Người 'đoản thọ' thường có 3 đặc điểm này khi ngủ

Ngủ quá ít hoặc quá nhiều, ngủ muộn, ăn no trước khi ngủ… ảnh hưởng tiêu cực tới sức khỏe, duy trì thường xuyên có thể ảnh hưởng tới tuổi thọ.

Một phần ba cuộc đời chúng ta dành cho việc ngủ, vì thế giấc ngủ ngon đóng vai trò rất quan trọng. Ngủ kém ảnh hưởng đến khả năng phục hồi và miễn dịch của cơ thể, gây rối loạn cảm xúc và tăng nguy cơ mắc các vấn đề sức khỏe, ảnh hưởng đến tuổi thọ. Thông thường, những người tuổi thọ ngắn có 3 đặc điểm chung khi ngủ được liệt kê dưới đây.

Thường xuyên thức khuya

Nếu bạn thức đến sáng sớm mới đi ngủ, ngay cả khi bạn dậy rất muộn vào ngày hôm sau và đảm bảo thời gian ngủ 7-8 tiếng, thói quen này về lâu dài vẫn không tốt cho sức khỏe. Đi ngủ quá muộn sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Nghiên cứu trên tạp chí Sức khỏe Kỹ thuật số Tim mạch châu Âu cho thấy thời điểm đi vào giấc ngủ tốt nhất là từ 22h đến 23h59. Nếu ngủ quá muộn, nguy cơ mắc bệnh tim sẽ tăng lên.

Thói quen làm việc và nghỉ ngơi tốt nhất là ngủ sớm và dậy sớm, thay vì ngủ muộn dậy muộn hoặc ngủ muộn dậy sớm.

Ngủ quá ít hoặc quá nhiều

Ngủ với thời gian quá ngắn hoặc quá dài đều không tốt cho sức khỏe. Nếu ngủ quá ngắn, bạn sẽ cảm thấy bơ phờ và ngái ngủ, mệt mỏi khi thức dậy vào hôm sau. Trong khi đó, ngủ quá nhiều cũng ảnh hưởng đến sức khỏe và có thể tạo ra những tác động tiêu cực tương tự như thiếu ngủ. Nghiên cứu cho thấy ngủ nhiều hơn sẽ khiến tình trạng viêm trong cơ thể trở nên tồi tệ hơn cũng như làm giảm chức năng miễn dịch.

Hút thuốc trước khi ngủ

Vấn đề mất ngủ và chất lượng giấc ngủ kém có thể xuất phát từ mức độ phụ thuộc của bạn vào thuốc lá và tần suất hút thuốc.

Nhu cầu về nicotine của cơ thể có thể mạnh đến mức làm gián đoạn giấc ngủ hoặc khó chịu khi bạn cố gắng ngủ. Bởi vì nicotine là một chất kích thích, nếu sử dụng gần giờ đi ngủ có thể gây khó khăn trong việc buồn ngủ.

Hút thuốc lá có thể làm đảo lộn cấu trúc cơ bản của giấc ngủ, được gọi là kiến trúc giấc ngủ. Điều này bao gồm mô hình của các giai đoạn giấc ngủ xảy ra trong suốt một đêm.

Theo một đánh giá về hút thuốc, bỏ thuốc và giấc ngủ, nghiên cứu chỉ ra rằng người hút thuốc hiện tại thường ngủ ít, ít ngủ sâu, bị gián đoạn giấc ngủ nhiều lần trong đêm, mất nhiều thời gian hơn để chìm vào giấc ngủ.

Cũng có nghiên cứu cho thấy hút thuốc sẽ làm tăng mức độ nghiêm trọng của chứng ngưng thở khi ngủ, đồng thời làm trầm trọng thêm chứng rối loạn giấc ngủ. Rối loạn giấc ngủ sẽ khiến chất lượng giấc ngủ kém, rút ngắn tổng thời gian ngủ.

Hút thuốc trước khi đi ngủ cũng có thể khiến phòng ngủ đầy khói thuốc. Ngoài ra, thuốc lá chứa nhiều chất độc hại, gồm carbon monoxide, nicotin, benzopyrene, nitrosamines..., nếu được hít vào phổi rồi hấp thụ vào máu cũng gây nguy hiểm cho sức khỏe.

Những thói quen làm giảm tuổi thọ

Ngoài những thói quen liên quan đến giấc ngủ, các thói quen dưới đây nếu bạn còn duy trì thường xuyên có thể ảnh hưởng tới tuổi thọ.

Không ăn sáng

Những người không có thói quen ăn sáng sẽ rút ngắn tuổi thọ xuống từ 2,5 năm. Việc không ăn sáng còn dẫn đến tình trạng vào các bữa trưa và tối sẽ nạp thêm nhiều calo cao, lúc này bao tử cần hoạt động nhiều để tiêu hóa thức ăn. Trong khi, nếu chúng ta phân bổ bữa ăn hợp lý, đặc biệt là ăn vào bữa sáng sẽ giúp cơ thể có thời gian tiêu hóa, nghỉ ngơi hợp lý. Từ đó, giảm nguy cơ mắc nhiều loại bệnh.

Làm việc không nghỉ ngơi

Một người trẻ trung bình làm việc từ 8-12 tiếng/ngày. Người ngoài 40 tuổi có thể rút ngắn thời gian hơn. Tuy nhiên, không ít người thường xuyên làm việc liên tục nhiều giờ và không có thời gian nghỉ ngơi. Điều này dẫn đến cơ thể phải chịu nhiều áp lực, căng thẳng, khiến nội tiết bị rối loạn và hoạt động các cơ quan bị mất cân bằng. Lâu dài, điều này khiến tuổi thọ giảm sút.

Ngồi quá lâu và ít tập thể dục

Trong cuộc sống bận rộn, nhiều người hầu như không có thời gian tập thể dục. Nhưng nếu ngồi lâu và lười vận động trong thời gian dài, sức khỏe bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Một nghiên cứu trên Tạp chí Hiệp hội Y khoa Mỹ cho thấy, so với người ngồi không quá 4 giờ một ngày, những người ngồi hơn 11 giờ mỗi ngày có nguy cơ tử vong cao hơn 40% trong 3 năm tiếp theo. Ngoài ra ngồi lâu còn làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim, tiểu đường, thậm chí tử vong sớm. Tác hại của nó có thể so sánh với việc hút thuốc lá.

Theo nghiên cứu này, ngồi lâu còn tác động tiêu cực đến não bộ của người trung niên và người già. Ở những người ít vận động, vùng não cần thiết cho trí nhớ trở nên mỏng hơn. Đây là dấu hiệu báo trước sự suy giảm nhận thức và sa sút trí tuệ ở người trung niên và cao tuổi.

Dù bận đến đâu, sau một giờ ngồi làm việc hãy cố gắng đứng dậy đi lại, dù chỉ lấy một cốc nước. Mỗi tuần nên tập thể dục ít nhất 3 lần, mỗi lần 20 phút.

Minh Hoa (t/h)

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/nguoi-doan-tho-thuong-co-3-dac-diem-nay-khi-ngu-204240912121924248.htm