Người giữ hồn khèn Mông giữa đại ngàn Đồng Hỷ

Nghệ nhân ưu tú Hoàng Văn Mùi ở xóm Khe Mong, xã Văn Lăng, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên, là người đã dành cả cuộc đời để lưu giữ và truyền dạy nghệ thuật khèn Mông.

Gắn bó trọn đời với tiếng khèn dân tộc

Tại căn nhà nhỏ nằm sâu trong xóm Khe Mong, xã Văn Lăng, dù đã ngoài 70 tuổi, Nghệ nhân ưu tú Hoàng Văn Mùi vẫn tự tay chăm chút từng ống trúc, từng miếng gỗ của chiếc khèn đã theo ông suốt nhiều năm qua.

Theo Nghệ nhân ưu tú Hoàng Văn Mùi "tiếng khèn là tâm tình của người Mông"

Theo Nghệ nhân ưu tú Hoàng Văn Mùi "tiếng khèn là tâm tình của người Mông"

Sinh ra trong một gia đình người Mông có truyền thống văn nghệ dân gian, từ nhỏ ông đã được cha truyền dạy nghệ thuật thổi và múa khèn. “Tôi bắt đầu học thổi khèn từ năm 10 tuổi, đến năm 13 tuổi đã thành thạo nhiều bài khèn và điệu múa,” ông Mùi chia sẻ.

Với người Mông, con trai học thổi khèn không chỉ cần khỏe mạnh, dẻo dai, nhịp nhàng, mà điều quan trọng nhất là phải biết cách lấy hơi và rèn khí, làm sao để tiếng khèn sâu lắng, ngân dài. Mỗi bài khèn là một câu chuyện riêng, có thể là lời chúc mừng, lời tỏ tình, hay khúc tiễn biệt đầy cảm xúc.

Để thể hiện trọn vẹn một bài khèn, người biểu diễn cần kết hợp hài hòa giữa kỹ thuật thổi, tiết tấu và động tác múa tay, chân.

“Tiếng khèn là lời nói của thanh niên, là tâm tình của người Mông, thân quen như thắng cố, rượu ngô hay tất cả những gì thân thuộc nhất đã gắn bó với người đồng bào Mông từ lúc sinh ra”, ông Mùi hào hứng nói.

Suốt hơn 50 năm gắn bó với khèn, âm thanh do ông Mùi thổi lên vẫn vang vọng đều đặn, như một sợi dây kết nối giữa quá khứ và hiện tại, nhắc nhở thế hệ trẻ biết trân quý, gìn giữ những giá trị truyền thống của dân tộc mình.

Có bài khèn thổi đến cả tiếng đồng hồ mới xong, cho nên muốn thổi hay, múa giỏi thì phải uống đủ ba chén rượu cơ,” ông Mùi nhoẻn miệng cười, ánh mắt ánh lên vẻ hóm hỉnh, tay vẫn không ngơi nghỉ chỉnh lại ống khèn.

Ông Mùi đã nhiều lần đại diện xã Văn Lăng tham gia biểu diễn, đạt được nhiều giải thưởng tại các sự kiện văn hóa lớn như: Ngày hội Văn hóa các dân tộc huyện Đồng Hỷ, Tuần văn hóa trà Thái Nguyên và nhiều chương trình giao lưu tại các tỉnh Lào Cai, Tuyên Quang, Cao Bằng…

Những lần biểu diễn ấy không chỉ là dịp giao lưu, quảng bá nét văn hóa độc đáo của người Mông mà còn góp phần đưa tiếng khèn đến gần hơn với công chúng, đặc biệt là giới trẻ nơi đô thị, những người ít có điều kiện tiếp cận với văn hóa dân gian.

“Giữ gìn nghệ thuật thổi và múa khèn là trách nhiệm và niềm vinh dự của mỗi người con dân tộc Mông. Tiếng khèn Mông sẽ không tắt, mà còn được sống tiếp, lan tỏa và phát triển mạnh mẽ giữa đại ngàn” ông Mùi xúc động nói.

Năm 2022, ông Hoàng Văn Mùi được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú, nắm giữ di sản văn hóa phi vật thể là Nghệ thuật khèn của người Mông. Danh hiệu này ghi nhận những đóng góp của ông trong gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc Mông tại Thái Nguyên.

