Người dầu khí và môi trường đa văn hóa

Diễn đàn quốc gia thường niên 'Văn hóa với doanh nghiệp' lần thứ tư năm 2024 đã đặt ra một chủ đề mới nhưng lại rất quen thuộc đối với người dầu khí, đó là 'kinh doanh trong môi trường đa văn hóa'.

TS Nguyễn Văn Hội - Chủ tịch HĐQT BSR tại Diễn đàn thường niên Văn hóa với doanh nghiệp năm 2024

TS Nguyễn Văn Hội - Chủ tịch HĐQT BSR tại Diễn đàn thường niên Văn hóa với doanh nghiệp năm 2024

Sở dĩ nói môi trường đa văn hóa “quen thuộc” là bởi Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) là đơn vị đầu tiên xây dựng doanh nghiệp liên doanh với nước ngoài ngay sau khi đất nước hoàn toàn thống nhất. Ngày 19-6-1981 đã diễn ra lễ ký hiệp định liên Chính phủ giữa Việt Nam và Liên Xô về việc thành lập Liên doanh Vietsovpetro. Sau khi có chủ trương mở cửa, phải đến ngày 7-4-1988, tờ giấy phép cho dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đầu tiên mới chính thức được Bộ Kinh tế đối ngoại cấp cho liên doanh giữa Công ty Hochimex của Hong Kong và Công ty Du lịch Bà Rịa - Vũng Tàu.

Điều đáng nhắc đến ở đây là những cán bộ, công nhân viên (CBCNV) Petrovietnam thế hệ đầu tiên đều đã làm việc, học tập và trưởng thành hầu hết từ Vietsovpetro. Hay nói cách khác là người dầu khí đã sống và làm việc trong môi trường đa văn hóa từ những ngày đầu tiên.

Từ định hướng của Đảng và Chính phủ, độ mở của nền kinh tế Việt Nam ngày càng lớn, từ 2 triệu USD vốn đầu tư vào dự án đầu tiên tại Vũng Tàu năm 1988 đến nay đã có hơn 26.400 dự án khác với quy mô vốn gần 335 tỉ USD. Đó là chưa kể mỗi năm có hàng nghìn doanh nghiệp mới được thành lập, sáp nhập, chia tách do có yếu tố nước ngoài. Chính vì vậy, người lao động Việt Nam càng ngày càng quen thuộc với cung cách làm việc trong môi trường đa văn hóa.

Chia sẻ tại diễn đàn “Văn hóa với doanh nghiệp” năm 2024, TS Nguyễn Văn Hội - Chủ tịch Công ty CP Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) cho biết, Nhà máy Lọc dầu Dung Quất là nhà máy đầu tiên của Việt Nam và cũng là trọng điểm trong khâu cuối của chuỗi giá trị dầu khí.

Người lao động nước ngoài tại Vietsovpetro luôn được tạo điều kiện tốt nhất để làm việc và hưởng chế độ chính sách phúc lợi toàn diện

Người lao động nước ngoài tại Vietsovpetro luôn được tạo điều kiện tốt nhất để làm việc và hưởng chế độ chính sách phúc lợi toàn diện

Khi xây dựng nhà máy đã gặp không ít khó khăn như vị trí của nhà máy ở vùng sâu vùng xa, đặc biệt là khó khăn về môi trường hoạt động đa văn hóa. Bởi dự án xây dựng nhà máy ban đầu được dự định hợp tác với Nga (năm 1999), sau đó Nga rút khỏi dự án nên ta tự làm với việc ký hợp đồng với các nhà thầu Pháp, Nhật Bản và Malaysia, Hàn Quốc, Anh.

Trong bối cảnh đa văn hóa như vậy, phía Việt Nam gần như phải “đấu tranh” để đẩy tiến độ dự án. Làm việc với các đối tác quốc tế là phải có kế hoạch cụ thể, tiến độ rõ ràng bắt buộc phải hoàn thành, nhưng Việt Nam lại luôn linh hoạt, tùy tình hình có thể thay đổi, điều chỉnh kế hoạch.

