Người đưa nghề cói Nga Sơn vào đất Quảng

Từ lâu, chiếu Nga Sơn đã nổi tiếng đi vào câu ca: 'Chiếu Nga Sơn, gạch Bát Tràng/ Vải tơ Nam Định, lụa hàng Hà Đông'.

Nhiều sản phẩm từ cói của HTX sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ Sông Trà - Nga Sơn do chị Vũ Thị Oanh làm chủ, được khách hàng tỉnh Quảng Nam rất ưa chuộng.

Bằng sự lam lũ, chịu thương, chịu khó và những giọt mồ hôi mặn chát của người nông dân quê biển Nga Sơn đã dệt nên những chiếc chiếu thắm đượm nghĩa tình. Dù đi đâu, họ cũng không quên mang theo nghề truyền thống của cha ông đến phương xa lập nghiệp. Người đã mang nghề cói Nga Sơn vào đất Quảng là chị Vũ Thị Oanh, quê xã Nga Thanh, huyện Nga Sơn. Để rồi những sợi cói óng ả của vùng đồng chua nước mặn cứ thế bén vào lòng đất Quảng, vươn mình hòa cùng rừng xanh, núi thẳm, non cao nơi này.

Nghe kể nhiều về chị Vũ Thị Oanh, nhưng mãi đến trước Ngày kỷ niệm 60 năm Thanh Hóa - Quảng Nam kết nghĩa (12-3-1960 - 12-3-2020), chúng tôi mới có dịp được gặp chị. Vượt quãng đường dài 700 cây số từ TP Thanh Hóa vào đến TP Tam Kỳ của tỉnh Quảng Nam, rồi từ đây tiếp tục hành trình 70 cây số nữa vào đến xã miền núi Sông Trà, huyện Hiệp Đức, chúng tôi mang theo khá nhiều cảm xúc, vừa háo hức, vừa chan chứa nghĩa tình đồng hương.

Ngôi nhà của chị Vũ Thị Oanh nằm khuất giữa màu xanh của rừng keo. Nhưng chúng tôi vẫn nhận ra, bởi cửa hàng tạp hóa nho nhỏ của chị và tấm biển mang dòng chữ “HTX sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ Sông Trà - Nga Sơn” do chị làm chủ. Đón chúng tôi trong cái bắt tay nồng ấm thật chặt, chị Oanh mời chúng tôi uống nước, rồi vồn vã hỏi chuyện. Qua câu chuyện của chị, chúng tôi càng hiểu và cảm phục hơn về người Thanh Hóa quê mình...

Trong những năm 1968-1970, chị Oanh tham gia thanh niên xung phong (TNXP) và công tác ở đơn vị E2351-N235. Đơn vị của chị lúc bấy giờ làm nhiệm vụ phục vụ bộ đội chiến đấu, đánh chặn máy bay Mỹ bắn phá hậu phương miền Bắc. Sau đó, do yêu cầu nhiệm vụ, chị chuyển công tác sang đơn vị quân đội Trung đoàn 15. Năm 1975, khi miền Nam hoàn toàn được giải phóng, đất nước thống nhất, chị được điều về công tác trong quân nhu của Tổng cục Hậu cần. Năm 1977 chị chuyển về địa phương tham gia công tác hội phụ nữ của xã Nga Thanh, huyện Nga Sơn. Sau khi lập gia đình, chồng chị vào Quảng Nam công tác, rồi không may mất ở trong ấy. Chị khăn gói vào tìm mộ chồng và quyết định ở lại Quảng Nam gắn bó với mảnh đất này cho đến bây giờ.

Năm 2003, chị cùng 7 người con rời quê hương Nga Sơn vào xã miền núi Sông Trà, huyện Hiệp Đức, tỉnh Quảng Nam phát triển vùng trồng cây cói, làm nguyên liệu cho dệt chiếu và làm hàng thủ công mỹ nghệ. Ngày đầu mới vào Quảng Nam an cư, lập nghiệp, hành trang của mẹ con chị chỉ là mấy bao gốc cói. Xã Sông Trà lúc bấy giờ đất đai rộng lớn, ruộng đồng bát ngát, mênh mông. Nơi chị đến chỉ có vài nếp nhà, dân cư thưa thớt, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Chị vào nhà dân xin ở trọ, rồi hỏi han quanh vùng xem ai có ruộng thì bán lại cho chị. Thế là chị mua được hơn 1 ha đất ruộng để trồng cói, sau này phát triển thành 2 ha. Lúc đầu chị cũng trăn trở, đất mặn tại vùng trồng cói của huyện Nga Sơn được hình thành từ bồi tụ phù sa nên chứa nhiều khoáng chất thích hợp cho cây cói sinh trưởng và phát triển tốt. Còn đất đai ở đây toàn là đồi núi, liệu cây cói có thích nghi được không?

