Người dày công lan tỏa nghệ thuật múa Khmer

Cô Thạch Thị Vân Na góp phần giữ gìn, phát triển nghệ thuật múa truyền thống Khmer, truyền đạt tình yêu đến các thế hệ học sinh, sinh viên.

Con gái và những học trò được bà Vân Na dạy trình diễn bài múa một cách chuyên nghiệp. Ảnh: NVCC.

Con gái và những học trò được bà Vân Na dạy trình diễn bài múa một cách chuyên nghiệp. Ảnh: NVCC.

Cần mẫn duy trì, phát triển nghệ thuật múa Khmer qua việc trực tiếp biểu diễn và truyền dạy, cô Thạch Thị Vân Na đã góp phần lưu truyền và lan tỏa vẻ đẹp của nghệ thuật này.

Đa thế hệ theo nghề

Bà Thạch Thị Vân Na (58 tuổi, ngụ TP Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng) sinh ra và lớn lên tại Campuchia nhưng đến Việt Nam sinh sống từ năm 1975. Gia đình bà Vân Na có đến 6 thế hệ theo nghề múa Khmer, trong đó 3 người con gái của bà là Điền Chanh Tha (32 tuổi), Điền Tha Ni (18 tuổi), Điền Na Vi (16 tuổi) và cháu trai cũng theo nghiệp.

Không chỉ biểu diễn một cách xuất sắc, bà còn biên đạo các bài múa. “Gia đình tôi có đến 6 đời theo nghề múa Khmer. Các con cháu giờ không chỉ múa giỏi, còn tự biên đạo bài múa. Gia đình được tặng danh hiệu gia đình đa thế hệ theo nghề múa Khmer”, bà Na tự hào nói.

Bà Vân Na chia sẻ, từ khi còn nhỏ, bà đã được truyền đạt và rèn luyện kỹ năng múa từ gia đình. Bắt đầu học múa từ lớp 3 và đến lớp 6, bà đã có thể biểu diễn một cách thành thục. Thừa hưởng năng khiếu và niềm đam mê đã giúp bà trở thành một vũ công tài năng.

Khoảng năm 1989 - 1992, bà Na đến Campuchia để học múa. Sau khi lĩnh hội trọn vẹn những kỹ năng múa, bà về công tác tại đoàn nghệ thuật Khmer tỉnh Sóc Trăng và dạy múa cho đến nay.

“Quá trình học tại Campuchia lắm gian nan, tôi học vũ đạo ở Tà Keo, học múa Apsara tại cung điện Hoàng gia Campuchia, học múa dân gian ở Pnôm Pênh. Khi học rất khó, thầy cô theo kèm từng động tác, sai chỗ nào bấm cho đau chỗ đó để nhớ”, bà Vân Na kể.

Bà Nguyễn Thị Hoài Tâm, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Cần Thơ cho biết: “Cô Thạch Thị Vân Na đã tham gia giảng dạy môn Nghệ thuật múa truyền thống Khmer tại trường từ năm 2011 và vẫn tiếp tục công tác đến nay.

Qua công tác giảng dạy, cô Thạch Thị Vân Na đã góp phần giữ gìn và phát triển nghệ thuật múa truyền thống Khmer, truyền đạt tình yêu và niềm đam mê đến các thế hệ học sinh và sinh viên. Cô là một người thầy tận tâm và đầy nhiệt huyết, mang đến cho học viên những trải nghiệm ý nghĩa và giúp lan tỏa vẻ đẹp văn hóa của dân tộc Khmer thông qua nghệ thuật múa”.

Bà Vân Na chỉ dạy từng động tác khi dạy múa.

Bà Vân Na chỉ dạy từng động tác khi dạy múa.

Nhà giáo tận tâm với nghệ thuật

Trong các lễ hội của người Khmer ở Nam Bộ, múa luôn là món ăn tinh thần không thể thiếu. Nhiều người Khmer cho rằng, nếu không có múa, lễ hội sẽ không hoàn chỉnh.

