Người giữ lửa cách mạng trên quê hương Hồ Đắc Kiện, Cần Thơ

Dù là thương binh hạng 3/4, nhưng suốt cuộc đời, ông Lê Minh Đuông luôn xứng đáng với lời Bác Hồ dạy: 'Thương binh tàn nhưng không phế'.

Sinh ra và lớn lên trong thời kỳ chiến tranh, khi đất nước còn chìm trong bom đạn, cậu bé Lê Minh Đuông ngày ấy đã sớm giác ngộ cách mạng. Ông tham gia kháng chiến khi tuổi đời còn rất trẻ. Năm 1972, ông tham gia du kích xã Hồ Đắc Kiện. Một năm sau đó, ông là cán bộ Trung đội trưởng du kích xã. Trong những trận đánh ác liệt, ông từng bị thương nặng, sau này được công nhận là thương binh hạng ¾, người trực tiếp hoạt động kháng chiến bị phơi nhiễm chất độc hóa học Dioxin, mất khả năng lao động 35%. Mặc cho vết thương chiến tranh để lại, nhưng chưa bao giờ ông lùi bước.

Sau ngày đất nước hoàn toàn giải phóng, ông Lê Minh Đuông tiếp tục cống hiến bằng một cách khác, đó là người cán bộ tận tụy của địa phương. Từ năm 1975 trở về sau, ông từng giữ các chức vụ quan trọng như xã đội phó, trưởng công an xã, phó Chủ tịch, rồi Chủ tịch UBND xã Hồ Đắc Kiện, Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng cũ... Ở bất kỳ vị trí nào, ông cũng nỗ lực không mệt mỏi để nâng cao đời sống của người dân, đưa quê hương Hồ Đắc Kiện không ngừng đổi thay.

Thương binh Lê Minh Đuông giới thiệu mô hình trồng mít của gia đình

Thương binh Lê Minh Đuông giới thiệu mô hình trồng mít của gia đình

Một trong những dấu ấn lớn nhất của ông trong giai đoạn này là đẩy mạnh công tác thủy lợi để cải tạo vùng đất trũng, rửa phèn, tạo điều kiện để người dân sản xuất lúa được hai vụ mỗi năm. Nhờ vậy, thu nhập của nông dân cải thiện đáng kể, bộ mặt nông thôn cũng dần khởi sắc, nông nghiệp cũng từng bước trở thành thế mạnh của Hồ Đắc Kiện đến ngày nay.

Ông Lê Minh Đuông nhớ lại: "Lúc sau giải phóng, Hồ Đắc Kiện là vùng trũng phèn, đất hoang hóa, người dân mình chủ yếu sống bằng nghề đánh bắt cá, ruộng làm không hiệu quả, cho nên không ai làm, năng suất chỉ đạt 5-6 giạ/công. Chú là người tham gia đầu tiên nhất về cải tạo đất ở Hồ Đắc Kiện, coi như làm thủy lợi để tăng vụ. Từ giai đoạn 1976 đến 1985, lúc đó chú giữ chức Phó chủ tịch, rồi chủ tịch UBND xã đã đẩy mạnh cải tạo vùng đất này, hướng dẫn người dân làm ăn, cải tạo nông nghiệp theo chủ trương của chính phủ".

Bên cạnh thủy lợi, ông Đuông còn đặc biệt quan tâm xây dựng các lộ giao thông nông thôn, phát triển hệ thống lưới điện trên địa bàn với mong muốn vực dậy vùng đất khó Hồ Đắc Kiện, từng bị tàn phá nặng nề bởi bom đạn, chiến tranh.

Năm 2012, ông Đuông về hưu, nhưng tinh thần "bộ đội Cụ Hồ" trong ông chưa bao giờ tắt. Không chịu nghỉ ngơi, ông Lê Minh Đuông, dù mang trong mình thương tật, nhức mỏi những lúc trời trở lạnh, ông vẫn tiếp tục xắn tay vào việc của ấp, của xã. Để phát huy vùng đất có thế mạnh về nông nghiệp, nhất là trồng lúa, ông còn vận động người dân trồng lúa tập trung, sản xuất thành lúa hàng hóa lớn thông qua việc thành lập tổ hợp tác sản xuất nông nghiệp. Từ mô hình tổ hợp tác này, người dân tiếp cận ứng dụng khoa học kỹ thuật, sử dụng giống cấp xác nhận, lúa cao sản, đặc sản, phân bón, kỹ thuật canh tác, đặc biệt được bao tiêu sản phẩm, lúa trúng mùa, giá cả ổn định, lợi nhuận tăng cao.