Nhưng chị lại nghĩ, ở trong này, đất trồng cây cao su, cây keo xanh tốt thì cây cói cũng sẽ xanh tốt - nghĩ vậy, chị quyết tâm đưa vào trồng thử nghiệm cây cói trên vùng đất đồi, nước ngọt. Sau một thời gian trồng thí điểm, chị đã thành công, cây cói sinh trưởng tốt, đặc biệt sợi cói nhỏ và đanh sợi hơn cói trồng ở vùng nước mặn. Năm 2007, HTX sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ Sông Trà - Nga Sơn do chị làm chủ, ra đời ngay trên miền sơn cước để cung cấp sản phẩm cho bà con xứ Quảng. Với số vốn tự có và nguồn kinh phí được UBND huyện Hiệp Đức hỗ trợ, chị đã đầu tư nhà xưởng, vật tư, lao động cho vùng chuyên canh phát triển cây cói, để sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ, dệt chiếu. Từ khi HTX ra đời, hàng năm đã giải quyết được việc làm cho con em lao động xã viên và nhân dân, bà con dân tộc thiểu số trên địa bàn, với mức thu nhập bình quân khoảng 3-4 triệu đồng/người/tháng. Những thợ kỹ thuật làm chiếu của chị phần lớn là người Thanh Hóa, Ninh Bình. Lúc ổn định công việc có khoảng 17 lao động, lúc đông nhất có thể lên tới 50-60 lao động. Sản phẩm của HTX đa dạng về mẫu mã, phong phú về chủng loại, như: Chiếu, túi, giỏ xách, mũ... đã được các ngành chức năng tỉnh Quảng Nam cấp giấy chứng nhận sản phẩm đạt chất lượng cao, được tham gia giới thiệu hàng hội chợ do tỉnh Quảng Nam và Trung ương tổ chức.

Sau nhiều tháng kiên trì, mạnh dạn tính toán, với bản lĩnh của người cựu TNXP năm xưa, không ngại khó khăn, gian khổ, chị cùng gia đình và các xã viên đã đưa nghề cói ngày càng ổn định và phát triển. Đây là một trong những lĩnh vực khá mới mẻ, ngày đầu mới thành lập gặp rất nhiều khó khăn, từ nguồn kinh phí, vùng chuyên canh cây cói, đào tạo nghề cho người lao động và nơi đặt trụ sở HTX trên địa bàn phù hợp để ổn định sản xuất. Có lúc chị lao đao vì gặp muôn vàn khó khăn do không có kênh mương để thoát nước, không có sân phơi, không có lò sấy... Nhưng với quyết tâm của mình, chị lại vực dậy, duy trì và phát triển nghề cói trên vùng đất còn gian nan nghèo khó của tỉnh Quảng Nam. Chị đã được mời đi nhiều nơi truyền dạy nghề cói cho lao động ở các địa phương như: TP Tam Kỳ, TP Hội An, các huyện Tam Thanh, Duy Xuyên, Tây Giang, Nam Giang... Sắp tới chị dự tính sẽ thuê đất, di chuyển vùng trồng cói sang nơi khác thuận lợi hơn. Ngoài phát triển kinh tế từ nghề cói, chị còn mở rộng thêm nhiều ngành nghề khác như: Làm chổi đót, xoa bóp gia truyền, trồng thảo dược, gỗ lũa mỹ nghệ, để tạo việc làm, tăng thu nhập cho lao động tại địa phương và vùng lân cận.

Thành công của người cựu TNXP và HTX do chị Vũ Thị Oanh làm chủ không chỉ dừng lại ở tạo công ăn việc làm cho xã viên và người lao động là con em của các cựu TNXP, là nghĩa tình đồng đội của mình. Với vai trò là Chủ tịch Hội Cựu TNXP xã Sông Trà, chị đã tạo điều kiện cho hội viên phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống và giúp cho người dân trên địa bàn có điều kiện vươn lên giảm nghèo. Chị còn làm tốt công tác xây dựng tổ chức hội, thường xuyên thăm hỏi động viên đồng đội giúp nhau khi khó khăn, hoạn nạn. Hội cựu TNXP nơi chị công tác, nhiều năm liền được hội cựu TNXP các cấp khen thưởng đơn vị có phong trào tổ chức hoạt động hội xuất sắc.

Tự hào vì trên quê hương Quảng Nam trung dũng, kiên cường luôn có những người con Thanh Hóa đang sinh sống, học tập, công tác, làm giàu, góp phần nhỏ bé xây dựng quê hương thứ hai của mình ngày càng giàu đẹp. Trong đó có chị Vũ Thị Oanh, người con của quê hương Thanh Hóa đã có nhiều đóng góp quý báu cho sự phát triển của quê hương Quảng Nam, góp phần làm cho mối tình kết nghĩa Thanh Hóa - Quảng Nam ngày càng bền chặt.

Bài và ảnh: Ngọc Anh

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/60nam-thanh-hoa-quang-nam/nguoi-dua-nghe-coi-nga-son-vao-dat-quang/115642.htm