Người dành cả đời chăm sóc làng phong

Làng Bluk Blui (xã Ia Ka, huyện Chư Păh, Gia Lai) còn có tên gọi khác là làng phong. Gần 50 năm qua, bà Siu H'Jel (SN 1957, làng Bluk Blui, xã Ia Ka) không ngần ngại giúp đỡ mọi thứ, rửa vết thương, động viên họ vượt qua mặc cảm.

Trong lúc dẫn chúng tôi tới làng phong, bà H’Jel kể lại, hơn 60 năm trước, khi cả nhà đang ăn cơm tối thì cha của bà bỗng thấy đôi tay tê bì, rất khó cầm đũa. Các ngón tay của ông xuất hiện vài vệt màu đỏ, mấy hôm sau bị lở loét, đau đớn vô cùng.

Biết mình mắc bệnh phong, ông cùng với 4 người cũng bị mắc bệnh này tìm đến khoảnh đất xa khu dân cư để sinh sống. Họ chọn khu vực đất cao ráo cạnh con suối Bluk Blui dựng tạm căn nhà làm bằng tranh để ở. Về sau những người bị bệnh phong ở xã Ia Ka và cả trên Kon Tum cũng về đây sinh sống.

Bà H’Jel (ở giữa) được người bị phong rất quý mến, biết ơn

Bà H’Jel (ở giữa) được người bị phong rất quý mến, biết ơn

Những lúc rảnh rỗi, bà H’Jel và mẹ vào làng thăm cha rồi cùng với cha khai hoang đất sản xuất. Vốn là một y tá, thương người nên mỗi buổi chiều, bố của bà H’Jel đều tới từng gia đình để rửa vết thương cho người bệnh. Năm 1976, sau khi cha mất, bà H’Jel quyết định thay cha làm việc này.

“Hồi ấy lúc cao điểm làng có hơn 200 người bị phong. Việc rửa vết thương vô cùng quan trọng nên ngay từ sáng sớm, tôi đã mang theo nước uống rồi đạp xe vào làng. Không chỉ rửa vết thương, tôi còn giúp họ xuống suối tắm, ai bị nặng khó đi lại, tôi gùi nước về để họ tắm. Có hôm về đến nhà đã gần nửa đêm”, bà H’Jel chia sẻ.

Bà H’Jel thương nhất là đám trẻ con ngây thơ, hồn nhiên. Cũng bởi vậy mà đã mấy chục năm bà đứng lớp, dạy các em nhỏ. Phòng học nhỏ được người làng dựng lên vang tiếng trẻ con là nguồn sống của những người bị phong. Để thuận lợi cho việc chăm sóc người bệnh và dạy chữ cho trẻ, năm 1989, bà H’Jel chuyển hẳn tới làng Bluk Blui.

Cứ 2 ngày/lần, bà đi rửa vết thương cho người bệnh. Đến mùa thu hoạch nông sản, bà bán lấy tiền mua đồ dùng học tập và kêu gọi các nhà hảo tâm hỗ trợ thêm quần áo cho trẻ. Bà dạy cho các em nhận biết chữ cái, cách đọc, cách viết. Đối với môn Toán, bà dạy cách nhận biết con số và các phép tính đơn giản.

Hành động của bà H’Jel khiến ai cũng cảm động. Năm 1997, Hội Chữ thập đỏ TPHCM đã hỗ trợ làng xây dựng 3 phòng học, giờ là điểm Trường Mầm non Ia Ka. Điểm trường đã được bổ sung một số giáo viên để đảm bảo việc dạy học cho trẻ. “Mình thương người bị phong lắm nên sẽ chăm sóc họ đến khi nào không làm được nữa thì thôi. Gia đình tôi cũng rất ủng hộ tôi làm việc này để giúp đỡ những người bị phong vượt qua nỗi buồn, bước tiếp cuộc sống”, bà H’Jel chia sẻ.

Bà Rơ Châm H’Ken, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã Ia Ka, cho biết, có gần 30 người bị phong ở làng Bluk Blui. Bà H’Jel là ân nhân của làng phong. Theo bà H’Ken, từ năm 2023, tuy không còn tham gia dạy học nhưng bà H’Jel vẫn tình nguyện nấu cháo cho các em ở điểm trường làng. Lúc rảnh rỗi, bà dệt thổ cẩm và hướng dẫn chị em trong xã nâng cao tay nghề, tìm đầu ra cho sản phẩm.

TIỀN LÊ

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/nguoi-danh-ca-doi-cham-soc-lang-phong-post1649070.tpo