Người đứng sau bức ảnh chụp Phá Tam Giang giành giải nhất quốc tế
Phạm Huy Trung, nhiếp ảnh gia sinh sống ở TP.HCM, đã nhiều lần giành giải ảnh tại đấu trường quốc tế. Gần đây, anh tiếp tục gây chú ý với tác phẩm Phá Tam Giang (Huế) mùa đông.
Bức ảnh đứng đầu hạng mục Con người tại Drone Photo Awards 2021 (tạm dịch: Giải ảnh trên cao năm 2021). Đây là cuộc thi thuộc khuôn khổ giải nhiếp ảnh Siena uy tín, được tổ chức từ năm 2015. Nhiếp ảnh gia Phạm Huy Trung đã có những chia sẻ với Zing về quá trình tạo nên bức ảnh đẹp siêu thực này.
Tốn công để có bức ảnh đẹp
Thời điểm bức hình được chụp là tháng 11/2018 tại rừng Rú Chá nổi tiếng ở Huế. Vào đông, cây chá rũ bỏ lớp lá, để lại những cành khô khốc, khẳng khiu.
Theo anh Trung, rừng ngập mặn Rú Chá có sự thay đổi đáng kể về cảnh quan theo mùa. Vào khoảng tháng 9, khi trời sang thu, những cây chá chuyển màu lá vàng ấm áp. Tuy nhiên, đông sang, những cành cây trơ trọi với màu trắng đặc trưng lại đem đến cảm giác lạnh lẽo, có chút u sầu.
"Tôi đã cân nhắc khá nhiều khi bấm máy. Việc đưa chiếc thuyền đánh cá của người dân vào cũng là ý đồ để tạo nên sự sinh động cho bối cảnh và giảm bớt cái lạnh lẽo trong không gian", anh Trung chia sẻ.
Nhiếp ảnh gia ở TP.HCM này nói thêm bức ảnh thực vốn cũng không lạnh lẽo đến vậy. Tuy nhiên, khi hậu kỳ, anh đã xử lý nó theo tone màu lạnh để làm nổi bật cảnh tượng của Phá Tam Giang ngày đông. Anh Trung khẳng định việc hậu kỳ hoàn toàn không xấu. Nó là thứ cần thiết để tạo nên sức sống riêng cho bức ảnh và góc nhìn của người chụp.
Góc chụp cũng là yếu tố được nhiều người quan tâm khi đánh giá ảnh. Nhiếp ảnh gia này nhận xét trong những năm gần đây, hội chơi ảnh khai thác rừng Rú Chá bằng drone khá nhiều.
Do đó, để tạo điểm nhấn, anh đã chọn chụp kiểu top-shot (chụp thẳng camera của drone xuống). Qua đó, bức hình bắt trọn khung cảnh những cây chá trắng đan xen nhau, bao phủ một vùng rộng lớn. Góc chụp này cũng tạo ra hình ảnh chằng chịt, làm bật sự yên bình của chủ thể (người lái thuyền) ở trung tâm.
"Có lẽ, một chút lạ lẫm và đúng gu của ban giám khảo đã giúp bức ảnh thắng giải", anh chia sẻ.
Trong hạng mục Con người của Drone Photo Awards 2021, nhiều tác phẩm của nhiếp ảnh gia Việt Nam cũng lọt vào danh sách rút gọn. Tuy nhiên, nếu để chọn một bức ảnh thực sự ấn tượng, anh Trung cho biết mình sẽ gọi tên "Beach Season" do nhiếp ảnh gia Alexadr Vlassyuk chụp.
"Bức ảnh toát lên sự đối lập cực độ về thời tiết khi cặp đôi trẻ thả mình trên những tảng đá dưới cái lạnh âm 10 độ C. Màu sắc của bức ảnh cũng thực sự bắt mắt", anh nêu quan điểm.
Thành công của một tay ngang
Anh Trung cho biết mình không phải dân được đào tạo nhiếp ảnh bài bản từ đầu. Anh tốt nghiệp ngành Điện tử Viễn thông của Đại học Bách khoa năm 2002. Tuy nhiên, phải đến tận năm 2016, anh mới bắt đầu mày mò về nhiếp ảnh.
"Việc đến với nhiếp ảnh cũng là sự tình cờ. Sau khi ra trường, tôi làm kinh doanh trong lĩnh vực công nghệ. Công việc cũng áp lực nên tôi cũng muốn tìm những thú vui khác để giải tỏa căng thẳng.
Sau khi xem một số tấm ảnh từ các đàn anh đi trước. Tôi thấy bộ môn này khá thú vị nên cũng tập tành, mua máy học theo. Chắc tôi phải mất gần một năm để nhập môn. Qua thời gian, những tác phẩm ưng ý cũng ra đời nhiều hơn", anh kể.
