Người đem hạnh phúc cho bệnh nhân hiếm muộn

Để có được đứa con đối với gia đình hiếm muộn là hành trình khó khăn, thử thách với cung bậc cảm xúc khác nhau. Lắng nghe và đồng cảm với vất vả của người bệnh, suốt 17 năm qua, thạc sĩ, bác sĩ Cao Thị Dung, Trưởng Khoa Hỗ trợ sinh sản, Bệnh viện Phụ sản Thanh Hóa đã không ngừng nâng cao y đức, mang lại niềm vui và hạnh phúc cho nhiều gia đình hiếm muộn, giúp họ có cơ hội được làm cha mẹ.

Thạc sĩ, bác sĩ Cao Thị Dung khám, tư vấn cho người bệnh. Ảnh: Trung Hiếu

Thạc sĩ, bác sĩ Cao Thị Dung khám, tư vấn cho người bệnh. Ảnh: Trung Hiếu

Sinh ra trong gia đình có bố mẹ đều làm nghề y, vì vậy ngay từ nhỏ, hình ảnh bác sĩ mặc áo blouse trắng tận tình cứu người luôn để lại những ấn tượng không quên trong lòng cô bé Cao Thị Dung. Vì vậy, ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, chị luôn nỗ lực học tập tốt để thực hiện ước mơ trở thành bác sĩ. Năm 2007, sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Y Hà Nội, bác sĩ Cao Thị Dung về công tác tại Khoa Hỗ trợ sinh sản, Bệnh viện Phụ sản Thanh Hóa. Luôn nhiệt huyết, đam mê với nghề, bác sĩ Cao Thị Dung không ngừng học hỏi nâng cao trình độ chuyên môn khám, chữa bệnh, được bệnh nhân tin tưởng, đồng nghiệp đánh giá cao. Với sự nỗ lực, cố gắng của bản thân, năm 2020 bác sĩ Cao Thị Dung được cấp trên tin tưởng bổ nhiệm làm Trưởng Khoa Hỗ trợ sinh sản.

Để đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh ngày càng cao của người bệnh, bác sĩ Dung luôn phát huy vai trò nêu gương; phối hợp cùng với đội ngũ y, bác sĩ trong khoa tích cực triển khai các kỹ thuật mới, thường xuyên cập nhật kiến thức theo các chương trình chuyên sâu về hiếm muộn - vô sinh và các bệnh lý liên quan; áp dụng thành thạo các kỹ thuật mới như: Kỹ thuật phẫu thuật tinh hoàn thu tinh trùng làm thụ tinh trong ống nghiệm (PESA, TESE), đông phôi bằng phương pháp thủy tinh hóa, hỗ trợ phôi thoát màng bằng laser... Từ đó, giúp nhiều gia đình hiếm muộn thêm niềm tin và hy vọng trong hành trình “tìm con”.

“Khi lập gia đình, vợ chồng nào cũng mong muốn có được những đứa con nhanh nhẹn, thông minh, nhưng đối với những gia đình hiếm muộn thì hành trình này vô cùng gian nan, vất vả. Vì vậy, cùng với việc nâng cao trình độ chuyên môn, tôi cũng thường xuyên lắng nghe câu chuyện để thấu hiểu hơn về những áp lực, khó khăn của bệnh nhân. Từ đó, bản thân đặt quyết tâm cao cùng với đồng nghiệp có phác đồ điều trị phù hợp, giúp họ có cơ hội được làm cha mẹ”, bác sĩ Cao Thị Dung cho biết.

Suốt 17 năm chuyên sâu về hỗ trợ sinh sản, bác sĩ Cao Thị Dung đã biến ước mơ có con của hàng trăm gia đình hiếm muộn trở thành hiện thực. Gần đây nhất là trường hợp của bệnh nhân Đ.T.B.N, ở phường Hạc Thành, do tuổi cao và đã thất bại ở nhiều lần điều trị trước kia, vì vậy khi đến điều trị tại Khoa Hỗ trợ sinh sản, Bệnh viện Phụ sản Thanh Hóa, chị N. không giấu nổi sự mệt mỏi khi chia sẻ với bác sĩ Dung về hành trình suốt hơn 10 năm “tìm con”. Với 6 lần chọc trứng, 9 lần chuyển phôi, 3 lần bơm tinh trùng vào buồng tử cung, lần nào vợ chồng chị N. cũng sống trong nhiều cung bậc cảm xúc từ lo âu, mong chờ, hy vọng rồi lại thất vọng. Tuy nhiên, được sự tư vấn trực tiếp từ bác sĩ Dung và hỗ trợ của y, bác sĩ trong khoa, vợ chồng chị N. đã đồng ý dùng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm (IVF). Năm 2025 niềm vui đến với gia đình khi chị N. sinh được 1 bé trai, 1 bé gái bụ bẫm, kháu khỉnh.

Không chỉ nâng cao trình độ chuyên sâu để áp dụng tiến bộ khoa học vào thực tế công việc, bác sĩ Cao Thị Dung còn nghiên cứu thành công nhiều phương pháp khoa học, được đưa vào ứng dụng thành công trong khám, chữa bệnh, như đánh giá kết quả chuyển phôi trữ ngày 3 ở bệnh nhân trên 40 tuổi; đánh giá hiệu quả của Estrogen thoa da trong chuẩn bị nội mạc tử cung ở bệnh nhân chuyển phôi trữ; đánh giá tình hình đa thai sau chuyển phôi nang. Đặc biệt, với Đề tài: “Nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật chuyển phôi ngày 5 trong thụ tinh trong ống nghiệm tại Bệnh viện Phụ sản Thanh Hóa năm 2019-2020” được Hội đồng Khoa học sáng kiến cấp tỉnh công nhận đề tài có hiệu quả và được ứng dụng rộng rãi trong công tác khám, chữa bệnh tại bệnh viện. Từ đề tài này không chỉ giúp hơn 1.000 cặp vợ chồng thực hiện được thiên chức làm cha mẹ mà còn góp phần giảm chi phí điều trị và tiết kiệm hơn cho bệnh nhân, lợi ích đề tài mang lại đã làm lợi cho bệnh viện với số tiền hơn 3 tỷ đồng.

Thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ: “Lương y phải như từ mẫu”, thạc sĩ, bác sĩ Cao Thị Dung luôn tận tâm, nhiệt tình, trách nhiệm hết lòng vì bệnh nhân. Với những thành tích đạt được trong công tác chuyên môn, bác sĩ Cao Thị Dung đã đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, chiến sĩ thi đua cấp tỉnh và nhiều năm liền được tặng bằng khen, giấy khen của các cấp, các ngành; xứng đáng là tấm gương sáng về y đức trong công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho Nhân dân.

Trung Hiếu

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/nguoi-dem-hanh-phuc-cho-benh-nhan-hiem-muon-255873.htm