Trao truyền "tiếng nói thiêng" của người Mông cho đời sau

Ngồi trò chuyện cùng phóng viên, Nghệ nhân ưu tú Hoàng Văn Mùi thỉnh thoảng lại lặng lẽ nhìn về phía bìa rừng xanh thẳm, nơi thời trai trẻ ông thường mang khèn theo mỗi lần đi nương, đi hội. Âm điệu tiếng khèn thuở ấy dường như vẫn còn vang vọng đâu đây.

Nghệ nhân ưu tú Hoàng Văn Mùi chỉnh âm cho chiếc khèn đã gắn bó với ông nhiều năm

Nghệ nhân ưu tú Hoàng Văn Mùi chỉnh âm cho chiếc khèn đã gắn bó với ông nhiều năm

“Giới trẻ bây giờ có nhiều thú vui hiện đại, ít ai còn mặn mà với tiếng khèn. Nhưng chỉ cần còn một người trẻ đam mê học, thì vẫn còn hy vọng. Tôi dạy để con cháu biết mình là người Mông, có tiếng nói, có phong tục, có nghệ thuật riêng,” ông chia sẻ với giọng đầy tâm huyết.

Điều khiến ông trăn trở nhất hiện nay là lớp trẻ ngày càng ít quan tâm đến khèn. “Nếu không có người nối tiếp, tiếng khèn sẽ chỉ còn là ký ức của những người Mông già” ông Mùi bộc bạch.

Đó cũng là lý do ông luôn sẵn lòng truyền dạy miễn phí cho những ai muốn học, dù chỉ là vài nốt đơn giản, với hy vọng giữ được “tiếng nói thiêng” của người Mông giữa núi rừng Văn Lăng.

Chính từ những trăn trở ấy, năm 2015, ông Mùi bắt đầu dạy khèn miễn phí ngay tại nhà. Ban đầu chỉ có vài em nhỏ trong xóm, cũng có một số bạn trẻ ở nơi khác tìm đến, mong được ông chỉ bảo cách thổi, cách múa khèn và cả những nghi lễ, phong tục đi kèm với mỗi làn điệu.

Ông Mùi cho biết “Nghệ thuật thổi và múa khèn không dễ nắm bắt. Người học phải dẻo dai, cảm âm tốt, đồng thời phải hiểu ngữ nghĩa của từng bài khèn, bởi tiếng khèn Mông không chỉ để nghe, mà còn để “nói”, để “kể chuyện” bằng giai điệu”.

Theo thống kê của UBND xã Văn Lăng, đến nay ông đã truyền dạy cho hơn 10 người, trong đó có 3 người đủ khả năng biểu diễn tại các chương trình văn hóa, văn nghệ cộng đồng.

Ông Hoàng Xuân Trường, Chủ tịch UBND xã Văn Lăng cho biết: “Nghệ nhân ưu tú Hoàng Văn Mùi là người có uy tín, giữ gìn truyền thống và bản sắc văn hóa, là điểm tựa của người đồng bào Mông trên địa bàn. Tích cực tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc thiểu số tham gia vào các lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, thực hiện nếp sống văn minh".

Thời điểm trước khi sáp nhập thôn, ông Mùi là Đảng viên đầu tiên của thôn Khe Cạn (nay là thôn Khe Mong). Điểm đặc biệt, gia đình ông Mùi là gia đình có nhiều đảng viên nhất xã Văn Lang gồm có ông Mùi và 6 người con của ông.

"Hiện nay, chính quyền xã Văn Lăng xây dựng Câu lạc bộ mô hình, mẫu hình văn hóa văn nghệ xóm Khe Mong, quá trình hoạt động đã đưa nghệ thuật khèn Mông tiếp cận với nhiều người. Đây là hình thức để nghệ thuật khèn có cơ hội được bảo tồn và lan tỏa bền vững hơn trong cộng đồng", Chủ tịch xã Văn Lăng cho biết thêm.

Hòa Bình An

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/nguoi-giu-hon-khen-mong-giua-dai-ngan-dong-hy-post547562.html