Người dầu khí và môi trường đa văn hóa

Người dầu khí và môi trường đa văn hóa

Ví dụ, một ngày đột nhiên một số người dân kéo đến gây rối vì có những điểm chưa đồng thuận về công tác giải tỏa mặt bằng. Ngay lập tức, các nhà thầu sẽ ghi nhận để hôm sau có biên bản gửi chủ đầu tư, tính toán rõ ràng ngày vừa rồi họ “mất” bao nhiêu công, bao nhiêu thiết bị trên công trường không hoạt động được… rồi “đưa” ngay con số khoảng 20-30 nghìn USD thiệt hại. Chủ đầu tư dự án là Petrovietnam cũng phải ghi nhận con số đó nhưng xử lý rất khó khăn vì không có cơ sở, cũng không thể bắt người dân “trả” được. Để xử lý việc này, lãnh đạo cấp cao Petrovietnam, Ban Quản lý dự án liên tục kết nối, đàm phán cùng các nhà thầu, tổ chức những buổi gặp gỡ giữa các nhóm. Qua đó chia sẻ các khó khăn của nhau, từ “đối đầu” dần dần các bên thông cảm, chuyển sang hợp tác trên công trường để công việc ngày càng thuận lợi hơn.

Hay như trên công trường, Việt Nam thường tổ chức phát động phong trào thi đua nhưng đối với các bạn nước ngoài lại không có khái niệm đó, đến ngôn ngữ của các bạn cũng không có từ nào để nói về phong trào thi đua mà chỉ có kế hoạch, tiến độ. Bởi vậy khi chúng ta nói với các đối tác về việc tổ chức phong trào thi đua trên công trường, họ không hiểu được. Phải thuyết phục mãi, các nhà thầu mới chấp nhận, ký kết vào biên bản thi đua. Đặc biệt là hiệu quả thực sự trên công trường cũng như sản xuất kinh doanh là những bằng chứng hùng hồn nhất để các đối tác phải nhìn nhận và đồng thuận.

TS Nguyễn Văn Hội nhấn mạnh, để làm việc trong môi trường đa văn hóa, cần có vốn ngoại ngữ tốt, trau dồi kiến thức vững chắc, sử dụng biện pháp mềm “team building” để luôn gắn kết, hài hòa, chia sẻ với các đối tác một cách bình đẳng sao cho những cái “lạ” về văn hóa, cung cách làm việc trở thành quen thuộc để hướng đến mục tiêu hoàn thành công việc một cách tốt nhất.

Cũng xin được nói thêm rằng, không chỉ có Vietsovpetro, BSR mà rất nhiều đơn vị khác trong Petrovietnam như Tổng công ty Dầu Việt Nam - CTCP (PVOIL), Tổng công Khí Việt Nam - CTCP (PV GAS), Tổng công ty Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC)… đã thành lập nhiều liên doanh, chi nhánh, văn phòng với nhân sự đến từ nhiều quốc gia trên thế giới, hoạt động tại nhiều lãnh thổ, đất nước khắp 5 châu. Trong đó, có rất nhiều người nước ngoài đã lựa chọn Việt Nam để gắn bó, sinh sống lâu dài khi hết hạn hợp đồng lao động.

Văn hóa Việt Nam nói chung, văn hóa kinh doanh của Petrovietnam nói riêng không chỉ đầy nhân văn mà còn có sự đồng cảm mạnh mẽ bởi được kết tinh từ tinh thần “Gắn kết - Chia sẻ”. Trong môi trường đa văn hóa, người dầu khí đã phát huy và bồi đắp thêm những nét đẹp văn hóa đó, cùng các đối tác vượt qua bất đồng, thêm gắn kết và hợp tác hiệu quả. Nhờ đó, văn hóa của người dầu khí đã góp phần quan trọng trong sự nghiệp phát triển bền vững của Petrovietnam trong 63 năm qua.

Tính đến năm 2024, Petrovietnam có tới 16 đơn vị được công nhận đạt chuẩn văn hóa kinh doanh Việt Nam gồm Tập đoàn và 16 đơn vị thành viên, doanh nghiệp cấp 3.

Thành Công

Nguồn PetroTimes: https://petrovietnam.petrotimes.vn/nguoi-dau-khi-va-moi-truong-da-van-hoa-721958.html