Người đột quỵ não phục hồi chức năng sớm có hại hay không?

Tại Việt Nam, mỗi năm có khoảng 200.000 người bị đột quỵ, tỉ lệ tử vong 20%. Đáng lưu ý, bệnh đang có xu hướng tăng ở những người trẻ.

Thông tin trên được bác sĩ Trần Thị Kim Tuyết, Khoa Vật lý trị liệu - Phục hồi chức năng, Bệnh viện Thống Nhất (TP HCM), báo cáo tại hội nghị đào tạo chỉ đạo tuyến của bệnh viện chiều 21-7.

Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân bị đột quỵ tại Bệnh viện Thống Nhất (TP HCM).

Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân bị đột quỵ tại Bệnh viện Thống Nhất (TP HCM).

Theo bác sĩ Tuyết, đột quỵ là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ 2 sau bệnh tim mạch vành, để lại di chứng hết sức nặng nề.

Sau đột quỵ, có khoảng 70% người bệnh khuyết tật về chức năng vận động, cảm giác, ngôn ngữ, nhận thức, rối loạn nuốt, rối loạn tiểu tiện, nhận thức. Đáng chú ý, có 75% người không trở lại làm việc, 85% ảnh hưởng chức năng chi trên.

Bệnh nhân sau đột quỵ được tập phục hồi chức năng vận động tại Bệnh viện Thống Nhất (TP HCM)

Bệnh nhân sau đột quỵ được tập phục hồi chức năng vận động tại Bệnh viện Thống Nhất (TP HCM)

Bác sĩ Tuyết cho biết biến chứng sau đột quỵ có thể là teo cơ, cứng khớp; đau khớp vai, bán trật khớp vai bên liệt; loét tì đè; nhiễm trùng viêm phổi do hít sặc, xẹp phổi, nhiễm trùng đường tiết niệu… Tuy nhiên, phục hồi chức năng có thể phòng ngừa và điều trị các biến chứng, thương tật thứ cấp; xử trí các rối loạn, khiếm khuyết sau đột quỵ

Bác sĩ Tuyết cũng khuyến cáo việc phục hồi chức năng đột quỵ não càng sớm càng tốt (sau 24 giờ) khi các điều kiện về huyết động cho phép. Trong đó, chăm sóc phục hồi chức năng chi trên cho bệnh nhân đột quỵ cần phải chăm sóc toàn diện, tích cực và đưa ra các bài tập cá thể hóa trên từng người bệnh.

"Theo khuyến cáo của Hội tim mạch và hội đột quỵ Mỹ, vận động sớm trong vòng 24 giờ với cường độ cao có thể làm giảm kết quả có lợi sau 3 tháng. Phục hồi chức năng sớm có thể có hại cho người bệnh chảy máu não nặng, đặc biệt lưu ý, người bệnh đột quỵ nặng" – bác sĩ Tuyết nhấn mạnh.

Trao đổi thêm bên lề hội nghị, BS CK1 Lê Thị Thúy Uyên, Phó trưởng Khoa Nội thần kinh, Bệnh viện Thống Nhất, cho biết tại khoa có 58 giường nhưng số bệnh nhân thực tế luôn dao động 64-68 ca, thậm chí có thời điểm lên đến 70 bệnh nhân.

"Bệnh viện phải kê thêm giường bệnh. Bệnh nhân đột quỵ tại đây sẽ được điều trị toàn diện. Khi đủ điều kiện xuất viện sẽ được về nhà. Sau đó, người bệnh sẽ được hẹn tái khám và tập phục hồi chức năng ngoại trú" – bác sĩ Uyên chia sẻ.

Theo bác sĩ Uyên, hiện khoa điều trị được tất cả dạng, các giai đoạn của đột quỵ. Ví dụ, bệnh nhân nhập viện vì đột quỵ cấp thì được tiêm huyết khối để tái thông (bằng dụng cụ), phối hợp với ngoại thần kinh để phẫu thuật bệnh nhân.

Theo Bệnh viện Thống Nhất (TP HCM), trong 6 tháng đầu năm 2023, bệnh viện đã tiếp nhận 3.975 học viên, sinh viên từ đại học đến chuyên khoa II của 10 trường đại học đào tạo chuyên ngành y dược và các đơn vị đến thực tập, học thực hành, góp phần cùng với các đơn vị của Bộ đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành y tế.

Đồng thời, bệnh viện cũng đã mở được nhiều lớp đào tạo ngắn hạn và đào tạo lại cấp chứng chỉ cho nhân viên y tế; thực hiện đào tạo chuyển giao kỹ thuật cho 15 cơ sở y tế.

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn đánh cao công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học và chỉ đạo tuyến của Bệnh viện Thống Nhất, bên cạnh công tác khám chữa bệnh. Ông Thuấn cũng đề nghị các bệnh viện tuyến dưới, ban bảo vệ sức khỏe cán bộ các tỉnh tăng cường phối hợp, hợp tác với Bệnh viện Thống Nhất trong đào tạo chuyển giao kỹ thuật, chỉ đạo tuyến, hội chẩn từ xa, phối hợp.

Tin, ảnh: Hải Yến

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/suc-khoe/nguoi-dot-quy-nao-phuc-hoi-chuc-nang-som-co-hai-hay-khong-20230721201823202.htm