hình địch, đưa đón, nuôi giấu cán bộ, phá đường giao thông, cắm cọc trên lòng sông Luộc cản bước tiến của giặc Pháp, cất giấu và vận chuyển vũ khí, phục vụ bộ đội và du kích địa phương vây hãm và tấn công bốt địch ở La Tiến, giải phóng quê hương Nguyên Hòa.

Hòa bình lập lại, trong các năm 1955 -1961, đồng chí được giao nhiều nhiệm vụ khác nhau như công tác tuyên huấn, công tác bình dân học vụ, HTX mua bán xã.

Từ 1961 đến 1964, đồng chí là Thường vụ Đảng ủy xã, lần lượt đảm nhận các nhiệm vụ: Trưởng ban Tuyên giáo kiêm tổ chức; Phó Chủ tịch Ủy ban hành chính xã, kiêm Trưởng Công an xã. Từ năm 1964 đến 1967, đồng chí là Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Ủy ban hành chính xã.

Từ năm 1967 đến 1980, đồng chí được bầu làm Bí thư Đảng ủy xã Nguyên Hòa 5 khóa liên tục cho đến khi nghỉ chế độ.

Trong bất cứ nhiệm vụ nào được giao, đồng chí luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được Đảng tin, dân mến. Đồng chí cùng tập thể lãnh đạo Đảng bộ và Nhân dân trong xã hưởng ứng và thực hiện xuất sắc nội dung các phong trào do Đảng, Chính phủ và địa phương phát động, có phong trào dẫn đầu toàn tỉnh, thực hiện tốt phong trào “Thanh niên ba sẵn sàng”, “Phụ nữ ba đảm đang”, xây dựng, củng cố hậu phương vững mạnh, ủng hộ tiền tuyến đánh thắng kẻ thù. Tổ chức, huy động gần hai vạn ngày công của Nhân dân đào đắp trận địa phòng không, thành lập một đại đội dân quân trực chiến sắn sàng đánh trả máy bay Mỹ. Thực hiện tốt khẩu hiệu “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, Đảng bộ xã Nguyên Hòa đã lãnh đạo đảng viên, nhân dân trong xã sản xuất, vừa chiến đấu và phục vụ chiến đấu, xây dựng hậu phương vững mạnh và hết lòng chi viện sức người, sức của cho tiền tuyến, cùng quân dân cả nước hoàn thành nhiệm vụ giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Đồng chí tiếp tục lãnh đạo Đảng bộ và Nhân dân trong xã hoàn thành tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội tại địa phương trong thời kỳ mới.

Tham gia công tác cách mạng, đảm nhận nhiều nhiệm vụ và trách nhiệm được giao, đồng chí Lưu Văn Quảng luôn hoàn thành xuất sắc với trách nhiệm cao của người cán bộ, đảng viên. Đồng chí đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng nhiều huân, huy chương kháng chiến.

Trở về với đời sống thường nhật, trong những lần trở lại quê hương Nguyên Hòa, nhất là trong các dịp kỷ niệm, cụ Quảng thường thắp hương tại di tích Cây đa và đền La Tiến, bùi ngùi tưởng nhớ đồng bào, đồng chí, đồng đội đã ngã xuống cho hòa bình, độc lập hôm nay. Cụ luôn nhắc nhở con cháu khi đi trên những con đường đê trải nhựa bóng loáng không quên một thời gian khó đã qua. Cụ luôn dạy bảo con cháu nêu cao ý chí phấn đấu vì sự nghiệp cách mạng và con đường của Đảng và Bác Hồ đã chọn, rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng, xứng đáng với truyền thống gia đình và địa phương. Rất vui khi được biết các con trai, gái, dâu, rể của cụ đều trưởng thành, tham gia trực tiếp trong công cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc, là cán bộ, đảng viên trong lực lương vũ trang và các ngành và địa phương. Các cháu, chắt đều ngoan ngoãn, trưởng thành và có đóng góp tích cực cho xã hội. Hiện nay cụ ở với con trai thứ hai tại số nhà 75, đường Chùa Chuông, phường Hiến Nam (thành phố Hưng Yên), trong nếp nhà 4 thế hệ (Tứ đại đồng đường) đầy tình cảm yêu thương.

Trần Văn Quý

Nguồn Hưng Yên: http://baohungyen.vn/chinh-tri/202208/nguoi-dang-vien-lao-thanh-sat-son-mot-niem-tin-voi-dang-d1d5bac/