Theo nhiếp ảnh gia này, dù là tay ngang trong giới, anh vẫn có những lợi thế riêng khi bắt đầu chơi ảnh. Nhờ có nền tảng công nghệ, việc học hỏi các thiết bị điện tử không quá khó khăn với anh. Ngoài ra, anh cũng làm quen nhanh với những phần mềm chuyên dụng trong xử lý hậu kỳ.
Tuy nhiên, dân công nghệ thường bị gắn mác khá "khô khan". Anh Trung thừa nhận đây cũng là trở ngại lớn.
"Chụp ảnh hay học hỏi những kỹ thuật không phải điều quá khó với tôi. Dù vậy, làm sao để những không gian, khoảnh khắc mình bắt được nó mềm hơn, tình hơn lại là thách thức cần vượt qua", anh cho biết.
Những ngày đầu tập chơi ảnh, anh chọn chiếc Nikon D7200. Giá cả bộ vào khoảng trên dưới 20 triệu đồng. Hiện tại, nhiếp ảnh gia này không còn giữ "chiến hữu" đầu tiên nữa do nhu cầu nâng cấp thiết bị để chụp những bức ảnh tốt hơn.
Sau khi có thiết bị, anh "dấn thân" vào con đường chơi ảnh. Ban đầu là những bức hình chụp loanh quanh ở TP.HCM. Sau đó, anh đi thêm những điểm anh em trong giới gợi ý. Ngoài ra, anh Trung cũng học hỏi thêm những kỹ thuật từ các tay máy nước ngoài và cách họ hậu kỳ.
Theo anh, các tay máy ban đầu phải nắm vững những bài học vỡ lòng và thực hành thật nhiều. Việc chụp đẹp không phải chuyện một sớm một chiều. Đó là cả quá trình học hỏi, quan sát trước khi tìm ra hướng đi riêng. Tuy nhiên, học hỏi và nắm vững kiến thức là điều tối quan trọng. Những người mới cần thật chắc tay mới nên nghĩ đến việc phá cách, tìm lối đi riêng cho mình.
Nhờ tinh thần ham học hỏi và nền tảng công nghệ sẵn có, tay nghề của nhiếp ảnh gia này cũng ngày một cao.
"Tôi không dám nhận hiện tại mình đã đạt trình độ cao hay gì cả. Nói thế hơi quá. Tôi chỉ muốn tiếp thu những kỹ thuật mới và luôn tìm tòi các góc ảnh riêng cho mình", anh tâm sự.
Thành công đến với nhiếp ảnh gia Sài thành này tương đối sớm. Chỉ mất một năm học hỏi, anh đã mạnh dạn gửi bài dự thi giải thưởng nhiếp ảnh trên cao do hãng DJI tổ chức (giải thưởng toàn cầu Skypixel 2017). Ngày trong lần đầu tham dự, anh Trung đã giành giải nhất cho bức "Trang trại tôm hùng" thuộc hạng mục Phong cảnh.
"Cho đến giờ, tôi vẫn nhớ về bức ảnh đó. Tôi bắt chuyến bay sớm nhất từ TP.HCM đến Phú Yên lúc 5h30 và chỉ chụp khoảng 30 phút rồi quay lại TP.HCM luôn trong ngày do còn công việc. Cũng may mắn là gửi ảnh lần đầu lại ăn giải luôn", nhiếp ảnh gia này kể.
Sau khoảng 5 năm chơi ảnh, anh cũng đã có chỗ đứng riêng trong giới nhiếp ảnh gia Việt Nam. Các tác phẩm cũng được bán lấy tiền và đem lại nguồn thu riêng. Theo anh Trung, nếu muốn duy trì thu nhập đều đặn, điều tiên quyết là phải quảng bá được tác phẩm qua những kênh khác nhau, ví dụ báo chí, cuộc thi ảnh...
Khi được hỏi đây có phải công việc đáng theo đuổi không, anh cho biết có nhiều cách để kiếm nguồn thu từ tác phẩm. Các công việc liên quan đến ảnh cũng khá đa dạng như chụp hình nội thất, sản phẩm, chụp ảnh nghệ thuật hay làm phóng viên tự do. Mỗi mảng đều có đặc thù và khó khăn riêng, người cầm máy phải biết chắt chiu cơ hội và luôn tìm tòi những ý tưởng mới.
"Công nghệ luôn thay đổi. Chi phí để theo đuổi những mẫu máy mới cũng là trở ngại nhưng đó không phải yếu tố quyết định thành công của bạn. Hãy luôn nhẫn nại và chăm chỉ tìm hiểu. Bạn cần xem ảnh thật nhiều, dù ở bất kỳ đâu. Chúng ta có thể cầm máy ảnh của người khác nhưng hãy chụp bằng con mắt của chính mình", anh chia sẻ.