Người đi tìm lại nửa hồn thương đau

'Đôi mắt cửa sổ tâm hồn/Mất đi một mắt nửa hồn thương đau'. Tiếp chúng tôi trong lúc thảnh thơi hiếm hoi những ngày cuối năm, bác sĩ Nguyễn Hữu Dũng chốc chốc lại xin lỗi ngừng câu chuyện để giải quyết công việc tại bệnh viện và tham vấn chuyên môn cho các ca bệnh phức tạp.

Mỗi lần như vậy, anh lại ái ngại thanh minh: “Mắt là vùng đặc biệt nhạy cảm và vô cùng quan trọng đối với mỗi con người. Với các ca bệnh khó, chúng tôi phải cẩn trọng vô cùng bởi một quyết định dù nhỏ cũng là ranh giới giữa ánh sáng và bóng tối của bệnh nhân suốt cả cuộc đời”. Đó là ấn tượng đầu tiên của chúng tôi với anh, chàng bác sĩ với đôi bàn tay tài hoa đã tìm lại ánh sáng cho hàng ngàn đôi mắt tật nguyền trong gần 20 năm làm bác sĩ nhãn khoa.

Bác sĩ Nguyễn Hữu Dũng với niềm vui của người bệnh sau ca mổ thành công

Bác sĩ Nguyễn Hữu Dũng với niềm vui của người bệnh sau ca mổ thành công

Bác sĩ Nguyễn Hữu Dũng chia sẻ việc chọn nghề y làm nghiệp cả đời là đi theo con đường của bố mẹ đã định hướng, nhưng cho đến bây giờ, chưa khi nào anh cảm thấy hối tiếc với lựa chọn của mình. “Trăn trở hàng ngày của tôi là làm sao đưa được việc điều trị nhãn khoa tiếp cận gần nhất với những thành tựu chữa trị hiện đại của thế giới để đem ánh sáng cho ngày càng nhiều những ca bệnh phức tạp”, bác sĩ Dũng nói.

Người ta thường nói: “Đôi mắt là cửa sổ tâm hồn”. Còn một tạp chí của Hiệp hội Khoa học tâm lý thì lý giải: Đôi mắt là cửa sổ tâm hồn - hay ít nhất là tâm trí. Khi đo đường kính của đồng tử, một phần của con ngươi sẽ thay đổi kích thước để nhằm mục đích nhận được nhiều ánh sáng hơn. Như khi bạn muốn nhìn một vật gì đó rõ hơn thì mắt bạn sẽ tự động mở to hơn để tiếp nhận hình ảnh đó. Khi mắt mở rộng chúng thường được liên kết với những cảm xúc như sợ hãi, tò mò. Trong khi, một đôi mắt thu hẹp lại thường liên quan đến cảm xúc nghi ngờ, không hài lòng…

Về mặt tình cảm, khi nhìn vào khuôn mặt một người, ấn tượng về ánh mắt rất quan trọng. Nó sẽ là yếu tố giúp bạn chiếm ưu thế hơn trong giao tiếp tình cảm hoặc phá hủy ấn tượng đầu tiên khi không biết bộc lộ cảm xúc thông qua chúng. Tôi đã yêu công việc được nâng niu đôi mắt từ khi nào không biết…

Tốt nghiệp Đại học Y năm 2002, bác sĩ Nguyễn Hữu Dũng được phân công về Trạm mắt tỉnh Nghệ An năm 2003 và sau này là Bệnh viện mắt Nghệ An. Là một trong những bác sĩ tuyến tỉnh đầu tiên tăng cường cho tuyến y tế cơ sở năm 2004, sau 2 năm bác sĩ Dũng đã được kết nạp vào Đảng cộng sản Việt Nam tại chính nơi anh tăng cường 2 năm vì những thành tích xuất sắc trong chuyên môn cũng như hoạt động phong trào.

