Người giữ 'lửa' cho nhịp chiêng ngân

Hơn 45 năm tâm huyết với tiếng cồng chiêng của dân tộc K'Ho, già làng K'Nhêm (xã Đạ K'nàng, huyện Đam Rông) vẫn đang cùng với các nghệ nhân, già làng và chính quyền địa phương tích cực vận động người thân và bà con trong buôn làng lưu giữ, bảo tồn văn hóa cồng chiêng bởi đó chính là hồn cốt và báu vật mà cha ông để lại.

Già làng K'Nhêm luôn mong muốn tiếng cồng chiêng ngân vang mãi nơi đại ngàn

Già làng K'Nhêm luôn mong muốn tiếng cồng chiêng ngân vang mãi nơi đại ngàn

Từ thuở sơ khai, trong đời sống của cộng đồng các dân tộc, cồng chiêng được đánh lên để giúp chuyển tải ý nguyện, lời cầu xin của con người tới thần linh để được cho phép, chứng giám, bảo vệ con người trong lao động sản xuất trước tác động của thiên nhiên. Trong tất cả các lễ hội trong năm từ lễ Thổi tai cho trẻ sơ sinh cho đến lễ Cúng máng nước, lễ Mừng cơm mới, Đóng cửa kho, lễ Đâm trâu… hay trong một buổi nghe kể khan, đều phải có tiếng cồng chiêng như là thứ để kết nối những con người trong cùng một cộng đồng.

Già làng K’Nhêm cho biết, theo quan điểm của người Tây Nguyên, đằng sau mỗi chiếc cồng, chiêng đều ẩn chứa một vị thần. Thế nên ngoài việc coi cồng chiêng là tài sản quý giá thì mỗi khi đánh chiêng các nghệ nhân đều vô cùng nghiêm túc, trân quý để những tiếng chiêng tròn trịa như những nhắn gửi đến các vị thần. Vào những ngày hội, trong dòng người nhảy múa xung quanh ngọn lửa thiêng, bên những bình rượu cần trong tiếng cồng chiêng vang vọng núi rừng tạo nên một không gian lãng mạn và huyền ảo. Bởi lẽ đó, cồng chiêng góp phần tạo nên những sử thi, những áng thơ ca đậm chất văn hóa Tây Nguyên.

Sinh ra và lớn lên ở xã Tân Thượng, huyện Di Linh, từ nhỏ, ông K’Nhêm đã được nghe kể những câu chuyện về cồng chiêng của dân tộc mình. Thầy của ông, cũng chính là người cha đẻ - cố nghệ nhân K’Chung vốn là một người truyền dạy cồng chiêng có tiếng trong buôn làng. Ông K’Chung cũng đã được phong tặng Nghệ nhân Ưu tú vào năm 2019. Tuổi thơ từng nhiều lần theo chân cha đi biểu diễn ở các dịp lễ, âm thanh ngân vang đầy mê hoặc ấy của tiếng cồng, tiếng chiêng đã ngấm vào máu ông lúc nào chẳng hay. “Cồng chiêng rất có hồn, muốn điều khiển được phải hiểu nó và coi nó như thể người bạn, để hồn mình, hồn chiêng hòa vào nhau, đẩy lên những âm thanh da diết, tuyệt vời. Mỗi bài chiêng đánh lên đều mang một thông điệp riêng, có nhịp điệu khác nhau đòi hỏi người đánh chiêng phải luôn tập trung trong lúc diễn tấu để vào đúng nhịp điệu với những lúc trầm lúc bổng...”, ông K’Nhêm chia sẻ.

Ông Nguyễn Văn Quang - Trưởng Phòng Văn hóa - Khoa học và Thông tin huyện Đam Rông cho biết, công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào các dân tộc thiểu số được ngành Văn hóa và chính quyền địa phương quan tâm chỉ đạo, triển khai thực hiện. Hai năm gần đây, địa phương cũng đã tổ chức 6 lớp truyền dạy cồng chiêng cho 180 thanh thiếu niên người đồng bào dân tộc thiểu số. Với kinh nghiệm và kiến thức được học từ Nghệ nhân Ưu tú K’Chung, già làng K’Nhêm đã phối hợp giảng dạy một số lớp học cồng chiêng và thường xuyên góp mặt trong các liên hoan cồng chiêng, ngày hội văn hóa - thể thao các dân tộc...

Theo ông K’Nhêm, muốn thanh niên trong xã học đánh chiêng trước hết phải dạy về ý nghĩa của văn hóa cồng chiêng để nghe, hiểu và có thể cảm nhận từ từ trong quá trình học. Dưới sự truyền dạy của ông, nhiều thanh niên trong xã đã có thể đánh tất cả các bài chiêng của dân tộc mình. Đến nay, xã đã thành lập được 3 đội cồng chiêng múa xoang với hơn 50 thành viên, thường xuyên tham gia diễn tấu trong các sự kiện văn hóa do xã tổ chức.

Dạy nhiều học viên, chỉ cần nhìn cách các học viên cầm, nâng niu và thái độ trong lúc học là ông đã biết đó có phải là người thực sự đam mê hay không. Trong số những học trò của mình, ông cũng đã nhận ra một số người có năng khiếu, tiếp thu rất nhanh để tập trung bồi dưỡng thêm. Trong số đó, có anh Kơ Sắ Ha Brơi (thôn Đạ K’nàng, xã Đạ K’nàng) khi gần 40 tuổi mới chính thức được học cồng chiêng bài bản. Anh bảo rằng bản thân đã vô cùng thích thú và chẳng ngại ngần rủ cậu con trai đang học lớp 11 đi học cùng. Theo anh Brơi, học đánh chiêng không khó bởi đó là những âm thanh quen thuộc, nuôi dưỡng anh trong suốt quá trình lớn lên. Thêm vào đó, người thầy K’Nhêm đã có cách truyền đạt dễ hiểu dựa trên kinh nghiệm thực tế nên bản thân anh cũng đã tiếp thu rất nhanh.

Hiện nay, thôn Đạ K’nàng cũng duy trì được đội chiêng với khoảng 20 thành viên, thường xuyên tham gia các hoạt động giao lưu với các thôn khác trên địa bàn. Anh Ha Brơi cùng các thành viên luôn ao ước có điều kiện mua sắm một bộ chiêng để các thành viên có thể chủ động luyện tập, nâng cao kỹ năng để cùng người thầy của mình đưa tiếng chiêng vang xa hơn, lâu hơn trong cộng đồng. Đó sẽ là nguồn động viên rất lớn để lớp trẻ tin yêu, gắn bó với cồng chiêng, từ đó có trách nhiệm hơn trong việc giữ gìn và bảo tồn bản sắc văn hóa truyền thống.

HỒNG THẮM

Nguồn Lâm Đồng: https://baolamdong.vn/van-hoa-nghe-thuat/202505/nguoi-giu-lua-cho-nhip-chieng-ngan-dde0f18/