Ông Đuông chia sẻ thêm: "Bây giờ năng suất tăng lên rồi, 6-8 tấn/ha, đặc biệt trình độ sản xuất nông nghiệp của nông dân bây giờ rất là cao, có kinh nghiệm, cho nên ổn định năng suất. Đối với khoa học kỹ thuật, nông dân mạnh dạn ứng dụng, giờ có thể nói trên 80% nông dân có kiến thức tốt về trồng lúa".

Riêng gia đình ông, hiện đang canh tác 4,5ha lúa. Vụ Hè Thu này, vừa thu hoạch xong, nhờ áp dụng máy móc hiện đại và quy trình kỹ thuật tiên tiến, năng suất đạt trên 6 tấn/ha, lợi nhuận sau chi phí lên đến 50%. Ngoài ra, ông còn đầu tư trồng vườn mít, hứa hẹn mang lại hiệu quả kinh tế đáng kể trong thời gian tới.

Thương binh Lê Minh Đuông chia sẻ cùng phóng viên VOV

Thương binh Lê Minh Đuông chia sẻ cùng phóng viên VOV

Điều đáng khâm phụ ở thương bình Lê Minh Đuông đó là dù ở tuổi đời đã 70, ông vẫn ngày ngày cùng bà con thăm đồng, trao đổi kinh nghiệm sản xuất, hỗ trợ kỹ thuật cho lớp trẻ. Ông luôn là người tiên phong trong ứng dụng kỹ thuật tiên tiến vào trồng trọt, đặc biệt tất cả các khâu sản xuất lúa đều được cơ giới hóa nên vụ nào cũng đạt năng suất khá, lợi nhuận cao.

Không chỉ là người lính kiên trung, ông còn là người cán bộ mẫu mực, người nông dân sản xuất giỏi và là tấm gương sáng cho thế hệ trẻ học tập. Những gì ông Lê Minh Đuông đã và đang làm không chỉ là minh chứng rõ ràng cho tinh thần “thương binh tàn nhưng không phế”, mà còn là câu chuyện đẹp về nghị lực sống, lòng yêu nước và sự cống hiến không ngừng nghỉ cho quê hương, đất nước.

Với những cống hiến của bản thân, ông Lê Minh Đuông được Đảng và Nhà nước khen thưởng Huân Chương kháng chiến chống Mỹ hạng Nhì, Kỷ niệm chương Bảo vệ an ninh Tổ quốc, Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng, cùng nhiều bằng khen, giấy khen khác…

Ông Nguyễn Văn Mỹ, Chủ tịch UBND xã Hồ Đắc Kiện, thành phố Cần Thơ, cho biết, phát huy truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ”, những năm qua, Hội Cựu chiến binh xã Hồ Đắc Kiện, trong đó nhiều hội viên là các chú, các bác thương binh đã luôn gương mẫu, đi đầu trong sản xuất kinh doanh giỏi, giúp nhau phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Nhiều mô hình hiệu quả được nhân rộng trong đó, các hội viên còn hỗ trợ nhau cả về vốn, cây con giống và cả công trong lao động sản xuất. Từ phong trào này đã giúp cho nhiều hội viên cựu chiến binh, các thương binh vươn lên thoát nghèo làm giàu chính đáng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

"Hội Cựu chiến binh là một trong những ngành, đoàn thể rất gương mẫu, nhiều hội viên gia tăng sản xuất để chủ động phát triển kinh tế gia đình, trong đó có nhiều cựu chiến binh thuộc diện là sản xuất giỏi, đi đầu trong phát triển kinh tế, như làm lúa chủ động nâng cao kiến thức, phát triển kỹ năng, kỹ thuật, ứng dụng công nghệ với mục tiêu giảm chi phí, tăng thu nhập, từ đó, họ là những tấm gương để người dân học tập và noi theo", ông Nguyễn Văn Mỹ cho biết.

Với tinh thần “Bộ đội cụ Hồ”, “thương binh tàn nhưng không phế” không chỉ sản xuất giỏi, các cựu chiến binh, thương binh xã Hồ Đắc Kiện còn là là minh chứng sống động cho tinh thần vượt khó, lòng yêu nước và khát vọng cống hiến. Dù chiến tranh đã lấy đi một phần thân thể, nhưng không thể lấy đi ý chí và lòng tin vào cuộc sống.

Thạch Hồng/VOV-ĐBSCL

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/nguoi-giu-lua-cach-mang-tren-que-huong-ho-dac-kien-can-tho-post1217269.vov