Trở về cơ quan cũ, bác sĩ Dũng lại tiếp tục hành trang 2 năm không ngừng nghỉ nghiên cứu hoàn thành luận văn tốt nghiệp thạc sỹ chuyên sâu về đáy mắt – màng bồ đào tại Đại học Y Hà Nội và Bệnh viện mắt TW, nơi anh được sự dìu dắt của các chuyên gia đầu ngành nhãn khoa Việt Nam như PGS – TS Đỗ Như Hơn – Nguyên GĐ BV Mắt TW; TS Nguyễn Thị Nhất Châu – Trưởng Khoa Đáy Mắt – Màng Bồ Đào; TS Thẩm Trương Khánh Vân – Trưởng Khoa Chấn Thương; TS Đặng Trần Đạt- Phó Trưởng Khoa Đáy Mắt và nhiều thầy cô trong Bệnh viện Mắt TW và Đại học Y Hà Nội.

Đề tài tốt nghiệp thạc sĩ của bác sĩ Dũng là một trong những lĩnh vực rất khó trong ngành nhãn khoa thời bây giờ mà hầu hết các bác sĩ mắt đều rất ái ngại khi nhắc đến. Đề tài này sau đó được đăng trên kỷ yếu tại hội nghị nhãn khoa thế giới năm 2014 tại Tokyo - Nhật Bản.

Đây là một trong những đề tài tốt nghiệp được GS.TS Tôn Thị Kim Thanh – Nguyên Giám đốc Bệnh viện Mắt TW đánh giá là một trong những đề tài xuất sắc, có chất lượng và có thể phát triển thành luận án tiến sĩ.

Tuy nhiên vì tính chất công việc nên bác sĩ Dũng đành tạm thời gác lại con đường học hành và trở về đơn vị công tác. Tại Bệnh viện mắt Nghệ An, bác sĩ Dũng được giao rất nhiều trọng trách nặng nề như Trưởng phòng chỉ đạo tuyến, thư ký các dự án chăm sóc mắt cộng đồng do các tổ chức phi chính phủ tài trợ, bác sĩ phẫu thuật viên chính, đào tạo chuyên môn phẫu thuât cho thế hệ bác sĩ trẻ của bệnh viện và tuyến huyện… Ở vai trò nào anh cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và được khen tặng của bệnh viện, ngành, UBND tỉnh Nghệ An, Bộ Y tế. Năm 2019 được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen.

Bác sĩ Nguyễn Hữu Dũng là người luôn học hỏi và đi tìm cái mới

Bác sĩ Nguyễn Hữu Dũng là người luôn học hỏi và đi tìm cái mới

Năm 1998, khi phương pháp phẫu thuật Phaco (phẫu thuật thể thủy tinh bằng phương pháp siêu âm) có thể giải phóng mù lòa cho những bệnh nhân gặp vấn đề về thủy tinh thể được áp dụng rộng rãi trên thế giới thì tại Việt Nam, phương pháp này vẫn chưa được đưa vào điều trị.

Vì vậy, bác sĩ Nguyễn Hữu Dũng cùng một số bác sĩ đã được học phương pháp phẫu thuật này đưa về áp dụng tại Việt Nam. Từ những kiến thức học được, bác sĩ Dũng tiếp tục nghiên cứu và ứng dụng điều trị bằng phương pháp Phaco rộng tãi tại Bệnh viện Mắt Nghệ An.

Chỉ qua tiếp xúc ban đầu thì ít ai biết được kỷ lục mổ mắt của bác sĩ Dũng. Các đồng nghiệp vẫn hay gọi bác sĩ Dũng là người của công việc.

Trung bình mỗi ngày, bác sĩ Dũng thực hiện mổ mắt cho hơn 50 ca, thậm chí có ngày cao điểm lên đến hơn 100 ca. Anh cho biết, trong những năm qua, nhờ trang bị nhiều máy móc hiện đại, đẩy mạnh hợp tác với các cơ sở đầu ngành về mắt trong và ngoài nước nên bệnh viện đã triển khai được nhiều kỹ thuật chuyên sâu để phục vụ người bệnh.