Múa được trình diễn trong các lễ hội như Tết Chôl Chnăm Thmây, lễ Sel Dolta, lễ Cúng trăng (Ooc-om-boc) và các dịp khác, bao gồm cả các lễ mang tính tôn giáo Dâng y... Chỉ cần có tiếng kèn, nhịp trống và nhạc ngũ âm nổi lên là có múa.

Trong những năm gần đây, các loại hình nghệ thuật truyền thống chịu ảnh hưởng của các loại hình nghệ thuật hiện đại. Do đó, bà Vân Na tìm cách kết hợp nghệ thuật truyền thống với hiện đại nhằm mang đến sự mới mẻ và thu hút khán giả. Bà chia sẻ rằng: “Khi xem những biên đạo, nghệ sĩ người Kinh múa tôi cũng chăm chú nghiên cứu để từ bài múa đó chế lại thành điệu múa Khmer. Để múa đẹp cần có kỹ thuật và sự sáng tạo”.

Nhằm phát huy, bảo tồn các di sản văn hóa nghệ thuật múa truyền thống của đồng bào Khmer, hằng năm, Trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật Cần Thơ đều mời cô Thạch Thị Vân Na giảng dạy bộ môn Nghệ thuật múa truyền thống Khmer trong chương trình đào tạo diễn viên múa ở bậc trung cấp và cao đẳng.

“Thông thường khi mới vào học múa, tôi dạy những tổ hợp cơ bản tay, chân, chíp, lia theo động tác. Khi các em làm đẹp từ động tác tay, chân, cặp mắt thì mới dạy tiếp. Ngoài ra, tôi còn dạy biên đạo để khi các em ra nghề có thu nhập khá hơn”, bà Vân Na cho biết.

Bà Vân Na (ngoài cùng bên trái) cùng con gái và cháu trai theo nghiệp múa Khmer. Ảnh: NVCC.

Bà Vân Na (ngoài cùng bên trái) cùng con gái và cháu trai theo nghiệp múa Khmer. Ảnh: NVCC.

Theo bà Nguyễn Thị Hoài Tâm, cô Na rất nhiệt huyết và có tâm với nghề, tận tâm hướng dẫn từng động tác, góc nhìn để học sinh, sinh viên nắm chắc được hơi thở, cử chỉ, nhịp điệu và cái hồn trong mỗi hành động.

“Sự tâm huyết và kiên nhẫn của cô được thể hiện qua việc hướng dẫn và thị phạm động tác một cách cụ thể. Cô tạo điều kiện cho các em quan sát và trải nghiệm một cách thực tế nhất, luôn tìm kiếm cái mới và sáng tạo qua các tác phẩm múa, mang lại cho sinh viên cảm giác thực sự và tận hưởng quá trình học tập”, bà Tâm chia sẻ thêm.

Trong quá trình hoạt động nghệ thuật, bà Vân Na không chỉ tham gia biểu diễn các chương trình nghệ thuật vào ngày lễ, tết, phục vụ khách du lịch và người dân vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc, mà còn lưu diễn tại nhiều quốc gia như Trung Quốc, Hà Lan

Hiện, mỗi tuần bà Na đều dạy múa tại chùa, trung tâm văn hóa… Ngoài ra, bà còn dẫn đoàn đi biểu diễn tại các sự kiện, lễ hội, tại nhà hàng trong và ngoài địa phương. Thu nhập từ các suất diễn cũng đảm bảo cho các thành viên trong đoàn đủ sống và bám nghề.

Trọn một đời theo nghiệp múa, bà Vân Na nhận hàng trăm giải thưởng lớn nhỏ, điển hình như giải B của Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Sóc Trăng, bài múa “Mối tình chung thủy” đoạt 3 Huy chương Vàng cấp chuyên nghiệp, bài múa “Trống Sa dăm” và múa trong lễ hội đua ghe ngo năm 2022 đoạt giải A và B, đoạt Huy chương Vàng ngày hội Sen Dolta khi tham gia thi múa ở Tây Ninh…

Trường Tiến - Duy Tân

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/nguoi-day-cong-lan-toa-nghe-thuat-mua-khmer-post647860.html