Điển hình như mổ bóc võng mạc, bóc màng trước võng mạc, tiêm vào nội nhãn cho bệnh nhân đái tháo đường biến chứng võng mạc, cắt dịch kính, laser quang đông đa điểm, các bệnh về đáy mắt, phẫu thuật thay thủy tinh thể, mổ gây mê cho bệnh nhân lác, sụp mí, phẫu thuật thẩm mĩ tạo hình...

Là một người luôn hướng về cái mới, không chịu ngồi yên, đam mê với khoa học về mắt, bác sĩ Dũng quyết định tìm con đường riêng. “Ở đâu cũng là làm nghề, được nâng niu đôi mắt và hơn hết là phụng sự nhân dân”, anh đã tìm bến đậu tại Bệnh viện mắt Bình Tâm – Thanh Hóa.

Vừa làm công tác chuyên môn vừa làm công tác quản lý, bác sĩ Dũng tâm sự, nếu không mạnh dạn đổi mới thì bệnh viện sẽ lạc hậu. Vì hiện nay, các kỹ thuật và trang thiết bị nhãn khoa liên tục đổi mới với việc đầu tư khá tốn kém. Cùng với đó, công tác đào tạo cán bộ cực kỳ quan trọng.

Suy từ bản thân tôi thấy những chuyến đi đào tạo tại các trung tâm lớn về điều trị nhãn khoa trong và ngoài nước đã giúp tôi học hỏi được rất nhiều cả trong chuyên môn lẫn trong cách nghĩ, cách làm của những thế hệ đi trước. Nó giúp tôi có tầm nhìn hoàn thiện hơn.

Rồi ai cũng cho rằng làm bác sĩ phẫu thuật thật tuyệt vời, đó là nghề “hái” ra tiền. Ấy vậy nhưng ít ai biết rằng, bác sĩ là những người phải chịu áp lực và có nhiều điều phải hi sinh.

Nghề bác sĩ nói chung và bác sĩ phẫu thuật mắt nói riêng luôn biết cách sống chung với áp lực. Áp lực đến từ chính khát khao chữa khỏi bệnh của người bệnh. Áp lực đến từ những tác động xung quanh có ảnh hưởng đến tâm trạng hay cảm xúc… “. Đã là bác sĩ phẫu thuật thì khoa nào cũng khó. Riêng với phẫu thuật mắt được gọi là vi phẫu nên đòi hỏi độ chính xác rất cao. Bệnh nhân mổ mắt ngày nay rất nhiều, phải tự biết tạo áp lực cho mình để nâng cao trình độ và phải vượt qua nó để có thêm những đôi mắt long lanh, biết nói…", bác sĩ Dũng nói.

Với sự tận tâm trong công việc, không dừng lại ở công tác khám chữa bệnh tại bệnh viện, bác sĩ Nguyễn Hữu Dũng còn trực tiếp khám mắt cho bà con qua các chương trình khám chữa bệnh từ thiện. Mỗi năm bác sĩ Dũng cùng các đồng nghiệp đều tổ chức các đợt khám và phẫu thuật mắt miễn phí cho nhân dân.

Qua đó đã kịp thời phát hiện và điều trị cho hàng nghìn lượt bệnh nhân, phẫu thuật chữa trị mù lòa miễn phí rất nhiều người bệnh. Bác sĩ Dũng luôn tâm niệm rằng mình cần chung tay góp sức nhiều hơn nữa để những người nghèo có thêm cơ hội khám, chữa bệnh. Chính những cống hiên lặng thầm đó mà bác sĩ Dũng luôn tạo được sự tin yêu của gia đình bệnh nhân.

Không bao giờ được thử nghiệm với mắt. Với bác sĩ Dũng, phẫu thuật nhãn khoa không giống mổ các bệnh tật khác, bao gồm cả cấp cứu.

Trong các trường hợp mổ cấp cứu thông thường, bác sĩ có thể giải thích cho bệnh nhân về những rủi ro có thể gặp phải, nhưng ở mắt, không một bệnh nhân nào chấp nhận rủi ro và người thầy thuốc cũng không bao giờ cho phép gây rủi ro cho bệnh nhân.

Anh Tuệ

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/nguoi-di-tim-lai-nua-hon-thuong-dau-n184441.html